Mường Do làm giàu từ chanh leo xuất khẩu

GD&TĐ - Hơn 30 năm trước, hàng ngàn hộ dân vùng dọc sông Đà thuộc các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La của tỉnh Sơn La đã phải di dời nhà cửa, ruộng vườn, nương rẫy để phục vụ việc xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. 

Mường Do làm giàu từ chanh leo xuất khẩu

Hiện nay, bà con ở nhiều vùng tái định cư, trong đó có khu tái định cư xã Mường Do (Phù Yên) đã có cuộc sống ổn định trên quê hương mới. Đặc biệt, ở Mường Do mô hình trồng chanh leo đã đem lại hiệu quả tốt, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Chúng tôi đến thăm các bản tái định cư thủy điện Hòa Bình ở vùng cao xã Mường Do khi sương mờ còn bảng lảng trên khắp các thửa nương sườn đồi, vấn vít trên những giàn chanh leo trĩu quả. Có thể thấy rõ, trên những mảnh nương, thửa ruộng của bà con các dân tộc xã Mường Do những cây trồng kém hiệu quả đã và đang dần được thay thế bởi những ruộng chanh leo xanh ngút ngát.

Chuyện trò với lãnh đạo xã Mường Do được biết, năm vừa rồi bà con bản các bản tái định cư ở đây đã có một cái Tết sung túc hơn khi mô hình chanh leo, với 30,5 ha, liên kết giữa huyện Phù Yên và Công ty Nafoods Tây Bắc đã cho quả ngọt. Giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, được Công ty thu mua tại vườn. Sản phẩm chanh leo ở đây dã được xuất khẩu ra nước ngoài, đánh dấu bước chuyển mình lớn trong nhận thức của bà con nông dân, từ sản xuất truyền thống, sang sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.

Ông Lường Văn Xuân, bản Han 2 là một trong những người thực hiện mô hình trồng cây chanh leo đầu tiên của bản với diện tích khoảng 5.000 m2 được chuyển đổi từ diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang. Nhận thấy trồng chanh leo hiệu quả cao hơn hẳn nên năm nay, gia đình ông quyết định đăng ký trồng thêm. “Chanh leo nó hơn cây ngô gấp 3-4 lần, cũng diện tích ấy trồng cây ngô chỉ được 15 triệu đồng thôi, còn chanh leo từ đầu năm đến giờ thu 4 tấn quả, tính ra cũng được 40 triệu đồng rồi. Cái khó của bà con là vốn. Cây chanh leo này hiệu quả cao như thế, mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho vay vốn thì chúng tôi mới làm được tiếp”, ông Xuân cho biết.

Cũng như gia đình ông Xuân, gia đình chị Đinh Thị Tân, bản Han 1, cũng mạnh dạn chuyển đổi khu vườn rộng 6.000m2 từ trồng ngô sang trồng cây chanh leo. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, số tiền gia đình chị thu về cao gấp 3 lần so với trồng ngô. Nhưng điều làm gia đình chị Tân vui nhất là quả chanh leo làm ra đến đâu đều được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc bao tiêu đến đó, không giống như sản phẩm trồng ngô trước đây vừa phải tự mang ra chợ bán và giá bán rất bấp bênh.

Bản Han 2, xã Mường Do có 96 hộ và 455 nhân khẩu. Đây là bản di dân tái định cư thủy diện hòa bình từ xã Tường Hạ, huyện Phù Yên về đây sinh sống từ năm 1989, do vị trí địa lý, tập quán sản xuất còn nặng về tự cung, tự cấp nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Triển khai mô hình trồng cây chanh leo từ tháng 4.2017, bản có 35 hộ tham gia trồng 17 ha. Từ hiệu quả mang lại sau vụ thu hoạch đầu tiên, năm 2018 bản có thêm 15 hộ đăng kí tham gia mô hình. Lãnh đạo xã Mường Do cũng cho biết, đầu năm nay sẽ rà soát lại quỹ đất, tổ chức đánh giá lại hiệu quả sản xuất trên từng diện tích, nếu diện tích đất nào kém hiệu quả sẽ vận động và khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng chanh leo.

Được biết, trong những lô hàng chanh leo xuất khẩu sang thị trường châu Âu cuối năm 2017 của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc có 350 kg quả chanh leo được lựa chọn từ các mô hình trồng chanh leo tại xã Mường Do. Như vậy, cây chanh leo qua trồng thử nghiệm, được bà con chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đã cho thấy hiệu quả khá rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây không chỉ là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hiệu quả cho đồng bào các dân tộc ở những bản tái định cư Mường Do mà còn là điều kiện thuận lợi để huyện Phù Yên mở rộng diện tích chanh leo lên khoảng 100 ha trong năm 2018 và phấn đấu đến năm 2020 mở rộng lên khoảng 300 ha.

Những mô hình nuôi trồng đem lại hiệu quả thiết thực như mô hình trồng chanh leo không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, mà khi áp dụng đúng quy chuẩn kỹ thuật và được đầu tư vốn, tăng diện tích sẽ là cây làm giàu của bản Mường vùng cao. Một mùa xuân mới ấm áp lại về, màu xanh phủ kín trên khắp các khoảnh ruộng, nương của vùng tái định cư Mường Do báo hiệu một mùa bội thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.