Mỹ “khó ở” khi Nga mở rộng ảnh hưởng thị trường dầu mỏ

GD&TĐ - Nga đang sử dụng dầu mỏ như một công cụ địa chính trị để lan truyền ảnh hưởng của mình trên thế giới. Chính sách này của Nga phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ. 

Mỹ “khó ở” khi Nga mở rộng ảnh hưởng thị trường dầu mỏ

Theo một số nhà bình luận, Mỹ càng tỏ ra không bằng lòng với Moscow vì đã cho vay tiền và giao dịch với các nền kinh tế hỗn loạn và bất ổn, đặc biệt là các nước như Venezuela.

Chiếm lợi thế ở “sân sau”

Tuần này, một cuộc kiểm tra quan trọng sẽ được tiến hành ở Venezuela – một đồng minh của Nga – đất nước đang cần một khoản lên tới 1 tỷ USD để ngăn ngừa các khoản nợ nần không thanh toán.

Nga đã thực hiện một loạt các khoản vay và thỏa thuận tập trung vào kinh doanh dầu của Venezuela – nơi mà đồng tiền có thể làm nên sự khác biệt giữa sự suy tàn hay tồn tại của cả một nhà nước. Đổi lại, Moscow đang nhận được lợi thế chiến lược ở chính “sân sau” của Washington.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong chuyến thăm Moscow nhằm tìm kiếm sự ủng hộ tài chính đã cảm ơn Tổng thống Nga Vladimir V.Putin “vì sự hỗ trợ của các bạn, cả về chính trị lẫn ngoại giao”.

Thông qua tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của nhà nước, Moscow đang cố gắng xây dựng ảnh hưởng tại những nơi mà Mỹ gặp khó khăn. Rosneft cũng đang phải tìm kiếm đối tác mới vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt lên nhiều đối tác của “người khổng lồ dầu mỏ” này.

Tập đoàn dầu mỏ này đang hướng tới các quốc gia “nhạy cảm về chính trị” như Cuba, Trung Quốc, Ai Cập, cũng như một số khu vực khác đang ở vào vị thế bất ổn, nơi mà lợi ích Mỹ đang bị đe dọa.

Rosneft đang tìm kiếm các giao dịch quanh vùng Địa Trung Hải và Đông Phi, các khu vực có tầm quan trọng chiến thuật trong bản đồ năng lượng.

Tập đoàn này cũng tận dụng sự lúng túng về kinh tế và chính trị ở miền Bắc Iraq, bằng cách thỏa thuận các hợp đồng lớn về dầu và khí đốt tự nhiên ở lãnh thổ người Kurd.

Rosneft cũng đang cố gắng “câu” các gói thầu để kiểm soát các mỏ dầu ở Iran trong tình trạng căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang.

Tập đoàn dầu khí Rosneft vốn có 50% thuộc sở hữu của nhà nước Nga. Sau cuộc chiến Crimea 3 năm trước, Mỹ và châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với ông Sechin.

Kể từ đó, Exxon Mobil và các công ty dầu mỏ khác của Tây Âu đã bị cấm cho các chuyên gia công nghệ của mình giúp Rosneft phát triển khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng nước sâu, đá phiến và Bắc cực nữa. Rosneft buộc phải đi khắp nơi tìm kiếm các mỏ dầu mới để thay thế cho các kho dự trữ cũ của mình.

Sức mạnh mới của Rosneft

Cho đến nay, vụ “đặt cược” lớn nhất của Rosneft là Venezuela. Trong 3 năm qua, Nga và Rosneft đã cung cấp cho Caracas 10 tỷ USD hỗ trợ tài chính, giúp Venezuela tránh khỏi nợ xấu ít nhất 2 lần dưới ngưỡng 150 tỷ USD nợ.

Nga cũng đang dần thay thế Trung Quốc để trở thành ngân hàng chính của Venezuela. Năm ngoái, Rosneft năm giữ 49,9% cổ phần của Citgo, công ty con của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (Petróleos de Venezuela, hay còn gọi là Pfvsa), để đảm bảo cho khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD cho công ty của Venezuela.

Công ty Dầu mỏ quốc gia Venezuela đã sử dụng số tiền này để thanh toán hóa đơn và duy trì sự sản xuất ở các mỏ dầu.

Tất nhiên, thỏa thuận này đã khiến Mỹ phản ứng. Quốc hội Mỹ cảnh báo việc Nga tiếp quản Citgo sẽ “đe dọa an ninh quốc gia” của Mỹ, bởi Citgo điều hành khoảng 4% công suất lọc dầu của Mỹ và có mạng lưới đường ống và trạm xăng rộng khắp.

Trong khi đó, Caracas vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ, vì chỉ có rất ít các nhà máy lọc dầu ngoài nước Mỹ có thể chế biến một lượng lớn dầu thô của Venezuela.

Tháng 4 vừa qua, Rosneft còn đi xa hơn nữa khi cung cấp một khoản thanh toán trước cho dầu tô do một công ty dầu mỏ quốc gia sản xuất. Khoản viện trợ này được đánh giá là rất quan trọng để Venezuela kiếm được gần 3 tỷ USD tiền thanh toán cho các chủ trái phiếu trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ