Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21/4 đưa ra lời cảnh báo về tình trạng khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới một khi nhóm các nền kinh tế có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đưa ra lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu đến Nga.
Ông Peskov mô tả hành động này sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu đến gần hơn một cuộc khủng hoảng quy mô lớn.
"Chúng tôi nhận thấy rằng Mỹ và các quốc gia trong EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới, bổ sung.
Tất cả các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với quốc gia của chúng tôi và các động thái mới có thể đang được xem xét tại thời điểm này chắc chắn cũng sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới.
Điều đó chỉ có thể làm trầm trọng thêm các xu hướng dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới" - ông Peskov nhấn mạnh.
Cũng theo người phát ngôn Điện Kremlin, Moscow đang “thích nghi” với áp lực chưa từng có của phương Tây và đã đưa ra các kế hoạch phát triển riêng mình để hạn chế tối đa cũng như tận dụng các yếu tố kìm hãm này để thúc đẩy nội lực của riêng họ.
Tờ Bloomberg trước đó dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, các quan chức cấp cao hàng đầu trong nhóm G7 đang xem xét tiến gần hơn tới lệnh cấm hoàn toàn đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, một áp lực kinh tế có khả năng thắt chặt đáng kể nhằm gây sức ép lên nước này với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhóm 7 quan chức cấp cao của G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) được cho là đang thảo luận về ý tưởng này để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 tại Nhật Bản.
Họ dự định thuyết phục các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) tham gia vào các biện pháp trừng phạt mới này.
Phương pháp mới sẽ khác hoàn toàn so với chính sách trừng phạt hiện tại, trong đó hầu hết các loại hàng hóa đều bị cấm xuất khẩu sang Nga, trong đó có một số miễn trừ.
Trên thực tế, chính châu Âu cũng đang gặp khó với các lệnh trừng phạt mới. Đến nay EU đã áp đặt 10 vòng trừng phạt Nga và đang "bí" các phương án trừng phạt tiếp theo.
Các quan chức châu Âu tin rằng, những gì chưa trừng phạt Nga là những vấn đề mà một hoặc nhiều quốc gia thành viên EU “không thể sống thiếu”. Do đó, các biện pháp trừng phạt có liên quan đến các lĩnh vực đó sẽ bị phủ quyết.
Ví dụ, những hạn chế mới có thể nhắm vào xuất khẩu dịch vụ và nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng những hạn chế đó sẽ bị một số quốc gia thành viên như Pháp, Hungary và các nước khác phản đối.
EU đã áp đặt 10 vòng trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga, cũng như các cá nhân và tổ chức. Tính đến hiện tại, có khoảng 1.500 người và hơn 200 tổ chức bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại.
Khối đã áp đặt các biện pháp hạn chế, bao gồm cấm các luồng thương mại song phương trị giá hơn 135 tỷ euro (148 tỷ USD), cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, xuất khẩu công nghệ, máy móc và hàng điện tử.
Ngoài ra, một số tài sản trị giá 21,5 tỷ euro thuộc về các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt đã bị đóng băng, cùng với 300 tỷ euro dự trữ của ngân hàng trung ương Nga.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và chính trị gia cho rằng các lệnh cấm vận đã gây thiệt hại nhiều hơn cho phương Tây hơn là cho Nga.