Điều mà Tổng thống Donald Trump cũng đánh giá tích cực, ông hy vọng con đường đối thoại có thể mở ra “một lúc nào đó trong tương lai gần”.
Chủ động kiềm chế
“Chúng ta không có thêm vụ phóng phi đạn đạo hay những hành vi khiêu khích nào nữa về phần Triều Tiên kể từ khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đồng thanh chấp nhận”, ông Tillerson nói với các phóng viên, nhắc đến những chế tài đối với Triều Tiên được Hội đồng chấp thuận vào ngày 5/8 vừa qua.
“Chúng ta hy vọng đây là khởi đầu của dấu hiệu chúng ta đang tìm kiếm - rằng họ sẵn sàng hạn chế những hành vi khiêu khích, và có lẽ chúng ta đang thấy con đường của chúng ta một lúc nào đó sẽ có đối thoại trong tương lai gần”, ông Tillerson nói thêm.
Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố ông hài lòng vì Bình Nhưỡng đã chứng tỏ “một mức độ kiềm chế mà chúng ta không thấy trong quá khứ”. “Chúng ta cần thấy nhiều hơn về phần Bắc Triều Tiên, nhưng tôi muốn công nhận những bước họ đã thực hiện cho tới nay,” ông nói.
Những phát biểu của ông Tillerson dường như nhằm khuyến khích đối thoại, dù rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng này tuyên bố Triều Tiên còn một con đường dài để vượt qua trước khi Washington có thể cứu xét việc thương thuyết.
Bình Nhưỡng đã hai lần thử nghiệm hạt nhân và hơn một chục lần thử nghiệm tên lửa kể từ đầu năm ngoái và Washington nói mục đích của những cuộc thương thuyết trong tương lai phải là phi hạt nhân hóa, điều mà Bình Nhưỡng đã bác bỏ chừng nào Hoa Kỳ vẫn giữ “chính sách thù nghịch” đối với Triều Tiên.
Chỉ mới nửa đầu tháng này, căng thẳng đến mức có nguy cơ va chạm quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên đã lên đến cao độ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa thịnh nộ” nếu đe dọa Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách dọa phóng tên lửa đến đảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nhưng sau đó cho biết đã hoãn lại để chờ hành động của Hoa Kỳ.
Tuần trước, ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì quyết định khôn ngoan của ông này, trong khi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông đã thông báo với Nga, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng giúp làm trung gian các cuộc đàm phán. Gần đây nhất, cuộc đàm phán 6 bên nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đã đổ vỡ vào năm 2008.
Mỹ vẫn sẵn sàng… tạo căng thẳng
Dù đã có dấu hiệu dịu giọng về vấn đề Triều Tiên, nhưng trên thực tế Mỹ vẫn lần lượt tiến hành tập trận với Nhật Bản và nhất là với Hàn Quốc, điều mà Triều Tiên cho rằng khiêu khích và sẵn sàng đáp trả thích đáng.
Đặc biệt, báo GD&TĐ đã phân tích ở mục “Câu chuyện quốc tế” số ra ngày 24/8, hiện Mỹ vẫn đang áp đặt các biện pháp chế tài mới liên quan Bắc Triều Tiên, nhắm vào các công ty và các cá nhân từ Trung Quốc và Nga vì hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Các quan chức Mỹ loan báo tin này hôm 23/8, theo giờ Việt Nam, nhưng không nói các biện pháp này sẽ tập trung vào các ngân hàng Trung Quốc như trông đợi trước đó.
Hành động này diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được thông qua trong tháng này sau khi Triều Tiên thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo liên lục địa đầu tiên vào tháng 7. Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những người và những thực thể đang giúp đỡ những cá nhân vốn đã bị định danh vì hỗ trợ chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên và hoạt động buôn bán năng lượng của họ, trong đó có ba công ty nhập khẩu than đá của Trung Quốc.
Các bước này cũng nhắm mục tiêu vào những người và những thực thể giúp Bắc Triều Tiên đưa nhân công đi làm việc ở nước ngoài và cho phép các thực thể bị chế tài của Triều Tiên có thể tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ và quốc tế. Những động thái đó cho thấy dù không còn những tuyên bố sặc mùi thuốc súng, nhưng để Mỹ nhún nhường với Triều Tiên là điều hoàn toàn không có.