Mỹ: Hủy bỏ chương trình đào tạo trẻ năng khiếu

GD&TĐ - Thành phố New York, Mỹ, thông báo sẽ loại bỏ chương trình dành cho học sinh năng khiếu sau nhiều năm tranh cãi về bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa mô hình này và chương trình phổ thông.

Học sinh thành phố New York học trực tiếp từ tháng 9.
Học sinh thành phố New York học trực tiếp từ tháng 9.

Trước đây, trẻ từ 4 tuổi sẽ làm bài kiểm tra để tuyển chọn vào chương trình học tài năng. Chương trình này chỉ dành cho số lượng nhỏ học sinh thể hiện khả năng vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa.

Nhưng từ giờ, thành phố New York sẽ triển khai chương trình mới, tên là Brilliant NYC, nhằm loại bỏ bài kiểm tra xác định trẻ có năng khiếu ở bậc mẫu giáo. Thay vào đó, triển khai mô hình giảng dạy bình đẳng từ mùa thu năm 2022 cho khoảng 65.000 trẻ mẫu giáo trên toàn thành phố.

Học sinh sẽ theo học các lớp cùng trình độ. Những em có thành tích tốt hơn bạn bè được giao bài tập khác. Nhưng chưa rõ giáo viên sẽ phân loại học sinh và bài tập của các em như thế nào.

Ông Bill de Blasio, Thị trưởng thành phố, cho biết: “Thời đại đánh giá trẻ 4 tuổi dựa trên một bài kiểm tra đã qua. Brilliant NYC sẽ cung cấp chương trình học tăng tốc cho hàng chục nghìn trẻ em, thay vì một số ít được chọn. Mọi trẻ em tại thành phố đều xứng đáng được phát huy hết tiềm năng cá nhân và mô hình công bằng mới sẽ mang lại cơ hội đó”.

Ngoài ra, dự án mới cũng cung cấp các khóa học dựa trên yêu cầu thực như học về robot, mã hóa, hoạt động cộng đồng. Khoảng 4.000 giáo viên mẫu giáo sẽ được đào tạo để triển khai Brilliant NYC từ bậc mầm non.

Thành phố sẽ thu thập ý kiến phản hồi từ người dân trong tháng 10, 11 trước khi triển khai kế hoạch vào tháng 12. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều về Brilliant NYC.

Nhiều phụ huynh phản đối kế hoạch, cho rằng điều này gây bất lợi cho những học sinh có năng khiếu. Các em sẽ mất hứng thú khi phải học trong những lớp có nhiều trình độ và giáo viên không thể thúc đẩy các em phát triển. Như vậy, đồng nghĩa hạn chế khả năng vươn tới thành công của những cá nhân nổi trội.

Song cũng có nhiều phụ huynh cho rằng, Brilliant NYC là kế hoạch đúng đắn. Việc gắn mác trẻ năng khiếu, đưa các em vào chương trình học riêng biệt sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề sắc tộc.

Bộ Giáo dục Mỹ ước tính, chương trình tuyển chọn tài năng dựa trên bài kiểm tra đã phát hiện 2.500 học sinh có năng khiếu, chủ yếu là người Mỹ gốc Á và người da trắng. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh việc phân biệt đối xử với học sinh da đen, học sinh người Mỹ Latinh bởi nhóm này ít khi góp mặt trong các chương trình đào tạo tài năng của quốc gia.

Theo khảo sát của Dự án Quyền Dân sự thuộc Trường Đại học California tại Los Angeles, các trường phổ thông công lập tại thành phố New York là những trường “tách biệt” nhất tại Hoa Kỳ. Tại đây, học sinh da đen, học sinh Mỹ Latinh không được hưởng các chương trình giáo dục chất lượng như bạn bè đồng trang lứa.

Tỷ lệ học sinh trong nhà trường cũng có sự tách biệt rõ ràng. Ước tính, 74,6% học sinh da đen, học sinh Mỹ Latinh học tại trường có ít hơn 10% là người da trắng. Trong khi, 34,3% học sinh da trắng theo học tại các trường hầu hết là người da trắng.

Brilliant NYC là một trong những quyết định cuối cùng của ông Bill de Blasio trên cương vị Thị trưởng thành phố New York, trước cuộc bầu cử vào tháng 11. Trong khi đó, ông Eric Adams, ứng cử viên người da màu được dự đoán có thể thay thế Bill de Blasio, bày tỏ phản đối hủy bỏ chương trình đào tạo trẻ năng khiếu.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.