Mỹ triệt nguồn tài trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

GD&TĐ - Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty nước ngoài giúp đỡ và tạo điều kiện cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.

Nước Mỹ tìm kiếm đối thoại từ biện pháp triệt nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của ông Kim Jong Un?
Nước Mỹ tìm kiếm đối thoại từ biện pháp triệt nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của ông Kim Jong Un?

Đòn trừng phạt từ Bộ Tài chính Mỹ

Cùng với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua hồi đầu tháng, Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt mới này sẽ cô lập các công ty và cá nhân bên ngoài Triều Tiên đang hỗ trợ cho các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cụ thể, các biện pháp trừng phạt này nhằm vào 16 công ty và cá nhân được cho là “hỗ trợ những người đã được xác định là ủng hộ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, có các thương lượng về năng lượng với Triều Tiên, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu lao động của nước này, và cho phép các công ty Triều Tiên đang chịu sự trừng phạt tiếp cận các hệ thống tài chính của Mỹ và quốc tế”, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.

“Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên bằng cách nhằm vào những người ủng hộ sự phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, và sẽ cách ly họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu.

Mục tiêu chính của các biện pháp trừng phạt Mỹ lần này là các công ty năng lượng, một số nhà thầu dầu và than, các nhà xuất khẩu lao động và những người trốn tránh trừng phạt của Nga và Trung Quốc.

“Định vị” các nguồn tài trợ

Giống như nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định việc dừng các thương vụ buôn bán than của Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu. Theo Bộ Tài chính Mỹ, ngành công nghiệp than mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD hàng năm cho chế độ của ông Kim Jong Un, chiếm một phần đáng kể trong việc tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ đưa ra mục tiêu là 3 công ty than Trung Quốc, bao gồm Công ty Vật liệu kim loại Dandong Zhicheng, Công ty Quốc tế Jinhou Holding và Công ty thương mại Dandong Tianfu. Giá trị nhập khẩu than từ Triều Tiên của các công ty này lên tới gần nửa tỷ USD trong giai đoạn 2013 - 2014.

Công ty Gefest-M LLC và Giám đốc Ruben Kirakosyan của Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt do được xác định là đã tạo điều kiện bán kim loại cho một đơn vị có trách nhiệm trong chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Ông Mnuchin phát biểu: “Chúng tôi đang hành động phù hợp với các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để thể hiện rõ ràng việc sẽ có những hậu quả khi chống lại các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ Triều Tiên, đồng thời ngăn chặn các hoạt động tương tự trong tương lai”.

Nước Mỹ có quá lạc quan?

Trong khi Nhà Trắng và các quan chức quân đội Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng tất cả các lựa chọn trong vấn đề Triều Tiên vẫn còn đang được bàn bạc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng có thể phản ứng của Bình Nhưỡng đối với lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hồi tháng Bảy có lẽ hơi lạc quan quá. Tillerson lưu ý rằng nước Mỹ đã “không phóng tên lửa hay có hành động khiêu khích” kể từ khi lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua tháng trước. Ông cũng nói rằng ông hài lòng khi thấy Bình Nhưỡng cũng có thái độ kiềm chế chưa từng thấy trong quá khứ.

“Đây là khởi đầu của tín hiệu mà chúng tôi đang tìm kiếm”, Tillerson phát biểu về sự kiềm chế của Triều Tiên và hy vọng: “Có lẽ chúng ta đang tìm thấy một con đường đi tới trong tương lai gần để có một cuộc đối thoại”. Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt nhằm triệt nguồn tài trợ cho chương trình tên lửa của Triều Tiên sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Mỹ trong tương lai.

Mặc dù vậy, những người quan sát vẫn băn khoăn rằng: Liệu các biện pháp này có thể làm chậm lại các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, hay gây áp lực cho Triều Tiên trên các bàn đàm phán, nhất là trong tình huống quốc gia này tuyên bố đã thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân thu nhỏ?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ