Mảng xám của nền giáo dục Mỹ

GD&TĐ -Theo các chuyên gia đầu ngành của Mỹ, căng thẳng, áp lực học hành, nhiều kỳ vọng và mặt trái của phương tiện truyền thông xã hội là những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) Mỹ gặp áp lực cao, thậm chí ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khỏe của họ.   

Mảng xám của nền giáo dục Mỹ

 Mặt trái của sự cầu toàn

Trong cuộc đánh giá sức khoẻ sinh viên các trường đại học trên toàn nước Mỹ năm 2014, có tới 33% sinh được khảo sát cho biết, họ cảm thấy chán nản trong vòng 12 tháng trước. Gần 55% nói rằng, luôn cảm thấy lo lắng, trong khi 87% luôn cảm thấy bị choáng ngợp bởi quá nhiều trách nhiệm. Gần 9% nghĩ đến việc tự tử trong năm qua. Một cuộc điều tra năm 2015 của Trung tâm Sức khỏe tâm thần đại học thuộc Đại học Penn State cho thấy, 20% sinh viên tìm kiếm việc điều trị sức khoẻ tâm thần, chiếm một nửa số cuộc hẹn tại các trung tâm tư vấn tại trường.

Theo TS Gregg Henriques, giáo sư Tâm lý học tại Đại học James Madison (Mỹ), kết quả điều tra sức khoẻ tâm thần từ giữa những năm 1980 cho thấy, 10-15% thanh thiếu niên có vấn đề đáng kể về sức khoẻ tâm thần. Tỷ lệ này hiện nay là 33-40%. Jason Selby, Đại học Oregon, nói: “Áp lực thành công trong suốt thời gian học là rất lớn. Thực tế, sinh viên dành phần lớn thời gian để lo lắng về việc làm thế nào để bổ sung vào bản lý lịch của họ sao cho đẹp, cho sau này dễ xin việc, thay vì lo lắng về cách hoàn thiện bản thân”.

Các triệu chứng của bệnh tâm thần gồm chán nản, lo lắng, trầm cảm, rối loạn tiêu hóa và đỉnh điểm là muốn tự tử. Tự sát là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong số sinh viên đại học tại Mỹ. Trong một báo cáo năm 2011 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Mỹ, 39.518 vụ tự tử được ghi nhận tại nước này. Thống kê cho thấy, 10% sinh viên đại học đã nghĩ đến hoặc có kế hoạch tự sát. Theo báo cáo của Đại học Emory, có hơn 1.000 trường hợp tử vong do tự sát tại các trường đại học ở Mỹ mỗi năm. Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết sinh viên tự tử đều bị trầm cảm hoặc mắc các bệnh tâm thần khác.

10 trường đại học áp lực nhất Mỹ

- Đại học Washington: Để đạt điểm A, sinh viên phải dành 90% thời gian trong thư viện, tham gia hoạt động thể thao và biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ. “Nếu không có tất cả những phẩm chất này, bạn hoàn toàn không thể cạnh tranh với người khác” - một sinh viên cho hay.

- Đại học Northwestern: Là trường hàng đầu nước Mỹ về chuyên ngành Kinh tế và Báo chí. Tuy nhiên, đây cũng là trường đứng đầu về độ căng thẳng và số vụ tự tử vì áp lực học tập.

- Đại học Pennsylvania: Mức học phí 43.838 một năm khiến không ít sinh viên gặp khó khăn, đặc biệt đối với 57% sinh viên không nhận được trợ cấp tài chính. Thậm chí, dù hoàn cảnh kinh tế đủ tốt để họ không phải bận tâm đến vấn đề tiền bạc, Pennsylvania cũng khiến sinh viên phải đau đầu, vì lượng bài tập khổng lồ, tiểu luận, sự đánh giá từ giảng viên cùng các buổi phỏng vấn, tư vấn.

- Viện Công nghệ Massachusetts (MIT): Nằm trong danh sách không phải vì chương trình học nặng, mà chủ yếu do tình trạng tội phạm tràn lan trong trường. Năm 2013, 23 vụ cưỡng hiếp và 520 vụ cướp xảy ra trong khuôn viên trường. Năm 2010, trong bảng xếp hạng những trường kém an toàn nhất của Daily Beast, MIT đứng thứ 13. Việc phải học tập với lượng bài tập khổng lồ trong môi trường nguy hiểm khiến sinh viên thường xuyên căng thẳng.

- Đại học Wake Forest cũng xuất hiện trên bảng xếp hạng khi sinh viên trường này hầu như không được nghỉ ngơi đầy đủ. Họ cần bảng điểm hoàn hảo để có thể trúng tuyển nên phải đối mặt  “núi bài tập” trong quá trình học. Trường nổi tiếng với những bài tiểu luận bổ sung mang tính đánh đố học sinh, đề yêu cầu miêu tả bản thân bằng 140 ký tự là một trong số đó.

- Đại học New York (NYU): Học tập tại “thành phố không bao giờ ngủ”, sinh viên Đại học New York (NYU) thường xuyên thức thâu đêm để giải quyết đống bài tập. Không chỉ tỷ lệ trúng tuyển thấp, tỷ lệ tốt nghiệp của NYU cũng không cao, chỉ ở mức 77%. Vì thế, sinh viên phải học kỳ phụ là chuyện bình thường tại đây.

- Đại học Cornell: Tại ngôi trường hàng đầu thế giới, sinh viên Cornell phải đối mặt môi trường học tập cạnh tranh căng thẳng. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Cornell được mệnh danh “đại học tự tử”. Trường thậm chí từng phải thuê bảo vệ canh gác những cây cầu xung quanh hẻm núi Cornell để đề phòng sinh viên tự tử. Nguyên nhân chính là áp lực học tập quá lớn cùng kết quả thi cử không như mong muốn.

- Đại học Harvard: Là đại học hàng đầu thế giới, xếp số một danh sách những trường gây căng thẳng cho sinh viên. Với tỷ lệ trúng tuyển chỉ ở mức 5,9%, năm 2014, trường có thêm 2.000 sinh viên. “Thần dân Harvard”   luôn học tập chăm chỉ nhưng cũng thường xuyên rơi   vào trạng thái trầm cảm. Thậm chí, hơn 30% sinh viên cho biết, họ cảm thấy áp lực nặng nề khoảng 10 lần   trong năm.

- Đại học Stanford: Nằm ở bang California, Đại học Stanford nổi tiếng với khung cảnh đẹp. Tuy nhiên, cảnh đẹp không giúp sinh viên thoát khỏi áp lực học tập. Theo Stanford Daily, năm 2014, 23% sinh viên của trường có ý định tự tử. Ngoài ra, họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng và dễ mắc chứng trầm cảm vì chương trình học quá nặng.

- Đại học Tulane: Với tỷ lệ trúng tuyển 26%, Đại học Tulane ở New Orleans nổi tiếng là trường chọn lọc khắt khe và luôn đảm bảo mỗi ứng viên phải cống hiến cho trường. Tỷ lệ giáo viên trên học sinh ở mức thấp, 1/9. Những yếu tố này tạo nên môi trường học tập lý tưởng, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Phần lớn sinh viên cảm thấy chương trình học cùng sự kỳ vọng từ phía trường biến họ thành “thú cưng” của các vị giáo sư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.