Tôi cố tìm một loại mứt quê nhà – mứt khoai mì nhưng không có quầy nào bán. Có lẽ, đây là hồn quê chỉ có từ đôi tay bà nội...
Những ngày giáp Tết, ba tôi nhổ bụi khoai mì, những củ to nhiều bột sẽ được chọn làm bánh phồng mì, còn những củ nhỏ, thon dài, gọi là khoai mì kè ít bột và rất dẻo thì để bà nội làm mứt.
Những củ khoai mì kè được lột vỏ và rửa sạch ngâm nước muối pha loãng làm mềm dẻo. Nội cắt lá dứa về đâm vắt nước cốt. Nội nấu sôi nồi nước phèn chua trụng khoai mì trong nửa phút, rửa sạch bằng nhiều nước cho hết mùi vị của phèn chua, bắt khoai mì lên luộc lửa nhỏ sôi khoảng năm phút, khoai mì trong lại vớt ra ngâm nước đá năm phút.
Sau khi rửa sạch khoai mì để ráo, trộn chén nước cốt lá dứa thấm đều một màu xanh cốm dịu dàng, ướp đường vào và để năm giờ đồng hồ, má cân cứ một kg khoai là nửa kg đường cát.
Bắc chảo lên bếp sên đường ban đầu đậy nắp và để lửa lớn vừa, nước đường cạn dần thì mở nắp và đảo đều tay đến khi khô lại kết tinh những hạt li ti lóng lánh bám vào khoanh khoai mì, nội rắc vào một ống vani thơm ngát.
Có tiếng chuông điện thoại cắt ngang giấc mơ tôi, là má gọi về lấy mứt khoai mì. Gia đình tôi đã về Sài Gòn sinh sống, tôi ghé qua nhà má, có mùi nhang trầm và hương hoa vạn thọ quen thuộc, trên bàn thờ di ảnh bà nội đang mỉm cười nhìn dĩa mứt khoai mì ngan ngát thơm của con dâu dâng cúng. Bà nội đã thổi hồn quê vào đôi tay của má, khói nhang mờ di ảnh nội hay mắt tôi đang nhòa lệ... Ngoài kia, Xuân đang về.