Muôn cách thức sáng tạo huy động "máy tính cho em"

GD&TĐ - Hơn nửa học kỳ I của năm học 2021 – 2022, các trường học đã có nhiều hình thức sáng tạo, chủ động để những học sinh khó khăn có đủ phương tiện học tập trực tuyến trong điều kiện mới.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du được hỗ trợ máy tính, đầu thu, sim 4G.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du được hỗ trợ máy tính, đầu thu, sim 4G.

Ngoài vận động các nguồn đóng góp, tài trợ, một số trường đã cho học sinh mượn máy tính của phòng tin học đem về nhà sử dụng.

Chủ động kết nối nguồn lực

Đầu năm học mới, qua khảo sát, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có 17 học sinh không có trang thiết bị phục vụ học trực tuyến. Giáo viên chủ nhiệm các lớp đã vận động phụ huynh trong lớp hỗ trợ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này là không thể đồng đều giữa các lớp và gần như gia đình nào cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài.

Thầy Bùi Duy Quốc – Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh - chia sẻ: “Trong 2 tuần đầu, khi đang ôn tập lại kiến thức cũ, có thể gửi bài tập để học sinh làm, nhà trường quyết định kêu gọi sự ủng hộ trong toàn trường với mục tiêu 100% học sinh đều vào lớp online. Sau đó, đã có một doanh nghiệp và 7 phụ huynh hỗ trợ 15 điện thoại thông minh với tổng trị giá 25 triệu đồng”.

Tuy nhiên, khi thành phố nới lỏng giãn cách, một số phụ huynh đi làm trở lại mang theo điện thoại để quét mã QR code, có thêm 3 học sinh thiếu thiết bị để học trực tuyến. Nhà trường tiếp tục kêu gọi để hỗ trợ thiết bị cho các em. “Chúng tôi lựa chọn hỗ trợ điện thoại thông minh cho các em là dựa trên kết quả khảo sát. Hầu hết gia đình các em có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Không có nhà nào có kết nối mạng và phải nhờ wifi từ hàng xóm”, thầy Quốc cho biết.

Bà Huỳnh Thị Thời (trú đường Phạm Nhữ Tăng, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) vẫn xúc động khi nhắc đến món quà mà em P.N.L, cháu nội mình nhận được từ Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. “Cháu vào lớp 6, nộp hồ sơ thôi chứ sách vở, đồ dùng học tập chưa sắm sửa được gì. Tui đi xin lại sách cũ nhưng họ nói năm nay thay sách rồi. Thế rồi may quá, các cô bên trường đem qua nhà tặng cho cháu một cái máy tính bảng để học trực tuyến. Còn cho thêm 2 triệu đồng để sắm sửa đồ dùng đầu năm. Thế là có chút ít để mua sách vở cho 3 chị em sắp nhỏ”.

Khi dịch chưa bùng phát, chồng làm phụ hồ, bà Thời thì không có việc làm ổn định, ai kêu gì làm nấy. Nhưng rồi gần nửa năm nay, chồng bà không có việc làm. Để có tiền mua dầu gạo, mắm muối nuôi 4 đứa cháu, bà Thời bắt đầu đi nhặt ve chai. Ba của em P.N.L đi tù. Mẹ cũng bỏ nhà đi. Có chiếc điện thoại di động đã cũ của ba để lại, 3 chị em L chia nhau để học. Hôm nào trùng lịch thì xem thời khóa biểu, ai có môn học chính thì được ưu tiên vào lớp. “Nhìn các cháu nhường nhau học mà thương. Nhưng tui hỏi mua thì họ nói cái rẻ rẻ mà để học được thì cũng phải 4 triệu đồng, nên đành chịu”, bà Thời kể.

Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã chủ động kêu gọi cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ 14 bộ máy tính mới, 2 laptop cũ và một máy tính bảng đã qua sử dụng. Ngoài ra, nhà trường còn “xin” thêm 5 đầu thu, 12 sim điện thoại và gói cước 4G cho 52 học sinh. Vì vậy, 100% học sinh của trường đủ điều kiện tham gia học trực tuyến.

Hòa Vang là địa bàn có số lượng học sinh không có bất cứ một thiết bị nào để có thể kết nối học trực tuyến chiếm tỉ lệ cao nhất của thành phố Đà Nẵng. Tính đến tháng 10/2021, từ sự kêu gọi, vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… đã có 628 học sinh được hỗ trợ thiết bị phục vụ học trực tuyến với số tiền gần 835 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn còn vài trăm học sinh phải học nhờ, học chung với bạn vì không có điều kiện trang bị phương tiện để học online.

Học sinh Trường Tiểu học quận Thanh Khê nhận bộ máy tính bàn từ chương trình kết nối của quận ủy.
Học sinh Trường Tiểu học quận Thanh Khê nhận bộ máy tính bàn từ chương trình kết nối của quận ủy. 

Máy tính cùng em về nhà

2 tuần sau khai giảng năm học, P.H.A, HS lớp 6/4, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bước vào chương trình học chính thức cũng là lúc mẹ em, chị P.T.H được một công ty may tư nhân gọi đi làm. “Mẹ đi làm thì phải mang theo điện thoại. Điện thoại của ba cháu lại bị hư màn hình. Để không bị mất bài, cháu phải mượn tạm điện thoại của cô ruột để học. Thỉnh thoảng cháu lại bị rớt ra khỏi lớp học vì đang học thì có cuộc gọi đến nên mất kết nối mạng”, chị H kể. Biết được điều kiện học tập của H.A, chỉ 2 hôm sau, nhà trường cử đại diện mang máy tính của trường đến cho em mượn sử dụng trong thời gian học trực tuyến.

Nhiều trường học đã linh động cho học sinh mượn máy tính của phòng tin học để các em có đủ thiết bị học tập. Cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Sau khi khảo sát điều kiện học trực tuyến của học sinh, nhà trường tổ chức kêu gọi hỗ trợ để tặng thiết bị cho học sinh. Một số em được tặng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên sau đó, chúng tôi nhận thấy, học trực tuyến trên điện thoại thì học sinh rất khó tương tác trong giờ học như tham gia trả lời các trò chơi trắc nghiệm để củng cố kến thức… Vì vậy, với những em còn thiếu thiết bị mà chưa tìm được nguồn hỗ trợ, nhà trường quyết định cho các em mượn máy tính của phòng tin học về nhà để sử dụng”.

Với cách làm này, đã có 150 học sinh bậc tiểu học, THCS của quận Liên Chiểu được học trực tuyến. “Phòng GD&ĐT đã huy động được 150 bộ tai nghe và camera tặng cho những em mượn máy tính của nhà trường để có đủ thiết bị hỗ trợ học tập. Cũng từ các nguồn huy động, Phòng GD&ĐT đã có thêm được 33 điện thoại thông minh để điều phối cho những trường có nguồn lực huy động thấp nhằm tăng thêm độ phủ thiết bị trực tuyến cho học sinh”, ông Nguyễn Thanh Lịch, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết.

Để học trò có thể tham gia học trực tuyến 100%, cô Cao Thị Nga – giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường Tiểu học Hòa Phát (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phải chia lớp học thành 2 ca. Những em có phụ huynh ở nhà hỗ trợ con học trực tuyến sẽ học ca 8 giờ sáng. Ca tối từ 19 giờ dành cho những học sinh mà bố mẹ đi làm ban ngày. Phụ huynh đi làm hầu hết đều phải mang theo điện thoại để liên lạc và quét mã QR code. Chia ca thì giáo viên sẽ vất vả nhưng lại hỗ trợ cho học sinh được tốt hơn, các em có đủ phương tiện để kết nối học trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.