Muốn để râu, phải… đóng thuế

GD&TĐ - Xuyên suốt lịch sử nước Nga, râu là biểu hiện cho sự nam tính của đàn ông và bằng chứng chứng tỏ thái độ tôn kính với tín ngưỡng Thiên Chúa giáo.

Thẻ xác nhận đã đóng thuế râu. Ảnh: Wikipedia.org
Thẻ xác nhận đã đóng thuế râu. Ảnh: Wikipedia.org

Đối với đàn ông Nga, râu chính là niềm kiêu hãnh. Thế nhưng, kể từ năm 1698 - 1772, các đấng mày râu ở đây lại chỉ được phép để râu khi đã đóng thuế và nhận thẻ chứng nhận. Thuế này do chính Sa hoàng Peter I chỉ định nên không ai dám bất tuân. Thú vị là đến tận bây giờ, dù không còn thuế râu, người Nga vẫn tranh cãi kịch liệt chuyện nên để hay bỏ râu.

Sa hoàng nhiệt tình Tây Âu hóa

Xuyên suốt lịch sử nước Nga, râu là biểu hiện cho sự nam tính của đàn ông và bằng chứng chứng tỏ thái độ tôn kính với tín ngưỡng Thiên Chúa giáo. Giáo hội Chính thống giáo Nga quy định, nam giới bắt buộc phải để râu và kết tội những người cạo râu là báng bổ thánh thần.

Công lý của Rus (Russkaya Pravda), bộ luật cổ nhất của nước Nga (có từ thế kỷ XII) quy định rõ, râu là bộ phận bất khả xâm phạm. Bất cứ ai làm hại đến râu đều bị phạt nặng, thậm chí bị chặt ngón tay. Sa hoàng đầu tiên của Nga, Ivan Bạo chúa (1530 - 1584) cũng tuyên án, “cạo râu chính là tội lỗi lớn nhất, không cách nào gột rửa sạch” vì “nó đồng nghĩa với làm hoen ố hình ảnh con người được Chúa tạo ra”.

Năm 1698, Nga đang dưới sự cai trị của Sa hoàng Peter I (1672 – 1725). Trong buổi tiệc được tổ chức để mừng Sa hoàng vừa trở về sau chuyến công du châu Âu, giữa lúc ai nấy đều phấn khích nâng ly chúc mừng, Sa hoàng bất ngờ rút dao ra cạo râu và lần lượt cạo râu cho các khách nam đang có mặt.

Nguyên nhân khiến Sa hoàng Peter I đích thân cạo râu cho các nam khách là “vì mục tiêu Tây Âu hóa”. Trước thời Peter I, Nga gần như không có mối bang giao nào với các nước châu Âu và lực lượng hải quân của họ cũng rất yếu ớt, không bảo vệ được vùng biển của vương quốc.

muon de rau, phai dong thue (1).jpg
Sa hoàng Peter I, người ấn định và cưỡng chế đàn ông Nga phải đóng thuế râu. Ảnh: Ancient-origins.net

Sa hoàng Peter I lên ngôi vào năm 1682. Năm 1697, ông cải trang thành thường dân, lấy tên Trung sĩ Pyotr Mikhaylov, ẩn danh du hành châu Âu để khám phá và học hỏi sức mạnh hải quân của họ. Ông đã dành 4 tháng làm việc tại xưởng đóng tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, tìm hiểu những tiến bộ về kỹ thuật đóng tàu, sau đó đến Vương quốc Anh tiếp tục học thêm về hàng hải và làm việc tại xưởng đóng tàu của Hải quân Hoàng gia Anh ở Deptford. Chưa hết, ông còn tìm thăm các nhà máy, kho vũ khí, trường học, viện bảo tàng, tham dự một phiên họp của Quốc hội Anh...

Sau một năm, Sa hoàng Peter I trở về nước và lập tức bắt tay vào dự án đầy tham vọng là hiện đại hóa nước Nga, đề ra mục tiêu “cạnh tranh với các siêu cường châu Âu” và quyết tâm phải thực hiện bằng được. “Peter I đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa Nga.

Ông không chỉ cải tiến nền kinh tế, chính phủ, văn hóa, mà còn giải quyết các khúc mắc tôn giáo. Nhờ có Peter I, Nga đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong các quốc gia hùng mạnh nhất Đông bán cầu”, nhà sử học Mario Sosa (Nga) viết.

Thuế… râu

Việc đích thân cạo râu cho các nam khách tại bữa tiệc mừng vào năm 1689 là một trong các hành động dứt khoát vì mục tiêu hiện đại hóa nước Nga của Sa hoàng Peter I. Trong thời gian công du, ông phát hiện rất nhiều người Tây Âu giỏi giang không hề để râu và tin tưởng, cạo râu chính là biểu hiện “hiện đại” nhất.

Tất nhiên, các khách nam vốn “quý râu như tính mạng” vô cùng kinh hoàng. Trước hội trường lặng ngắt như tờ, Sa hoàng Peter I tuyên bố kể từ giờ phút này, toàn bộ đàn ông trong vương quốc, trừ giáo sĩ và nông dân, phải… “xuống râu”. Sau khi đích thân thị phạm, ông ra lệnh cho quân sĩ bắt giữ và cưỡng chế cạo sạch râu cho tất cả những người còn lại.

muon de rau, phai dong thue (1).png
Conchita Wurst, ca sĩ Áo khiến các đấng mày râu Nga nam tính cực đoan nổi giận… xuống râu vì bất mãn. Ảnh: Commons.wikimedia.org

Trái với mong đợi của Sa hoàng Peter I, sắc lệnh cưỡng chế cạo râu của ông bị toàn dân Nga kịch liệt phản đối. Không chỉ tầng lớp quý tộc mà cả nông dân, giáo sĩ… đều từ chối tiếp nhận. Nhà thờ Chính thống Nga gây sức ép lớn, buộc Sa hoàng phải nhân nhượng. Thuế râu ra đời, cho phép đàn ông Nga bảo vệ râu bằng tài chính.

Thuế râu áp dụng với tất cả đàn ông Nga muốn để râu, nhưng mức tiền phải đóng thì tùy thuộc vào tầng lớp, độ giàu có. Các thương nhân phát đạt phải đóng 100 rúp/năm, người dân thành thị 60 rúp/năm, nông dân thì chỉ 2,5 xu/lần mỗi khi vào thành phố.

Sau khi đóng thuế, đàn ông Nga được cấp cho tấm thẻ hình tròn, một mặt in hình Đại bàng Nga còn một mặt in hình mũi, ria, miệng, râu, gọi là thẻ râu để làm thẻ xác nhận. Tấm thẻ này cũng “phân biệt tầng lớp” với 2 chất liệu là bạc (cho quý tộc) và đồng (cho dân thường).

Bất chấp việc bị toàn dân Nga ghét bỏ, thuế râu được duy trì cho đến tận năm 1772. Thú vị là bên ngoài nước Nga, thuế râu cũng từng được đánh ở một số nơi như Anh (dưới thời Quốc vương Henry VIII), Pháp (dưới thời Hoàng đế Francis I) và Yemen (năm 1936).

Người xóa bỏ thuế râu cho đàn ông Nga là Nữ hoàng Catherine Đại đế (1729 - 1796). Kể từ năm 1772 trở đi, các đấng mày râu Nga lại được tự do nuôi râu. Trải qua 2 thế chiến và cả sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, râu vẫn được đàn ông Nga tích cực bảo vệ, nuôi dưỡng trọn đời.

Năm 2014, niềm kiêu hãnh với râu của đàn ông Nga bị ca sĩ đồng tính người Áo - Conchita Wurst (1988) giáng một cú chí mạng. Mái tóc dài bồng bềnh và bộ râu nam tính trên gương mặt cùng thân hình đầy nữ tính của “cô” khiến các đấng mày râu Nga “cuồng râu” bất mãn.

Chiến thắng Giải thưởng Eurovision danh giá của Wurst càng như “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhiều đàn ông Nga đã cạo râu và đăng ảnh cạo râu của họ chỉ để phản đối và tẩy chay Wurst.

Ngày nay, đàn ông Nga bị giằng xé giữa 2 lựa chọn, cạo hay để râu. Gần đây, Giáo hoàng của Nhà thờ Tín đồ Chính thống Nga - Metropolitan Kornily nhắc lại lời tuyên án của Ivan Bạo chúa, khuyên đàn ông “hãy ngừng cạo râu” vì “cạo râu là hành vi của… đồng tính luyến ái”.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Nhóm sinh viên và thiết kế trạm lắp ráp giúp tăng năng suất trong các nhà máy.

Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học

GD&TĐ - Trạm lắp ráp điều chỉnh vị trí và cao độ bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, bảo đảm thoải mái, không gây mệt mỏi…

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.