Mỹ thừa nhận Nga đang chiếm ưu thế tuyệt đối ở Bắc Cực

GD&TĐ - Với sự hiện diện quân sự lớn và đội tàu phá băng lên tới 40 chiếc, Nga đang có lợi thế lớn trên con đường kiểm soát Bắc Cực.

Mỹ thừa nhận Nga đang chiếm ưu thế tuyệt đối ở Bắc Cực

Chiến thắng mới của Nga ở Bắc Cực

Hơn 20 tàu chiến, 35 máy bay và 8 đơn vị trên bộ của 13 quốc gia đồng minh và đối tác của NATO tham gia “Formidable Shield”, một cuộc tập trận bên trong Vòng tròn Bắc Cực vào ngày 8 tháng 5, để huấn luyện khả năng phòng không và tên lửa chống lại bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào của Nga trong tương lai.

Tuy nhiên, một diễn biến địa chính trị lớn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức là trong khi về mặt quân sự, Nga đang nỗ lực thiết lập uy thế của mình đối với Ukraine do Kiev ủng hộ NATO, thì Moscow đã giành được một chiến thắng hợp pháp ở Bắc Cực có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với các nước NATO trong khu vực, gồm: Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Đan Mạch.

Sau hơn 20 năm ngoại giao rộng rãi và các cuộc thám hiểm bằng tàu phá băng, tàu nghiên cứu và tàu ngầm dưới lớp băng biển vùng cực, Nga gần đây đã nhận được “khuyến nghị chấp thuận” đối với phần lớn yêu sách của mình đối với đáy biển ở phần trung tâm của Bắc Băng Dương từ Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc.

Như vậy, giờ đây, Moscow sẽ có khoảng 1,7 triệu km2 đáy biển Bắc Cực một cách hợp pháp. Do đó, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga hiện trải dài qua Bắc Cực đến EEZ của Canada và Greenland và một phần của Vương quốc Đan Mạch.

Và điều này cần được nhìn nhận với yêu sách của Nga ở vùng biển phía bắc eo biển Bering và Alaska, vốn là đường thẳng được xác định bởi một thỏa thuận riêng với Mỹ, phân định lãnh hải và thềm lục địa giữa hai nước.

Cho đến nay, các lợi ích chiến lược của tất cả các quốc gia ở vành đai Bắc Cực gồm Nga, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Canada và Na Uy đang tập trung vào “việc tiếp cận và sử dụng các hành lang giao thông toàn cầu mới nổi, tương lai của các tuyến dữ liệu qua cáp ngầm, các cơ hội đặt cơ sở vệ tinh ưu việt cho cả mục đích quân sự và khoa học, cũng như tiếp cận (và có khả năng kiểm soát) các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực (sống và không sống)”.

Các khu vực trên đất liền ở Canada, Nga và Hoa Kỳ (Alaska) đã được thăm dò về trữ lượng hydrocarbon, dẫn đến việc phát hiện ra hơn 400 mỏ dầu và khí đốt ở phía bắc Vòng Bắc Cực.

Khoảng 2,6 triệu thùng nhiên liệu hóa thạch được bơm ra khỏi Bắc Cực thuộc Nga và Canada mỗi ngày. Cho đến nay, Na Uy cũng đã bắt đầu thăm dò và sản xuất khoáng sản trên thềm lục địa mở rộng của mình.

Ngoài ra, một số quốc gia ở Bắc Cực và không ở Bắc Cực đã tham gia thăm dò dầu khí, kim loại đất hiếm, đánh bắt cá và thậm chí là cả trồng trọt.

Nga có ưu thế lớn ở Bắc Cực

Trong điều kiện khí hậu toàn cầu đang ngày càng nóng lên, tuyến đường biển nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với châu Âu qua Bắc Băng Dương, tránh Kênh đào Suez, được gọi là “Tuyến đường biển phía Bắc” (NSR) đang ngày càng trở nên quan trọng.

Đây là tuyến đường vận chuyển từ Biển Kara đến Thái Bình Dương, cụ thể là chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga từ eo biển Kara giữa Biển Barents và Biển Kara, dọc theo Siberia, đến Eo biển Bering. Nó còn có một số lối đi và tuyến đường thay thế giữa Novaya Zemlya và Eo biển Bering.

NSR dự kiến ​​sẽ mang lại cho Nga những lợi ích chiến lược và thương mại to lớn. Chẳng hạn, ước tính việc vận chuyển qua NSR sẽ giảm khoảng cách giữa Thượng Hải và Rotterdam (cảng thương mại lớn nhất châu Âu ở Hà Lan) gần 2.800 hải lý, tương đương 22% quãng đường, so với tuyến đường qua Kênh đào Suez, giảm chi phí vận chuyển từ 30 đến 40%.

Tương tự, trong khi một tàu container từ Tokyo đến Hamburg (thành phố cảng nổi tiếng của Đức) đi qua Kênh đào Suez trong khoảng 48 ngày, thì nó chỉ mất khoảng 35 ngày khi đi qua NSR.

Cuối cùng, Moscow cũng đang giảm thiểu những bất ổn liên quan đến tình trạng theo mùa của chỏm băng ở cực bắc và khả năng vận chuyển qua Bắc Cực của các chủ hàng. Trên thực tế, biến đổi khí hậu toàn cầu đã dần dần thúc đẩy khả năng cạnh tranh của NSR so với các tuyến đường biển khác.

Theo một nghiên cứu của Nga, năm 2020 đã phá thêm một kỷ lục nữa về nhiệt độ và các chỏm băng ở Bắc Cực đã giảm diện tích từ 5 đến 7 lần so với những năm 1980, tương đương với việc diện tích băng bao phủ ở Bắc Băng Dương đang bị thu hẹp hàng nghìn km2 mỗi năm.

Điều làm cho lợi thế của Nga ở NSR ngày càng lớn hơn, là nhu cầu về tàu phá băng, mà đó chính là điểm mạnh nhất của Nga, với hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới.

Mặc dù hầu hết tất cả các tàu buôn ngày nay đều được trang bị tốt với khả năng phá băng, cho phép chúng tự mình thực hiện hành trình trên Tuyến đường Biển Bắc, nhưng với lớp băng dày khổng lồ, cũng có những vùng biển chúng không thể tự hành trình được, mà phải cần đến tàu phá băng

Ngoài Nga, Mỹ còn có thêm mối lo Trung Quốc

Tất cả các hoạt động này của Nga ở khu vực Bắc Cực đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng trong giới hoạch định chính sách của Mỹ.

Trong một cuộc họp của Tiểu ban Phân bổ Ngân sách Quốc phòng gần đây, Nữ Dân biểu Betty McCollum đã đối đầu với Chỉ huy trưởng Hoạt động Hải quân Mike Gilday bằng cách hỏi truy vấn rất kỹ về sự chuẩn bị của Hoa Kỳ trong khu vực chiến lược này.

Bà nhấn mạnh, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải hiểu được tầm quan trọng của Bắc Cực và phải thúc đẩy sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực để Mỹ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với Nga và Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng được cho là đang nỗ lực để đảm nhận vai trò chính ở Bắc Cực về mặt kinh tế và địa chất, mà biểu hiện rõ nét nhất là Trung Quốc đã có chân trong tất cả các tổ chức lớn ở Bắc Cực, đặc biệt là tham gia vào 33 hoạt động ở Bắc Cực trong hai thập kỷ qua.

Bắc Kinh đang tiếp tục mở rộng đội tàu phá băng của mình, hiện bao gồm hai tàu phá băng hạng trung, bằng cách chế tạo hàng loạt tàu phá băng hạng nặng chuyên dụng và tàu buôn có khả năng phá băng, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng phía bắc của Nga.

Bà Betty McCollum khi chất vấn Gilday và Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro đã than thở rằng, trong khi chỉ riêng Nga có 40 tàu phá băng, trong đó có hai chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, thì Mỹ chỉ có một tàu phá băng hạng nặng đang hoạt động là USCGC Polar Star.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ngoài việc sở hữu hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, các căn cứ của Nga bên trong Vòng Bắc Cực còn nhiều hơn khoảng 1/3 so với NATO.

Được biết, Dự án đóng mới tàu phá băng Lider đang được Moscow triển khai có kế hoạch trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân loại RITM-400 và có tổng công suất 120 MW, gấp đôi công suất của các tàu phá băng mạnh nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, Moscow đã công bố một chiến lược hàng hải mới, cam kết bảo vệ vùng biển Bắc Cực “bằng mọi cách”, bao gồm cả các hệ thống tên lửa siêu thanh và các máy bay tuần tiễu thường xuyên trong khu vực vùng Cực.

Nhận thức được sự chậm trễ của mình so với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, trong thời gian gần đây Mỹ cũng đã tập trung sự chú ý vào khu vực này.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Washington mang tính tự phát, thiếu hoạch định chiến lược của một cường quốc và phụ thuộc vào hoạt động chung với các đồng minh.

Về chiến lược của Mỹ và các đồng minh NATO, chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...