Mỹ có thể thiệt hại hàng ngàn tỉ USD nếu can thiệp vào Iran

GD&TĐ - Một số nhà quan sát cho rằng, bài phát biểu vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về các bước tiếp theo của chính sách Mỹ đối với Iran nghe giống như một lời kêu gọi chiến tranh hơn là một hoạt động chính trị được thiết kế công phu.

Mỹ có thể thiệt hại hàng ngàn  tỉ USD nếu can thiệp vào Iran

Câu hỏi tiếp theo là liệu chính quyền ông Donald Trump sẽ phải trả giá những gì nếu họ tìm cách kích động sự thay đổi chế độ ở Iran?

Những lựa chọn khó khăn

Những lời đe dọa của ông Pompeo trong việc bắt Iran “quỳ gối” với những đòn trừng phạt kinh tế rõ ràng sẽ không làm được điều gì tốt hơn, nhất là khi chính quyền ông Trump tỏ ra xa cách với chính các đồng minh của mình trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - một thỏa thuận đa phương đã được thương lượng một cách cẩn trọng, với mục tiêu duy nhất là ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân - trong khi các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến dịch gây áp lực kinh tế với Tehran.

Bước tiếp theo có thể bao gồm việc hỗ trợ các nhóm chống đối chế độ ở Iran như Mujahadeen-e-Khalq (MEK). Nhóm này vốn nhiều năm nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ. Tuy nhiên, dù có khả năng được những nhân vật có nhiều ảnh hưởng như John Bolton ủng hộ, nhưng điều đó không có nghĩa là MEK có khả năng, hoặc được hỗ trợ, để lật đổ chính phủ Iran. Việc cho rằng một tổ chức “bất đồng chính kiến” có thể lật đổ chính quyền Iran chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Một lựa chọn nữa là hoạt động quân sự. Một chiến dịch đánh bom có thể làm hàng ngàn người Iran thiệt mạng, nhưng việc này dường như không phải là lựa chọn thích hợp nhằm giảm thiểu khả năng Tehran khởi động lại chương trình hạt nhân của họ, nếu không nói là có nguy cơ đẩy nhanh tiến độ này hơn.

Bài học nhãn tiền

Có thể nói rằng bất kỳ nỗ lực nào, với mọi mức độ, của Mỹ trong việc lật đổ chính quyền Iran sẽ đều có giá của nó, nhưng những gì từng diễn ra ở Iraq có thể cho thấy những mối liên hệ nhất định. Đòn trừng phạt kinh tế có thể làm tổn thương hàng triệu người Iraq, nhưng Saddam Husein lại có thể vận dụng chính những thiếu thốn do lệnh trừng phạt để biến chế độ của mình thành nguồn duy nhất đảm bảo cho các nhu cầu của người dân.

Nhà báo David Rieff từng đánh giá về đòn trừng phạt giai đoạn những năm 1990 đối với đất nước này là “hoàn toàn thất bại trong việc làm tan rã chính phủ của ông ta (Saddam) và thực tế lại làm vững mạnh hơn vị thế chính trị của ông ta”.

Theo tính toán của Dự án chi phí chiến tranh của ĐH Brown, giai đoạn trước 11/9 đã ngốn của nước Mỹ khoảng 5,6 ngàn tỷ USD, nhiều hơn 100 lần so với những gì chính quyền Mỹ quả quyết. Quan trọng hơn nữa là các cuộc chiến còn làm tổn hại hàng trăm ngàn sinh mệnh của cả 2 phía, trong đó ước tính khoảng 200.000 dân thường thiệt mạng. Liệu chính quyền ông Trump có mong muốn lặp lại vết xe đổ này?

Giá của những lựa chọn

Đầu tiên, sự rút lui của chính quyền ông Trump khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến hãng Boeing mất đi phần lớn doanh thu từ Iran, ước tính khoảng 20 triệu USD. Giá dầu thế giới cũng sẽ có nguy cơ tăng, dẫn theo giá gas bất ổn; đồng thời sự suy giảm trong du lịch và vận tải.

Việc tài trợ cho các đối thủ của chính quyền Iran cũng sẽ chiếm một khoản chi lớn trong nhiều năm. Và nếu việc huấn luyện 500 chiến binh Syria tốn hơn 500 triệu USD, thì việc thực hiện huấn luyện cho một lực lượng đủ sức tấn công chính quyền Iran sẽ phải chi phí hàng tỷ USD. Chỉ riêng việc gửi hàng chục tên lửa hành trình tới Iran để “gửi thông điệp” như Trump từng thực hiện 2 lần ở Syria cũng sẽ tốn hàng trăm triệu USD nữa.

Một chiến dịch ném bom tương tự như đòn đánh IS ở Iraq và Syria sẽ đốt của Mỹ 8,3 triệu USD mỗi ngày, tương đương với 3 tỷ USD một năm. Một chiến dịch ném bom ở Iraq những năm 1990 tốn kém hàng chục tỷ. Chi phí thực hiện một cuộc xâm lược như đối với Iraq lên tới hàng ngàn tỷ, chưa nói đến những cuộc khủng hoảng trong khu vực có thể khiến các cuộc xung đột hiện có trầm trọng hơn nữa và nảy sinh thêm những xung đột mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.