Tư lệnh Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM), Tướng Michael Langley đã bác bỏ các thông tin được lan truyền trên truyền thông cho rằng Mỹ dự định triển khai quân thường trực đến Zambia sau khi bị yêu cầu rút khỏi căn cứ ở Chad và Niger, RT đưa tin.
Theo ông Langley, Mỹ không hề có ý định triển khai quân thường trực tại Zambia mà không có sự chấp thuận của các nhà lập pháp và chính quyền khu vực của quốc gia miền Nam châu Phi này.
“Điều đó hoàn toàn sai. Chúng tôi không có căn cứ ở Zambia. Chúng tôi không có kế hoạch đặt một cái ở đó”, vị tướng nói.
Tướng Langley cho biết Washington có “mối quan hệ đối tác rất sâu sắc” với Zambia, nhưng “không có kế hoạch xây dựng căn cứ”.
“Chúng tôi đã tăng cường hợp tác an ninh với họ, nhưng không có dấu chân, không có thế trận, không có căn cứ. Trong văn phòng hợp tác an ninh của chúng tôi, nằm trong đại sứ quán, nhưng không có căn cứ” - ông nói thêm.
Tháng 9/2023, Mỹ đã cam kết tặng Zambia khoảng 80 triệu USD thiết bị quân sự nâng cao. Đây là “khoản tài trợ cho Zambia để cung cấp bốn máy bay trực thăng Bell 412EP cho Lực lượng Không quân Zambia với ba năm phục vụ, phụ tùng và đào tạo cho các máy bay trực thăng này.”
Khi đó, tướng Langley tuyên bố: "Những chiếc trực thăng này sẽ cho phép Zambia tiếp tục hỗ trợ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên khắp châu Phi và tăng cường cam kết của Zambia đối với an ninh khu vực."
Thông tin ban đầu được tiết lộ bởi Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm St. Petersburg hồi đầu tháng này rằng, Mỹ đang cố gắng “quân sự hóa” Zambia trong nỗ lực phô trương sức mạnh trong khu vực và cô lập nước láng giềng Zimbabwe.
Tuần trước, các đại biểu quốc hội Zambia đã yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm trong việc giải quyết các tranh chấp khu vực, đồng thời cảnh báo rằng việc tiếp đón lực lượng AFRICOM có thể làm căng thẳng quan hệ với các nước láng giềng.
Nam Phi, Libya và Nigeria trước đây đã phản đối việc triển khai AFRICOM tại Châu Phi vì lo ngại Washington có ý định mở rộng ảnh hưởng tại lục địa này và ưu tiên bảo vệ lợi ích dầu mỏ.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Zambia từ lâu đã vấp phải sự phản đối, đặc biệt kể từ khi Washington tuyên bố thành lập Văn phòng Hợp tác An ninh của AFRICOM tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Lusaka. Chính quyền Zambia và các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định mục đích duy nhất của trung tâm là huấn luyện quân đội quốc gia cho các nhiệm vụ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, thành viên quốc hội Zambia Stephen Kampyongo cho rằng, Lusaka không cần sự hiện diện của quân đội Mỹ. Ông chỉ trích các mục tiêu "không rõ ràng" của AFRICOM tại Zambia, nói rằng "bất kỳ chính sách quốc tế nào cũng phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đánh giá cao chủ quyền của mỗi quốc gia".
Washington đang tìm cách duy trì sự hiện diện của mình trên lục địa sau khi được lệnh rút quân khỏi các khu vực quan trọng, bao gồm các quốc gia trọng điểm ở khu vực Sahel: Niger và Chad. Đầu tuần trước các quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ, trong đó có tướng Langley, đã tới Botswana để đồng tổ chức hội nghị AFRICOM của các lãnh đạo quốc phòng châu Phi.
Trả lời câu hỏi Lầu Năm Góc đang xem xét đặt căn cứ ở những quốc gia nào sau khi rút khỏi Niger, chỉ huy AFRICOM từ chối nêu tên nhưng cho biết ông đã đi khắp Tây Phi để hợp tác với các đối tác nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh khu vực.