Theo giáo sư Tough, “Trẻ em xuất thân trong gia đình nghèo hay gặp khó khăn nhưng khi lớn lên, chúng có khả năng thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh, và những khó khăn tiếp theo bỗng dưng không còn là trở ngại nữa.
Trái lại, rất nhiều trẻ được ôm ấp, bảo bọc kĩ lưỡng trong lớp vỏ gia đình giàu có, khi lớn lên mới bắt đầu sấp ngửa đối mặt với những khó khăn, nên dễ bị nản chí”.
Nuôi dưỡng con cái theo kiểu giám sát gắt gao, can thiệp mọi lúc lại đâm ra phản tác dụng, gây nguy hại đến khả năng phát triển tính cách tự chủ ở trẻ.
Nhiều ông bố bà mẹ gắng gượng lèo lái con cái theo guồng quản lý chặt chẽ, nhưng khi con không đạt được đúng nguyện vọng, quay ra chì chiết, mắng nhiếc, thậm chí “tổng sỉ vả,” khiến con ngày một stress, sống trong hồi hộp, bất an.
Chuyên gia Tough khuyên rằng phụ huynh nên học cách chấp nhận sự thật ngay cả khi con vấp ngã và để con tự xử lý thất bại một cách độc lập nhất vì “thất bại là mẹ thành công,” là công cụ hình thành tính cách hữu ích.
Nếu không để con vấp ngã (từ chuyện va đập, té đau ở những năm đầu đời cho đến việc thua hay mất quyền lợi trong trò chơi thể thao hay game tuổi thơ nào đó), chúng sẽ không tự ý thức phát triển tính mạnh mẽ, quyết tâm chiến đấu để tồn tại và dành thắng lợi.
“Tính cách” là một thuật ngữ nhiều người đang nhầm lẫn, hiểu sai, ám chỉ cái có bẩm sinh, khó uốn nắn mà con người đã định sẵn ngay từ lúc mới sinh ra. Thực chất tính cách được hình thành theo công thức 50% phụ thuộc vào gien di truyền, còn 50% là do quá trình giáo dưỡng.
Vì vậy môi trường tác động đến sự sống nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. Khi quan sát tính cách của trẻ 6 tháng tuổi so với lúc chúng bước vào ngưỡng tuổi 30, các nhà phân tích tâm lý vẫn nhìn thấy sự tương quan tương đối giống nhau, từ đó có thể khẳng định 6 tháng đầu đời là giai đoạn cực kỳ quan trọng.
Ông Tough phân chia cuộc đời trẻ thành 2 giai đoạn điển hình cần lưu ý. Giai đoạn thứ nhất chính là quá trình sống khỏe trước khi bé bắt đầu đi mẫu giáo, nhà trẻ, rơi vào khoảng 18 tháng tuổi, còn gắn chặt với bố mẹ.
Đây là chặng đường trẻ dễ bị kiểm soát nhất và được bố mẹ chỉ dạy từng câu, từng chữ, từng hành vi, cử chỉ. Trong trường hợp trẻ muốn chia sẻ, muốn thể hiện xúc cảm mà người khác hiểu được, như vậy đã là thành công và rất có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.
Còn giai đoạn thứ 2 là thời kỳ trẻ ở độ tuổi vị thành niên, có thể nói là khá cứng đầu và nếu không có sự điều chỉnh đúng đắn, kịp thời, trẻ dễ bị sa ngã. Ở lần đầu tiên chúng dám đứng lên chống trả, phản ứng quyết liệt, thì phụ huynh cần khuyên răn, bảo ban nhẹ nhàng, không nên quát tháo.
Giai đoạn này là bước chuyển biến lớn trong hành vi, tính cách trẻ, là tiền đề quyết định tương lai, bố mẹ phải hết sức khéo léo. Nhiều trẻ đang phải hứng chịu áp lực do chính bố mẹ đặt ra, họ liên tục nhồi nhét nguyện vọng trên trời khi khả năng con cái chỉ ở mức bình thường.
Họ yêu cầu, định hướng cho con theo ngành nghề có thể hái ra tiền trong khi sức học của trẻ vẫn còn bập bõm, chưa vững chắc. Nhiều gia đình chấp nhận đầu tư cho con học thêm các kiểu nhưng kết quả điểm số vẫn thấp, tiền mất, con không tiếp thu được với nhiều nguyên nhân hiện hữu.
Chẳng hạn như trẻ hoàn toàn mất gốc, chỉ biết phần ngọn thì khác chi kiểu học thuộc lòng, nếu gặp bài tương tự, mới hiểu phương pháp giải, còn sai lệch chút ít, lại bối rối, không có tư duy logic.
Tất nhiên bố mẹ có quyền tác động vào tâm tư, tình cảm trẻ và nhà trường cũng thế. Ngoài các môn học chính, nhà trường tổ chức dạy các môn văn hóa như âm nhạc, cờ vua, cờ tướng hay giáo dục thể chất, cũng nhằm mục đích phát triển tính cách trẻ, giúp chúng trải nghiệm cảm giác thắng-thua, rèn luyện tinh thần quyết tâm cao độ, người thắng được tuyên dương trên bảng vàng, kẻ thua cũng được khích lệ, chứ không bị ruồng bỏ, la mắng. Vì thế phụ huynh cũng nên mỉm cười dù con chưa thực sự thành công và tích cực động viên con phấn đấu hơn nữa trong những lần sắp tới.