Bảo vệ “quốc bảo”
Trong tiết se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi lên huyện Tu Mơ Rông. Dưới những tán rừng cổ thụ, hàng chục người dân đang cần mẫn xới đất tìm những mầm sâm Ngọc Linh vừa tròn 1 năm tuổi. Những mầm sâm được bới lên đã có đầy đủ rễ, chồi để đưa đi trồng dưới tán rừng già.
Tỉ mỉ đào những mầm sâm lên khỏi lớp đất, ông A Brít (làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, đều đặn hàng năm, sau khi sâm được thu hoạch người dân sẽ đem hạt vào sâu khu rừng già để ươm. Dưới tán rừng cổ thụ, hạt sâm nảy mầm. Sau 5 tháng, cây sâm bắt đầu sinh trưởng và phát triển nên có thể di thực dưới tán rừng.
“Thời điểm cây bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt vào đúng mùa mưa nên chúng tôi phải chờ khi tiết trời khô hơn, rừng ít ẩm ướt mới nhổ lên để trồng. Khi nhổ, mọi người đều cẩn thận, nhẹ nhàng để bộ rễ không bị đứt. Với những cây còn lá thì dễ tìm thấy và nhổ hơn.
Còn đối với những cây đã rụng lá, mọi người phải đào xới thật kĩ để tìm từng gốc sâm. Sau khi nhổ xong phải mang đi trồng ngay, nếu để 2 - 3 ngày cây sẽ yếu dần và chết. Sâm nhổ xong sẽ được gói lại trong lá chuối và mang đến khu vực trồng đã chuẩn bị từ trước. Tất cả những quy trình này đều được làm thủ công”, ông A Brít nói.
Cẩn thận gói những mầm sâm vào lá chuối, ông A Hem (công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum) cho hay, để cây sâm có thể sinh trưởng và phát triển tốt trước khi đưa đi trồng phải chuẩn bị đất kĩ lưỡng.
Khi đó, mọi người sẽ tìm mùn từ cây gỗ mục trên rừng để tạo thêm dinh dưỡng và độ tơi xốp cho đất. Tuy nhiên, vì diện tích trồng sâm lớn nên công nhân sẽ tìm thêm lá để ủ nhằm tạo độ ẩm.
“Mỗi vườn ươm chỉ khoảng 3 - 4 m2 nhưng có đến cả nghìn cây con, còn khu vực trồng thì mật độ thưa hơn. Giữa các cây cách nhau khoảng 20 - 30cm. Bên cạnh đó, để bảo vệ cây sâm khỏi bị chim, chuột phá, mưa đá, cành cây gãy đỗ đè vào thì chúng tôi dùng rào tre, giăng lưới, màn. Mỗi đêm chúng tôi còn đặt bẫy khắp vườn và đi đuổi, bắt chim chuột để chúng không vào phá sâm”, ông A Hem tâm sự.
Đổi đời nhờ sâm
Ngược thời gian về nhiều năm trước đây, ông A Bủa (70 tuổi, trú thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cho biết, khi đó người dân chỉ xem sâm Ngọc Linh như một phương thuốc để chữa các bệnh dân gian, như: Rắn cắn, đau bụng…
“Khi đó, dân mình chỉ nghĩ sâm là một loại thuốc để chữa các bệnh thông thường. Bên cạnh đó, người dân thường đi đến lưng chừng các ngọn núi để tìm sâm về đổi hàng hoá, lương thực. Có khi người dân dùng cả gùi sâm để đổi lấy một chiếc áo mưa, thực phẩm vì không biết sâm Ngọc Linh quý và hiếm”, ông A Bủa nói.
Mãi đến những năm 1973, khi đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y khu V đến đưa mẫu về nghiên cứu. Lúc đó, mọi người mới biết phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin.
Trong đó 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.
Từ những nghiên cứu về hàm lượng bổ dưỡng trong sâm Ngọc Linh, loại dược liệu này được ví như “Quốc bảo” và có mức giá cao từ 120 - 160 triệu đồng/kg. Do đó, nhiều công ty, doanh nghiệp quyết định lên đỉnh Ngọc Linh để đầu tư trồng sâm.
Cũng từ đó, nhiều bà con xin vào làm công nhân của các công ty trồng sâm trên địa bàn. Hàng ngày, người dân thay phiên nhau kiểm tra từng gốc sâm, chăm sóc cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân cũng được các công ty cấp cho 100 gốc sâm/năm để cùng chăm sóc, trông coi và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chị Y Blúc (thôn Măng Rương, xã Ngọk Lây) cho hay, trước đây để tìm được cây sâm Ngọc Linh người dân phải vào tận rừng sâu. Khi tìm được, người dân mang sâm về, lá thì dùng nấu nước uống, còn củ thì mang đi phơi khô cất trong nhà dùng dần.
Khi nào ốm đau, mệt mỏi thì mang ra ngậm. Sau nhiều năm dân làng mới biết giá trị, dưỡng chất trong sâm. Do đó, mọi người đều cố gắng gìn giữ, bảo vệ và nhân rộng diện tích sâm Ngọc Linh.
“Nhờ cây sâm Ngọc Linh nên cuộc sống của bà con từ đói nghèo dần trở nên ổn định và có của ăn, của để”, bà Y Blúc nói.
Trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Kon Tum đã đề ra mục tiêu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha. Trong năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum đặt ra chỉ tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh.
Ông A Brít cho hay, những cây sâm Ngọc Linh chỉ có thể sống được dưới tán rừng già. Lá và gỗ mục trong rừng sẽ trở thành phân bón giúp cây sâm sinh trưởng. Còn tán rừng sẽ điều hoà, tạo nhiệt độ thích hợp cho cây sâm phát triển. Do đó, những người trồng sâm luôn cố gắng bảo vệ, giữ gìn những tán rừng cổ thụ để “lá phổi” xanh luôn “khoẻ” nhằm phát triển kinh tế.
“Bà con mình luôn cố gắng gìn giữ, bảo vệ màu xanh của những tán rừng. Bởi rừng còn thì bà con mới có điều kiện để trồng sâm Ngọc Linh và phát triển kinh tế. Từ đó, mọi người thoát khỏi đói nghèo và có cuộc sống ấm no hơn”, ông A Brít chia sẻ.