(GD&TĐ) – Lần đầu tiên những chuyên gia an ninh xác định Vatican có thể là một trung tâm rửa tiền của các hoạt động tội phạm.
Bản báo cáo của Chiến dịch kiểm soát ma túy quốc tế, thuộc Bộ ngoại giao Mỹ đã đưa Vantican nằm trong danh sách 68 quốc gia, bao gồm Yemen, Algeria và Triều Tiên có liên quan tới hoạt động rửa tiền hoặc của các tội phạm về tài chính.
Những đám đông tụ tập tại quảng trường St Peter ở tòa thánh Vatican |
Các quan chức cho biết họ đã đưa Vatican vào danh sách theo dõi vì “một lượng tiền lớn” đã chảy vào thành quốc nhỏ bé này và bởi vì hiện vẫn chưa rõ hoạt động chống rửa tiền mà giáo hoàng Benedict XVI đưa ra năm ngoái hiệu quả như thế nào.
Thông tin trên được đưa ra chỉ vài tuần sau một loạt những tài liệu rò rỉ từ bên trong Vatican được gọi là “Vatileaks”, tiết lộ những cáo buộc vè tham nhũng và hoạt động rửa tiền nơi đây.
Những tài liệu trên cho rằng mặc dù Giáo hoàng Benedict đã ký một luật mới chống rửa tiền và khiến cho việc sử dụng các quỹ bất hợp pháp trở nên khó khăn hơn khi chuyển qua các tài khoản ở Vatican, thì đã tồn tại lỗ hổng lớn khiến luật trên không thể hoạt động chống lại bất kỳ sự vi phạm nào trước khi luật này được đưa ra vào ngày 1.4.2011.
Các công tố viên ở Rome hiện đang điều tra 2 vụ chuyển tiền có tổng trị giá 23 triệu euro từ ngân hàng Vatican, hay còn gọi là Viện phục vụ các công việc tôn giáo, vào 2 tài khoản nhỏ hơn.
Việc chuyển tiền diễn ra vào tháng 9 năm 2010 và khiến cho người đứng đầu Vatican Bank, ông Ettore Tedeschi và giám đốc điều hành của ông là Paolo Cipriani đã bị các công tố Rome điều tra, 23 triệu euro đã bị thu hồi trong cuộc điều tra này.
Các quan chức đã nhận được thông tin về 2 vụ chuyển tiền khả nghi của ngân hàng Italia khi Ngân hàng Vatican được cho là đã “không tiết lộ hoàn toàn” tất cả những thông tin liên quan tới việc chuyển tiền đáng ra phải công khai theo luật ngân hàng quốc tế.
Các điều tra viên tham gia vụ việc này nói rằng họ đã gặp phải một sự “câm lặng” khi họ cố gắng tìm hiểu tới cùng.
Tháng trước, các công tố viên ở Rome đã khiến cho 4 vị tu sĩ nằm dưới sự điều tra, trong đó có vị cha Evaldo Biasini, 85 tuổi. Ông được cho là đã tiến hành rửa hàng trăm ngàn euro của một doanh nhân tham nhũng thông qua các tài khoản mà ông mở cho vị doanh nhân kia tại Ngân hàng Vatican và được phép “giữ phần trăm” của số tiền trên để làm chi phí.
Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng Vatican có liên quan tới rửa tiền và các hoạt động tội phạm. Năm 1982, có một vụ bê bối lớn tầm quốc tế khi thống đốc của ngân hàng này khi đó là giám mục Paul Marcinkus, đã bị kết tội vì liên quan tới sự sụp đổ của ngân hàng tư nhân lớn nhất Italia khi đó là Banco Ambrosiano.