Vừa qua, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019. Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam quý IV và năm 2019.
Theo đó, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao nhất giai đoạn 2016-2019.
Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới, đạt 516,96 tỷ USD với giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
Ngành du lịch tạo dấu ấn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt người. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài.
Chất lượng dân số ngày một nâng lên, tuổi thọ trung bình tăng cao, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong mẹ và trẻ em giảm mạnh. Số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Bước sang năm 2020, kinh tế Việt Nam cần nhận diện những cơ hội cũng như những thách thức để có bước đi đúng trong tiến trình “về đích” của giai đoạn 2016-2020.
Theo Tổng cục trưởng TCTK, để có thể hoàn thành các mục tiêu kế hoạch không chỉ của năm 2020 mà của cả giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 6 nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo với các nội dung chủ yếu sau:
Hoàn thiện thể chế kinh tế; Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động; Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Đô thị hóa là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế...