Diện mạo mới của xã miền núi An Bình

GD&TĐ - Quyết tâm hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) nỗ lực triển khai những giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, vận động cho đến tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, ngành...

Phát triển gia trại chăn nuôi là thế mạnh của xã An Bình
Phát triển gia trại chăn nuôi là thế mạnh của xã An Bình

Phương châm của An Bình là làm đến đâu, chắc đến đấy, trong đó lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm để nâng cao đời sống nhân dân và là động lực để hoàn thành các tiêu chí khác. Có thể nói, nỗ lực xây dựng NTM đã và đang mang đến diện mạo mới cho xã miền núi này.

Sau 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo xã An Bình đã có nhiều thay đổi, từ hạ tầng kinh tế - xã hội đến hệ thống chính trị đều được củng cố và phát triển, đời sống của bà con nhân dân cũng từng bước nâng lên. Chủ tịch UBND xã An Bình Nguyễn Trọng Tuynh phấn khởi cho biết: “Hết năm 2017, xã đã đạt 14 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều tiêu chí khó như: thu nhập bình quân đầu người, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân. Nông thôn mới đã mang đến diện mạo mới cho địa phương”.

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng chặng đường trở thành xã NTM đối với An Bình vẫn còn nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu, xã An Bình có địa bàn rộng, tập trung nhiều đồi núi, khe lạch; dân cư không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều; nguồn lực trong dân hạn chế… đang là những trở ngại, thách thức không nhỏ trong xây dựng NTM ở địa phương. Cụ thể, hiện xã còn 5 tiêu chí chưa đạt, đó là: tiêu chí 2 - Giao thông, tiêu chí 12 - Cơ cấu lao động, tiêu chí 13 - Tổ chức sản xuất, tiêu chí 9 - Nhà ở dân cư, tiêu chí 11 - Hộ nghèo. Để hoàn thành những tiêu chí này trong năm 2018, đòi hỏi An Bình phải có nhiều nỗ lực, giải pháp trong tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để làm đường giao thông, đào tạo nguồn lao động và xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trọng Tuynh, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, An Bình đã xây dựng các quy hoạch về sử dụng đất và cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường; chỉnh trang các khu dân cư và quy hoạch các khu dân cư mới, trong đó tập trung phát triển giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu khác.

Hiện nay, xã đã có 10 km đường tỉnh lộ đến tận trung tâm và chạy dọc địa bàn xã; kiên cố hóa được 11 km trong tổng số 25 km đường liên thôn, xóm. Để phấn đấu đạt mục tiêu 50% km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, ngoài việc xây dựng kế hoạch, tập trung các nguồn lực để kiên cố hóa bê tông 4 km đường giao thông nông thôn trong năm 2018 thì xã tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ và triển khai xây dựng, kiên cố hóa các km còn lại trong thời gian tới.

Đối với tiêu chí về cơ cấu lao động, xã khuyến khích, động viên các tổ chức, gia đình, cá nhân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiểu thủ công nghiệp; phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động tại địa phương phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Bên cạnh đó, trong tiêu chí nhà ở, để xóa nhà dột nát, xã An Bình tổ chức rà soát lại các hộ nghèo có nhà dột nát trên địa bàn, kêu gọi nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm, nhân dân ủng hộ, giúp đỡ về tài chính, vật chất, tinh thần; phân công và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ các hộ gia đình làm lại nhà.

Ngoài ra, thời gian tới chính quyền xã An Bình tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên kết thành các tổ hợp tác sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phù hợp với từng địa bàn thôn, bản.

Đặc biệt, xã An Bình tập trung rà soát, đánh giá chấm điểm theo các tiêu chí quy định đối với hộ nghèo; tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình; phân công các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các thành viên của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo tích cực lao động, sản xuất, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 12%. Như vậy, cùng với các chỉ tiêu khác, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân luôn được chính quyền xã An Bình đặt lên hàng đầu trong xây dựng NTM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.