Tiến sĩ y khoa Việt Nam sáng chế kit test để phát hiện bệnh lao bằng mắt thường

GD&TĐ - TS Phan Lê Minh Tú (Khoa Y - Dược, ĐH Đà Nẵng) được trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022 ở lĩnh vực Y Dược.

TS Phan Lê Minh Tú (thứ 2 từ phải sang) trong lễ trao giải Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022.
TS Phan Lê Minh Tú (thứ 2 từ phải sang) trong lễ trao giải Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022.

Giảm tải gánh nặng cho bệnh nhân, bệnh viện

Hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực Công nghệ Y Dược, Phan Lê Minh Tú nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại ĐH Chung Ang Hàn Quốc vào năm 2020. Về Việt Nam công tác tại Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng, TS Tú vẫn tiếp tục say mê nghiên cứu khoa học, song song với việc đảm bảo tốt nhiệm vụ giảng dạy. Hiện nay, TS Phan Lê Minh Tú đang là Phó bộ môn Y học chức năng – Xét nghiệm.

Trên chặng đường nghiên cứu khoa học của mình, tiến sĩ trẻ này đã có 26 bài báo đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, 3 bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học trong nước. Giải thưởng Poster nghiên cứu xuất sắc nhất tại Hội thảo Quốc tế về công nghệ và ứng dụng thiết bị cảm biến Sensordevices tổ chức ở Rome, Ý; do IARIA, Hoa Kỳ trao tặng, 1 poster xuất sắc tại hội thảo quốc tế. Những con số chính là kết quả của một hành trình gian lao với chuỗi ngày "ăn, ngủ" bên phòng thí nghiệm của Tú.

TS Phan Lê Minh Tú dành nhiều thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm.

TS Phan Lê Minh Tú dành nhiều thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm.

Công trình nghiên cứu, bài báo khoa học “Xét nghiệm miễn dịch điểm chấm dùng nano vàng - đồng để phát hiện kháng nguyên CFP-10 đặc hiệu của bệnh lao bằng mắt thường” của TS Phan Lê Minh Tú nhận được đánh giá rất cao từ Hội đồng xét chọn Quả cầu Vàng năm 2022. Đây là nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực xét nghiệm y học, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Mất 1,5 năm nghiên cứu, làm việc miệt mài trong phòng lab mà theo như Tú kể, một ngày làm việc của người khác có thể chỉ là 8 tiếng nhưng với Tú, đôi lúc là 24 giờ. Công trình khoa học về chẩn đoán bệnh lao của Phan Lê Minh Tú cho ra kết quả bộ kit chẩn đoán bệnh lao trong thời gian ngắn với độ nhạy cao, kết quả chẩn đoán cao, chi phí rẻ mà bệnh nhân ở Việt Nam có thể sử dụng được. Công trình này cũng xuất phát từ những ước mơ rất nhân văn của tiến sĩ trẻ.

“Giáo sư hướng dẫn ở Hàn Quốc gợi ý tôi có thể lựa chọn nghiên cứu về phương pháp chẩn đoán được một bệnh nào đó bất kỳ mà mình mong muốn. Tôi đã lựa chọn bệnh lao để nghiên cứu vì đây là bệnh khó chẩn đoán và điều trị. Chỉ cần nhìn vào kết quả trên chip giấy, bác sĩ đã có thể chẩn đoán được bệnh nhân đó có bị mắc bệnh lao hay không. Với kết quả nghiên cứu này, có thể triển khai rộng rãi và đem về Việt Nam để áp dụng được, đó là điều tôi mong muốn và cũng là động lực trong hơn 1,5 năm “ăn phòng lab, ngủ phòng lab” của tôi” – TS Minh Tú chia sẻ.

Luôn “giữ” lửa trong tim để làm người “truyền lửa”

TS.BS Lê Viết Nho, Trưởng khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Có thể nói TS Phan Lê Minh Tú là một nguồn cảm hứng rất lớn không chỉ cho giảng viên mà còn cho sinh viên của nhà trường. Hiện nay Khoa hợp tác hoạt động khoa học với các trường đại học khác, TS Tú là một trong những thành viên tích cực tham gia hoạt động này”.

TS Phan Lê Minh Tú hiện đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu chương trình sau Tiến sĩ với thời gian 1 năm tại đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) với công trình khoa học phát triển phương pháp chẩn đoán và liệu pháp miễn dịch điều tri HIV bằng dna origami.

TS Phan Lê Minh Tú hiện đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu chương trình sau Tiến sĩ với thời gian 1 năm tại đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) với công trình khoa học phát triển phương pháp chẩn đoán và liệu pháp miễn dịch điều tri HIV bằng dna origami.

TS Phan Lê Minh Tú thường xuyên hợp tác, làm việc với các đối tác trên thế giới như Tổ chức phúc lợi thành phố Takamatsu - Nhật Bản, Trường Đại học KitaKyushu – Nhật Bản, Đại học Ludwig Maximilian – Đức,... về nghiên cứu và đào tạo, nhằm tìm kiếm cơ hội cho sinh viên, cán bộ y tế Việt Nam được nâng cao trình độ, làm việc tại môi trường tiên tiến trên thế giới.

Chủ nhân một trong hai Quả cầu Vàng 2022 ở lĩnh vực Y - Dược chưa bao giờ nghĩ rằng đây là thành tựu tốt nhất. “Tôi luôn nỗ lực để có được một phiên bản tốt nhất cho ngày mai. Thành tựu, với tôi, là có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội chứ không phải chỉ là thành công cho bản thân mình”.

Với giảng viên đại học, nếu bản thân không "giữ" được lửa, không liên tục học tập và nghiên cứu cái mới, thì rất khó “truyền lửa” cho sinh viên. “Lửa” ở đây được tinh thần học tập suốt đời của một bác sĩ chứ không chỉ là học trong 5 năm đại học, mà nguồn lửa chính là sự đam mê được truyền từ người thầy.

Làm công việc giảng dạy ở khối ngành khoa học sức khỏe, TS Phan Lê Minh Tú chia sẻ rằng, những thành công của mình trong nghiên cứu khoa học không phải là điều gì to lớn nhưng sẽ góp thêm một "chỉ dấu" để sinh viên phấn đấu hơn trong học tập và làm quen với nghiên cứu khoa học.

Phan Lê Minh Tú kể, mình rất vui khi sinh viên tìm đến thầy để bày tỏ nguyện vọng có thể tham gia một phần việc trong các công trình nghiên cứu khoa học mà các thầy cô đang triển khai. "Kết thúc một học phần, mình luôn nhắn nhủ với sinh viên rằng hãy tin rằng mình sẽ thành công và phải nỗ lực cho điều đó thì một ngày nào đó, thành công sẽ đến với mình" - TS Tú kể.

Trong thời gian dịch Covid-19, tuy không thể trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch Covid, nhưng vì cũng là nhân lực y tế, nên TS Tú đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng từ xa trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời tập trung nghiên cứu các vấn đề dịch bệnh thể hiện qua một bài báo khoa học quốc tế xếp hạng Q1 về hiệu quả các xét nghiệm Covid, một bài báo quốc tế xếp hạng Q1 về kiểm soát glucose trong giai đoạn dịch bệnh, một bài báo quốc tế và một bài báo trong nước về tác động tâm lý của Covid-19 đến người Việt Nam; nhằm mục đích cùng chung tay với chính quyền Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh và các vấn đề do dịch bệnh gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ