Trong bối cảnh Bắc Kinh sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào để mở rộng tầm ảnh hưởng và khẳng định vị thế của họ trên chuỗi đảo quan trọng chiến lược, được coi là “gạch nối” giữa Washington với các đồng minh Nhật Bản và Australia, chuyến công du Châu Đại Dương của ông Pompeo nhằm giải thích cho các nhà lãnh đạo địa phương rằng không nên mong đợi những việc làm tốt từ Trung Quốc.
Chuyến thăm lịch sử
Từ trước tới nay, chưa một Ngoại trưởng Hoa Kỳ nào từng đến Micronesia. Chính vì vậy, chuyến thăm của ông Pompeo lần này được coi là lịch sử. Liên bang Micronesia (FSM), một đảo quốc nằm ở châu Đại Dương, có diện tích 702 km2 với 106 nghìn người lại phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ. Ngoài ra, theo hiệp ước năm 1986, người Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ quốc phòng và cung cấp tài chính cho người dân trên đảo.
Ngoài FSM, Ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Palau và Quần đảo Marshall - các quốc gia độc lập chính thức nhưng phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ. Cũng như với FSM, Washington chịu trách nhiệm bảo vệ họ.
Chuyến thăm Châu Đại Dương được bắt đầu bằng cuộc họp tại Sydney
(Australia) theo định dạng “2+2” của ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper với các đối tác Australia. Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper cho rằng sự mở rộng kinh tế và quân sự của Trung Quốc dẫn đến bất ổn trong khu vực. Hoa Kỳ sẽ không thờ ơ đứng nhìn cách “một quốc gia đang cố gắng làm thay đổi khu vực theo hướng có lợi cho mình bằng chi phí của người khác. Hoa Kỳ và các đối tác sẽ quan tâm đến nhu cầu quốc phòng của các nước trong khu vực”.
Theo tuyên bố của ông Esper và Pompeo tại Sydney, Hoa Kỳ sẽ chống lại những khát vọng bành trướng của Trung Quốc bằng các biện pháp quân sự. Cụ thể, họ sẽ xây dựng các công trình kiên cố để neo đậu các tàu chiến lớn trên bờ biển Australia ở thành phố Darwin.
Tại các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của các vùng lãnh thổ, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã khẳng định rằng Hoa Kỳ có mối quan hệ đối tác đặc biệt với họ.
Trước đó, vào tháng 5 vừa rồi, Washington đã tổ chức một cuộc gặp mặt giữa các nhà lãnh đạo của các hòn đảo nói trên với Tổng thống Mỹ
Donald Trump tại Nhà Trắng. Và bây giờ, Michael Pompeo đích thân đến châu Đại Dương để lôi kéo các đảo quốc về phía Hoa Kỳ.
Tại sao Michael Pompeo phải tới Châu Đại Dương?
Theo nhà bình luận chính trị Australia Angus Grieg, đến Châu Đại Dương, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã phải đóng vai “máy ủi”. Sau một thời gian dài vắng bóng, giờ đây, Pompeo phải vượt qua chặng đường dài để tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Thật vậy, đã 37 năm trôi qua kể từ khi Hoa Kỳ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở Micronesia, giờ đây, những cuộc tập trận tương tự sẽ được nối lại.
Đơn giản là Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến địa chính trị chống lại Mỹ, làm suy yếu vị thế của Washington trong khu vực. Có thể lấy báo cáo “Làm thế nào để chiến thắng mà không cần chiến tranh” của chuyên gia Grant Nyushem từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington làm bằng chứng. Tác giả của báo cáo cho biết, Bắc Kinh đã sử dụng các khoản đầu tư, các khoản vay giá rẻ, quyên góp, học bổng cho sinh viên và lời mời đi du lịch vòng quanh Trung Quốc như thế nào. Qua các động thái trên, Trung Quốc đã đạt được mục đích làm giảm sự ủng hộ của dân chúng với các căn cứ quân sự của Mỹ trên chuỗi đảo được coi là tự trị, nhưng thực tế phụ thuộc vào trợ cấp tài chính của Washington.
Tại Liên bang Micronesia, Trung Quốc đã xây dựng nhà cho các cơ quan chính phủ, một sân vận động, dinh thự cho Tổng thống và các quan chức cấp cao khác. Ngoài ra, Trung Quốc còn tặng tàu cho quốc đảo này để cải thiện mối quan hệ giữa các đảo, hiện đại hóa sân bay và xây dựng một nhà máy chế biến cá.
Trong các cuộc gặp gỡ với quan chức địa phương, ông Pompeo nhắc đi nhắc lại rằng Hoa Kỳ có “mối quan hệ đối tác đặc biệt” với họ. Tuy nhiên, ông Grant Nyushem phàn nàn rằng trong “ba thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã bỏ mặc quan hệ đối tác đặc biệt. Điều này cho phép Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống trong một khu vực mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã thống trị kể từ Thế chiến thứ II”.
Đây là một thành tựu ở tầm chiến lược của Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đã làm suy yếu “chuỗi Bắc - Nam” giữa các đồng minh của Hoa Kỳ mà không cần phải sử dụng đến lực lượng quân sự. Bây giờ, tầng lớp lãnh đạo của các lãnh thổ này ngày càng yêu thích Trung Quốc.
Bắc Kinh không làm ngơ trước những tuyên bố chống lại Trung Quốc ở Sydney của các quan chức Mỹ. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cho biết các quan chức Mỹ đã làm sai lệch vai trò của Trung Quốc trong khu vực. Cũng theo lời ông này, Hoa Kỳ và các lực lượng khác đang “đốt lửa và gieo rắc sự thù địch” xung quanh vấn đề Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ bước sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn.