Không cần Patriot của Mỹ, S-300 vẫn ở lại Hy Lạp

GD&TĐ -Tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp, Nikolaos Panagiotopoulos đưa ra để đáp lại yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ về việc chuyển S-300 cho Ukraine.

Tổ hợp S-300 của Hy Lạp.
Tổ hợp S-300 của Hy Lạp.

Theo Sputnik hôm 23/2, khi được hỏi Hy Lạp có thực hiện yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về việc chuyển hệ thống S-300 cho Ukraine hay không, ông Nikolaos Panagiotopoulos khẳng định, sẽ không có chuyện đó.

"Chúng tôi đã nói rằng Hy Lạp không thể thực hiện yêu cầu này vì điều đó có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của chúng tôi. S-300 đang ở đúng vị trí của nó.

Chúng được mua và chuyển đến Hy Lạp với những lý do nhất định. Chừng nào những lý do này còn tồn tại, chúng tôi sẽ không chấp thuận những yêu cầu khiến hệ thống phòng thủ của chúng tôi suy yếu", Bộ trưởng Panagiotopoulos khẳng định.

Người đứng đầu Bộ quốc phòng Hy Lạp còn cho biết thêm rằng, việc bảo trì kỹ thuật cho tên lửa của hệ thống phòng không này không hề dễ dàng. Ông lưu ý tất cả các hệ thống vũ khí do Nga hoặc Liên Xô sản xuất cũng đều như vậy.

"Không chỉ S-300 được triển khai trên các đảo mà còn có một số tổ hợp phòng không tầm ngắn khác, đây là những phương tiện chiến đấu bộ binh. Chúng tôi đã chuyển 20 phương tiện chiến đấu bộ binh của mình cho Ukraine để đổi lấy vũ khí do Đức chế tạo.

Chúng tôi đã nhận được các phương tiện bọc thép hiện đại hơn do Đức sản xuất và nó phù hợp với nhu cầu của chúng tôi hơn. Hy Lạp mua S-300 từ Síp. Loại vũ khí này đang được triển khai ở đảo Crete", người đứng đầu Bộ quốc phòng Hy Lạp cho biết.

Tuyên bố không chuyển S-300 cho Ukraine của Bộ trưởng Panagiotopoulos được cho là khá bất ngờ bởi hồi cuối năm 2022, chính ông này đã nêu điều kiện với Mỹ để những tổ hợp đánh chặn S-300 được gửi đến Ukraine.

"Nếu Mỹ triển khai hệ thống Patriot trên đảo Crete và sau đó nó được tích hợp vào hệ thống phòng không quốc gia Hy Lạp, thì khi đó hệ thống S-300 có thể được loại bỏ.

Quy trình tương tự cũng được áp dụng đối với bất cứ hệ thống phòng không nào khác do Nga sản xuất mà họ có thể muốn gửi cho Ukraine", Bộ trưởng Nikos Panagiotopoulos nói.

Trước đó, Mỹ mà cụ thể là Ngoại trưởng Antony Blinken từng nhiều lần thúc giục Hy Lạp, với tư cách là thành viên NATO, thay thế những hệ thống S-300 bằng các hệ thống Patriot do Washington sản xuất theo chuẩn của khối quân sự này.

Phản ứng với yêu cầu từ Mỹ, Nga đã cảnh báo Athens về việc này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Chúng tôi coi việc cung cấp S-300 và các hệ thống phòng không khác do Nga/Liên Xô sản xuất khác là hành động khiêu khích và thù địch công khai với Moscow".

Ngoài trường hợp của Hy Lạp, Mỹ còn kêu gọi các đồng minh NATO chuyển các tổ hợp S-300 ở Đông Âu cho Kiev. Vào tháng 4/2022, Slovakia đã chuyển giao một tổ hợp gồm 4 bệ phóng tên lửa di động S-300 và radar tương ứng cho Ukraine.

Đổi lại, Đức đồng ý trang bị hệ thống phòng không Patriot cho Slovakia. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đánh giá, Ukraine có thể dễ dàng vận hành và tích hợp S-300 bởi Ukraine cũng sở hữu và sử dụng khí tài này trong nhiều năm.

Được biết, một tổ hợp S-300 hoàn chỉnh gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại. Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195km.

Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.

Hy Lạp, quốc gia thành viên NATO đang sở hữu một trung đoàn gồm 4 tổ hợp S-300PMU1, với 8 khẩu đội có 32 xe phóng. Theo một số nguồn tin quân sự, hiện Hy Lạp đang sở hữu khoảng 175 đạn tên lửa S-300.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ