Mỹ tăng thiết bị gây nhiễu vệ tinh Nga, Trung Quốc

GD&TĐ - Lực lượng Không gian Mỹ (USSF) sắp tăng cường năng lực phản công trong không gian với thiết bị gây nhiễu vệ tinh Nga, Trung Quốc.

Mỹ giới thiệu Thiết bị đầu cuối mô-đun từ xa (RMT) có khả năng gây nhiễu các vệ tinh Nga và vệ tinh Trung Quốc.
Mỹ giới thiệu Thiết bị đầu cuối mô-đun từ xa (RMT) có khả năng gây nhiễu các vệ tinh Nga và vệ tinh Trung Quốc.

Bloomberg cuối tuần này dẫn nguồn tin từ Lực lượng Không gian Mỹ (USSF) cho biết, Washington sắp tăng cường năng lực phản công trong không gian bằng các thiết bị gây nhiễu mặt đất mới. Chúng sẽ được thiết kế để tạm thời vô hiệu hóa các vệ tinh Nga và Trung Quốc triển khai.

Sau khi thử nghiệm các hệ thống mới vào đầu năm nay, USSF cho biết họ sẽ triển khai 11 trong số 24 mô-đun từ xa là các thiết bị gây nhiễu đầu cuối (RMT). Kế hoạch sẽ được triển khai vào những tháng tới và toàn bộ 24 máy gây nhiễu này sẽ được đưa vào sử dụng trong cuối năm nay.

Các máy gây nhiễu này không nhằm mục đích bảo vệ các vệ tinh của Mỹ mà nhằm "chống lại khả năng liên lạc vệ tinh của đối phương".

Lực lượng Không gian đã mô tả các thiết bị đầu cuối này là “thiết bị gây nhiễu liên lạc vệ tinh nhỏ, dễ vận chuyển và giá thành thấp”, được thiết kế “sử dụng các thành phần thương mại sẵn có”.

Theo USSF, các thiết bị gây nhiễu sẽ tăng cường các hệ thống tác chiến điện tử khác như Hệ thống liên lạc đối kháng lớn hơn nhiều đã được triển khai và hệ thống Meadowlands cỡ trung bình bằng cách cung cấp "khả năng phổ biến hơn, điều khiển từ xa và tương đối dễ di chuyển hơn".

USSF lưu ý rằng hệ thống Meadowlands đã gặp phải các vấn đề về phát triển, trì hoãn việc triển khai cho đến ít nhất là tháng 10, chậm hơn hai năm so với kế hoạch.

Bà Victoria Samson, Giám đốc an ninh và ổn định không gian tại Secure World Foundation, cho biết: "Những hệ thống này sẽ không phải là vũ khí phòng thủ, mà nhằm mục đích tấn công các năng lực của đối thủ."

Bà phân loại nó là “năng lực phản công không gian”, tuyên bố rằng hệ thống này sẽ “có thể đảo ngược, tạm thời, không leo thang và cho phép phủ nhận hợp lý về việc ai là người chủ mưu”.

Thiết bị này đã được lực lượng không gian Mỹ thử nghiệm từ tháng 4. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành bởi Bộ Tư lệnh Huấn luyện và Sẵn sàng Không gian (STARCOM), chịu trách nhiệm đào tạo và huấn luyện nhân viên Lực lượng Không gian Mỹ (Space Force).

Hai đơn vị RMT đã được lắp đặt tại các địa điểm riêng biệt và được điều khiển bởi một đơn vị thứ ba. Thiết bị gây nhiễu được đánh giá theo các số liệu như "độ trễ hệ thống" và "độ chính xác khi tiếp cận mục tiêu", cũng như mức độ bảo mật của thông tin liên lạc.

RMT được giới thiệu là có thể được sử dụng từ hầu như bất kỳ nơi nào trên thế giới để ngăn chặn kẻ thù sử dụng vệ tinh quay quanh quỹ đạo trên cao.

Bloomberg cho rằng, hệ thống mới phù hợp với lập trường thường thấy của Lầu Năm Góc khi phát triển "công nghệ gây nhiễu vệ tinh mới chỉ mang tính phòng thủ". Nó chắc chắn sẽ khác với những gì mà Mỹ cáo buộc Nga đang phát triển: các loại vũ khí xung điện từ tầm cao.

Đầu năm nay, tình báo Mỹ phát đi thông điệp cho rằng Nga và Trung Quốc có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong vũ trụ. Phía Nga đã mạnh mẽ chỉ trích các tuyên bố như vậy.

Cần lưu ý rằng, phía Nga đề xuất Mỹ và các quốc gia khác ký kết hiệp ước cấm chạy đua vũ trang trong không gian, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các bước để bắt đầu đàm phán về vấn đề này.

Phía Nga cáo buộc Mỹ từ chối các thiện chí như vậy. Thay vào đó, Washington lại có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình trong không gian, bao gồm cả việc phóng vệ tinh Silent Barker để theo dõi các vật thể và phát hiện những mối đe dọa, bao gồm cả những thứ đến từ Nga và Trung Quốc.

RT bình luận, Moscow và các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (STO) đã kiên quyết phản đối việc vũ khí hóa không gian. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại với các nhà báo vào đầu tháng này rằng, Nga kiên quyết phản đối việc triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ