Bloomberg đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch kêu gọi các đồng minh của mình trong nhóm G7 kiềm chế đầu tư vào Trung Quốc.
Họ lo ngại rằng vốn đầu tư và các bí quyết, chuyên môn của phương Tây, nếu không được kiểm soát, có thể giúp Bắc Kinh phát triển năng lực quân sự.
Hơn nữa, Trung Quốc vốn là một nhà cung cấp khổng lồ nhiều hàng hoá và nguyên vật liệu. Nếu họ có hành xử như Nga, tức là hạn chế xuất khẩu các mặt hàng quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột, thì cuộc khủng hoảng ở tầm quốc tế đã hiển hiện một cách rõ ràng.
Theo tờ báo Mỹ, chính quyền ông Biden dự kiến sẽ ngăn cản doanh nghiệp của mình đầu tư vào chip, AI, lượng tử... ở Trung Quốc.
Vấn đề này đã trở thành đề tài tranh luận trên chính trường Mỹ nhưng ông Biden gần đây dường như đã rất kiên quyết để hiện thực hóa chúng bằng việc công bố lời kêu gọi hành động đến các quốc gia đồng minh của những nền kỹ nghệ phát triển nhất thế giới. Cuộc họp gần nhất sẽ tiến hành vào ngày 19/5 tại Nhật Bản.
Theo tờ báo Mỹ, Washington đã thông báo cho các đối tác G7 của mình về các hạn chế đầu tư cho các ngành công nghệ cao của Trung Quốc và hy vọng sẽ nhận được sự tán thành tại cuộc họp vào tháng tới. Chưa có thông tin nào ghi nhận rằng các nước còn lại trong khối G7 sẽ có phản ứng lập tức với lời kêu gọi của phía Mỹ.
Động thái này đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khởi nguồn từ việc Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, và gần đây hơn là tìm cách hạn chế xuất khẩu các công nghệ chủ chốt của Mỹ.
Washington nói rằng họ áp đặt các hạn chế vì lý do an ninh quốc gia chứ không phải trong nỗ lực kìm hãm sự phát triển của một siêu cường đối thủ.
Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ chính trị hóa các vấn đề công nghệ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết “mục tiêu thực sự của Washington là tước quyền phát triển của Trung Quốc. Đó là sự ép buộc kinh tế thuần túy.”
Trung Quốc nhận tin không vui về "Vành đai - Con đường"
Ý - một thành viên trong nhóm G7 đang cân nhắc sẽ rút khỏi dự án cơ sở hạ tầng "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc.
Đây cũng là quốc gia duy nhất trong G7 có biên bản ghi nhớ (MOU) về sáng kiến này với Bắc Kinh. Hợp đồng được cho là sẽ hết hạn vào năm tới.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni muốn đưa ra thông báo về việc Ý dừng tham gia "Vành đai và Con đường" tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Song các nguồn tin của Bloomberg cho biết, chính quyền nước này vẫn đang chia rẽ về việc có nên tiếp tục gia hạn biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh hay không.
Biên bản ghi nhớ ban đầu được ký vào năm 2019 và sẽ tự động được gia hạn vào tháng 3 năm 2024 trừ khi Thủ tướng nước này có động thái về việc hủy bỏ.
Mặc dù bản thân thỏa thuận này không dẫn đến sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Ý và Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng việc hủy bỏ nó sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế và ngoại giao cũng như làm xấu đi mối quan hệ giữa Ý và Trung Quốc.
Hai nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ. Ý là nước nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn thứ ba tại EU và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư sang nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Đại sứ Trung Quốc tại Ý Jia Guide cho biết, thương mại giữa hai quốc gia trong ba năm qua “ đã lập kỷ lục mới, chạm mức 73,5 tỷ euro (81,6 tỷ USD) vào năm 2022".
Francesca Ghiretti, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nói với Bloomberg: "Ý đang bị mắc kẹt giữa một tảng đá. Phải làm gì với hiệp ước hợp tác Ý - Trung Quốc là một câu hỏi ngoại giao hóc búa thực sự.
Gia hạn nó sẽ gửi một thông điệp rất khó khăn tới Washington, nhưng không gia hạn nó sẽ gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc."