Quy định rõ trình tự thực hiện, tránh sự bất cập giữa mục tiêu và cách thức thực hiện việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông như hiện nay, nên thực hiện ngay từ cấp trung học cơ sở. Quy định rõ vai trò trách nhiệm của Chính phủ, các cơ sở đào tạo, gia đình, cộng đồng về “tư vấn hướng nghiệp” đối với giáo dục phổ thông.
Về nội dung này, Bộ GD&DT cho biết: Ngày 14/6/2019 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự án Luật Giáo dục và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 (Luật Giáo dục 2019).
Tại Điều 9, Luật Giáo dục 2019 quy định: Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước. Chính phủ quy định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 522/QĐ-TTg ban hành Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, trong đó quy định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, kinh phí và lộ trình thực hiện Đề án. Để triển khai Đề án này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 1223/KH-BGDĐT ngày 28/12/2018 và Công văn số 1676/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2019 hướng dẫn triển khai Đề án.