Nhớ bánh mứt ngoại làm

GD&TĐ - Ngày còn bé, những ngày giáp Tết được nghỉ học, tôi thường xin phép mẹ về nhà ngoại để cùng làm các loại bánh mứt.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ngoại bảo: “Tết mà, phải làm nhiều bánh mứt để dâng lên cúng ông bà tổ tiên sau một năm tích cóp lam lũ làm lụng vất vả có để ăn. Bánh mứt còn dùng để dành đãi khách đến thắp hương ông bà, chúc Tết gia đình mình đặng có mà nhâm nhi hàn huyên tâm sự bên tách trà nóng bốc khói. Bánh mứt còn dùng để làm quà cho con cháu trong nhà, trong dòng tộc ở xa về ăn Tết nữa chứ con!”.

Tính ngoại bao dung, thơm thảo vậy đó, không chi li, tính toán với bất kỳ ai dù lớn hay bé. Cháu con trong nhà hay hàng xóm đến chơi cũng vậy. Câu cửa miệng ngoại thường nói là: “Ối, thôi kệ nó con, Tết mà!”.

Độ Rằm tháng Chạp trở đi là ngoại tất bật với công việc làm bánh mứt, chưa kể đến việc làm các món cho các cụ ông, các cậu, các anh hay nhâm nhi vài ba ly rượu trong ba bữa Tết. Đó là món củ kiệu, dưa muối ăn kèm với lạp xưởng chiên, khô chiên.

Ngoại bảo tôi rằng có những loại bánh mứt nên làm trước Tết cả mươi bữa nửa tháng, có loại thì cận Tết mới nên làm. Có vậy bánh mứt mới ngon, để lâu được, không bị hư, mốc, bảo đảm vệ sinh và an toàn đến sức khỏe cho người thân trong nhà cũng như biếu khách đến nhà chúc Tết.

Những loại mứt ngoại thường bắt tay vào làm sớm như mứt me trái, mứt cà, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt bí xanh... do phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi phải có nhiều thời gian mới thành thành phẩm được.

Còn những loại mứt cận Tết ngoại mới làm như mứt dừa, mứt me dốt, mứt chuối (kẹo chuối)… vì những loại mứt này nguyên liệu có sẵn, không qua sơ chế nhiều, thời gian làm cũng nhanh. Ngoại bảo mứt dừa làm sớm quá nó bị gắt dầu, ăn không ngon và không tốt cho sức khỏe.

Còn nói về bánh thì loại bánh ngoại làm sớm nhất đó là bánh in nhân chuối, gừng sợi, đậu phộng, mè, lối 20 tháng Chạp là ngoại làm rồi, đến 23 tháng Chạp là có bánh cúng đưa ông Táo về trời thay cho thèo lèo. Bánh in nhân chuối để lâu được, đến tầm tháng Giêng cũng không hư.

Còn bánh chưng, bánh tét đến sáng 29, 30 tháng chạp ngoại mới gói, ngoại bảo gói và nấu sớm quá đến khi Tết nhà nó sẽ hết ngon, miễn sao sáng đầu năm mùng Một Tết có vài đòn bánh chưng, bánh tét trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên là được rồi.

Phải nói những ngày còn thơ bé hầu như những ngày giáp Tết tôi luôn quấn quýt bên ngoại nhiều hơn là ở nhà của mình. Tôi đeo theo công việc làm bánh mứt, quan sát cách thức cũng như từng thao tác khi ngoại làm mỗi loại.

Tôi được ngoại truyền cho kinh nghiệm làm bánh mứt nên giờ tôi giúp mẹ làm bánh mứt vào các dịp lễ Tết, giỗ quảy. Khi biếu khách ai cũng khen ngon, khéo. Những lúc ấy tôi cảm thấy vui lắm, bởi nhờ có ngoại chỉ bảo mà tôi có được như thế.

Sau này ngoại bày cho mợ út tôi làm. Tôi bảo ngoại già rồi, nghỉ ngơi cho khỏe, bây giờ bánh mứt người ta làm bán lềnh khênh ở ngoại chợ, ngoại ra mua về cúng ông bà cho tiện.

Ngoại mắng yêu tôi và bảo: “Ngoại quen rồi, Tết phải làm trước để cúng ông bà sau là con cháu về có mà ăn cho vui miệng nói gì mà xách tiền ra chợ mua hả con? Ngoại còn đi đứng mạnh giỏi là ngoại còn làm, chừng nào ngoại nhắm mắt xuôi tay thì thôi, đứa nào muốn làm gì thì làm”.

Giờ thì ngoại tôi không còn nữa và mợ út tôi cũng đã lớn tuổi rồi không còn bày ra làm bánh mứt như thuở ngoại tôi còn sống. Tôi cũng bộn bề với công việc... Tết đến vẫn có bánh mứt tươm tất nhưng bánh mứt không phải chính tay mình làm ra. Nhưng trong tâm khảm tôi vào những ngày giáp Tết tôi lại có một thoáng bùi ngùi nhớ về những cái Tết xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ