Mục tiêu toàn cầu trong chống lao: Chậm tiến độ

GD&TĐ - Bệnh lao hiện vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau Covid-19.

Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Ảnh minh họa
Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Ảnh minh họa

Các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn đang bị chậm tiến độ.

Quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao

Số liệu vừa công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, Chương trình chống lao quốc gia đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân. Con số này tương đương với tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 – thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.

Đáng lo ngại hơn, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%. Điều đó nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Dù đang là bệnh lưu hành và gây nhiều gánh nặng, nhưng với đặc tính phát triển âm thầm kéo dài, bệnh lao vẫn chưa giành được sự quan tâm đúng mức từ phía người dân.

Đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương, anh Đinh Lê Tường Lộc (26 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị ho và sốt liên tục từ nhiều tháng nay, nhưng cũng chỉ nghĩ do cảm cúm, sốt virus hay Covid-19 nên quyết định tự điều trị tại nhà”.

Chỉ đến khi cơn ho diễn ra ngày càng nhiều, nhất là đêm khuya, kèm theo dấu hiệu tức ngực, khó thở, ăn uống kém và có ho ra máu, anh Lộc mới đến bệnh viện để được thăm khám. Bác sĩ kết luận anh Lộc mắc lao phổi.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Đến hết tháng 9 năm nay, tổng số bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện là 2.764, và thu nhận 2.606 vào điều trị. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt mức 52,5% so với chỉ tiêu kế hoạch.

Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 75%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao (11%). Trong khi đó, phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước. Nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19.

Cuộc chiến vướng nhiều trở ngại

Lao là một bệnh truyền nhiễm, thường kéo dài âm thầm và được phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến lúc tử vong, bệnh lao có khả năng lây sang rất nhiều người. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh. Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kém ăn, gầy, sụt cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn… Con đường lây nhiễm chủ yếu qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp với người xung quanh.

Theo báo cáo của WHO, bệnh lao hiện vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau Covid-19. Các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn đang bị chậm tiến độ.

Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995, cao hơn mức trước đại dịch Covid-19 (mức đỉnh lịch sử trước đó) là 7,1 triệu người vào năm 2019, cao hơn từ 5,8 triệu người vào năm 2020 và 6,4 triệu người vào năm 2021.

Trên toàn cầu trong năm 2022, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong. Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia.

Hiện nay tại nước ta, tỷ lệ người mắc lao khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn, 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Do vậy, để phát hiện ca mắc cần kết hợp cả 3 phương pháp phát hiện chủ động - y tế đến với người dân; phát hiện tích cực - tại các cơ sở y tế và cộng đồng; và phát hiện thường quy - người dân đến khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, theo báo cáo của WHO, hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến Covid-19. Điều này đã giúp cải thiện những tác động tiêu cực của đại dịch đối với số người chết và mắc lao trên toàn cầu.

Theo PGS Hòa, số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995.

Con số có thể bao gồm một lượng lớn những ca bệnh đã tồn đọng trong những năm trước nhưng việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn do những tác động của dịch Covid-19. Uớc tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao vào năm 2022, trong đó tỷ lệ mắc lao ở trẻ em chiếm 12%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.