Mùa vui của sân khấu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xuân về, dường như chẳng chăn ấm, nệm êm nào giữ được khán giả ở nhà. Nhất là các vùng quê, người người vẫn náo nức đội mưa đến với ánh đèn sân khấu…

Khán giả thưởng thức vở 'Cung phi Điểm Bích' Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn sân khấu chùa Đại Bi (Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: NHCLVN
Khán giả thưởng thức vở 'Cung phi Điểm Bích' Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn sân khấu chùa Đại Bi (Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: NHCLVN

Xuân về, dường như chẳng chăn ấm, nệm êm nào giữ chân được khán giả ở nhà. Nhất là các vùng quê, người người vẫn náo nức đội mưa đến với ánh đèn sân khấu, gặp gỡ nghệ sĩ, thưởng thức các vở diễn mà mình mến mộ…

Về với mái đình, cây đa

Nếu như tại TP Hồ Chí Minh, khán giả thường đến các tụ điểm sân khấu để xả hơi, thì sân khấu tại Hà Nội gần như im ắng. Các đoàn thường chạy “sô” về ngoại thành, lên kế hoạch biểu diễn phục vụ khán giả tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình…

Dù phải đi xa, từ sáng sớm đến tối khuya, biểu diễn ở sân khấu ngoài trời, trang thiết bị đơn sơ, gió thốc cả vào mặt song nhìn khán giả từ người già đến con trẻ quây kín, say mê thưởng thức khiến diễn viên luôn hứng khởi. Thậm chí, có khi đang biểu diễn ngoài trời thì mưa giăng, nghệ sĩ say trong câu hát và khán giả thấy vậy lên che ô cho diễn viên khỏi ướt. Tình cảm ấy làm sao có được ở nơi đô hội.

Nhà hát Cải lương Việt Nam năm nào cũng đi biểu diễn 2 - 3 tháng sau Yết. Khai Xuân từ ngày mồng 5 âm lịch trong lễ hội gò Đống Đa với các trích đoạn về vua Quang Trung đại thắng quân Thanh cùng các bài tân cổ, diễn xướng, hầu đồng, nghệ sĩ cải lương chạy show tại các lễ hội từ Liên Hà (Đông Anh), Đức Thánh Chử, đề Sưa (Ngọc Hà, Ba Đình), hội thuyền ở Chử Xá (Gia Lâm) đến lễ hội chùa Hang ở Thái Nguyện, đặc biệt là tỉnh Bắc Ninh - địa phương có nhiều lễ hội và người dân rất mê cải lương.

“Tại lễ hội ở thôn Me (Từ Sơn, Bắc Ninh), chúng tôi diễn hai suất vào buổi chiều với chương trình tổng hợp ca múa nhạc, ca cổ và các trích đoạn cải lương đặc sắc. Tối diễn vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, sân khấu ngoài trời nên gió lạnh nhưng nghệ sĩ thì ai cũng nóng ran bởi khán giả quá nhiệt tình. Diễn suốt cả tháng ở các lễ hội, đình làng đến nỗi nhiều diễn viên khản cả giọng”, NSƯT Chử Thiên Hoa cho biết.

Tương tự, Nhà hát Tuồng Việt Nam bận rộn với hàng loạt chương trình trống hội, múa cờ, múa cổ. Bên cạnh đó, những vở tuồng truyền thống như “Đào Tam Xuân”, “Ngọc Hân công chúa”, “Phụng Nghi Đình”, “Mộc Quế Anh dâng cây”… của nhà hát cũng rất được ưa chuộng tại các vùng quê.

Vở cải lương 'Trọn đời trung hiếu với Thăng Long' được biểu diễn tại lễ hội đình Hạ Yên Quyết (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Bình Thanh.

Vở cải lương 'Trọn đời trung hiếu với Thăng Long' được biểu diễn tại lễ hội đình Hạ Yên Quyết (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Bình Thanh.

Luôn phải vui

“Chào Xuân bằng tiếng hát, tiếng cười đã trở thành truyền thống trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ vì ai cũng mong muốn một năm mới bắt đầu với niềm vui và sự thoải mái, sảng khoái”, NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết.

Nhà hát chuẩn bị cho chương trình biểu diễn đầu năm rất công phu để đảm bảo mang lại tiếng cười thật ý nghĩa cho khán giả. Năm nay, vừa nghỉ Tết xong, nhà hát khai sàn bằng chương trình ca nhạc hài kịch “Tiếng gọi mùa Hè” với những tiểu phẩm đặc sắc tạo sự hoài niệm, nhớ thương. Chương trình được dàn dựng nhiều màu sắc, đặc biệt rất thích hợp với các khán giả nhí.

Cùng với đó, Nhà hát Tuổi trẻ còn có các suất diễn khác như: “Đời cười tuyển chọn”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, “Người lạ hoàn hảo”. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn có kế hoạch lên đường du diễn đầu Xuân ở các tỉnh lân cận cho đến hết Giêng, Hai. Lấy tiếng cười làm chủ đạo, lại được phục vụ miễn phí, vì thế các vở diễn dù không còn hấp dẫn với khán giả thành phố song vẫn thu hút người xem ở thôn quê.

Còn Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tung một loạt vở diễn hài để chào đón năm con rồng như: “Bệnh sĩ”, “Quan thanh tra”, “Nghêu sò ốc hến”, “Ả cave ở nhà hàng Maxim”… Theo NSND Xuân Bắc, tiếng cười là vô cùng quan trọng trong cuộc sống, vì thế các nghệ sĩ muốn mang lại cho khán giả tiếng cười với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau.

“Nghêu sò ốc hến” là tiếng cười dân gian, “Bệnh sĩ” là tiếng cười xã hội, đả kích thói sĩ diện, thích sống ảo, “Quan thanh tra”, “Ả cave ở nhà hàng Maxim” là tiếng cười kinh điển thế giới không bao giờ cũ. “Tiếng cười của chúng tôi không dễ dãi bởi đây đều là những tác phẩm hài nổi tiếng của Việt Nam và thế giới được thổi vào làn gió mới trẻ trung cùng cách dàn dựng độc đáo”, NSND Xuân Bắc cho biết.

“Về miền quê diễn nhiều nên tôi khẳng định kịch hát dân tộc như tuồng chèo, cải lương không bao giờ có thể mất được. Người dân vùng quê vẫn rất yêu những môn nghệ thuật này. Họ đến xem đông đúc, hào hứng và yêu quý nghệ sĩ y hệt như những năm xa xưa khi nghệ thuật biểu diễn còn là cái gì đó hiếm hoi” - NSND Trọng Bình, Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ