Giấc mơ “nuôi” sâm Ngọc Linh 8 tuần bằng 5 năm

GD&TĐ - TS Hồ Thanh Tâm (giảng viên Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) đang triển khai nuôi cấy sinh khối đối với rễ cây sâm Ngọc Linh để chiết xuất dược chất như saponin có tác dụng ngừa ung thư. Theo đó, chỉ từ 4 - 8 tuần

TS Hồ Thanh Tâm trong phòng nuôi cấy sinh khối tại Hàn Quốc.
TS Hồ Thanh Tâm trong phòng nuôi cấy sinh khối tại Hàn Quốc.

Theo đó, chỉ từ 4 - 8 tuần có thể thu được dược chất với hàm lượng tương đương cây trồng 5 năm tuổi trong tự nhiên.  

Bảo tồn giống cây đặc hữu, quý hiếm

Hoàn thành tiến sĩ, Hồ Thanh Tâm ở lại Hàn Quốc làm việc thêm 2 năm để tích lũy thêm kinh nghiệm. Đầu năm 2020, Tâm quyết định trở về Việt Nam và chọn làm việc tại Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu của Trường ĐH Duy Tân.

“Trong các hội nghị quốc tế, công bố quốc tế, tôi được nhắc đến là Hồ Thanh Tâm Hàn Quốc chứ không ai biết mình là người Việt Nam. Tôi quyết định trở về nước với mong muốn các công trình khoa học của tôi khi ra thế giới được mang tên Việt Nam, được làm các sản phẩm từ chính quê hương mình” – Tâm giải thích.

TS Hồ Thanh Tâm và cộng sự đang trong những bước để thực hiện sản xuất sinh khối và hợp chất từ nguồn cây dược liệu của Việt Nam, trước mắt sẽ tập trung vào cây sâm Ngọc Linh.

“Hiện quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô đã được ứng dụng phổ biến. Thế nhưng, đây là loại cây đặc hữu, phân bố hạn chế, khó trồng. Sâm Ngọc Linh hiện chỉ mới trồng được trên một diện tích rất nhỏ ở khu vực Quảng Nam, Kon Tum và Lâm Đồng. Nếu không khai thác bằng phương pháp khác, số lượng ngoài tự nhiên có thể ngày càng cạn kiệt” – Tâm chia sẻ.

Để tạo sinh khối dược liệu, theo Hồ Thanh Tâm, công đoạn bắt buộc là thu nhận được nguồn cây mẹ chất lượng ngoài tự nhiên. Với nguồn giống chất lượng, nhóm nghiên cứu tiến hành tạo dòng tế bào mong muốn trong điều kiện phòng thí nghiệm. Công đoạn tạo dòng tế bào gồm nuôi cấy và phân tích hoạt chất.

“Việc chọn nguồn tế bào sinh trưởng mạnh được coi là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến khả năng tạo ra sinh khối hoạt chất cao. Tuy nhiên, dịch

Covid–19 đang phức tạp nên hiện nay chúng tôi chưa triển khai scale lên các hệ thống bioreactor. Việc bảo vệ mẫu vì vậy rất… mệt. Một khi đã triển khai nuôi trong bioreactor thì phải theo dõi hàng ngày”, TS Tâm giải thích.

Dòng lai này được nhân nhanh trong hệ thống các bioreactor nuôi cấy sinh khối. Tâm cho biết, chỉ mất khoảng từ 4 - 8 tuần là có thể thu được hợp chất quý tương tự cây trồng khoảng 5 năm tuổi trong tự nhiên. Như chất saponin có tác dụng ngăn ngừa ung thư từ các dòng rễ bất định của sâm Ngọc Linh. Một năm, sẽ thu được vài lần như vậy.

Mục tiêu của Tâm trong 10 năm tới, sẽ chuyển từ nuôi cấy sinh khối từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô công nghiệp trong các hệ thống bioreactor ở mức 10.000 – 20.000 lít. Việc chuyển giao công nghệ với sự tham gia của doanh nghiệp, xây dựng nhà máy chuyên sản suất sinh khối sẽ giúp tạo ra được nguồn nguyên liệu có hoạt tính, phục vụ sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá trị với giá thành thấp.

TS Hồ Thanh Tâm cho biết, phương pháp tạo sinh khối như nuôi cấy rễ bất định, rễ tơ, nuôi cấy huyền phù tế bào có thể áp dụng để thu về hoạt chất hỗ trợ điều trị bệnh trong nhiều cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, hà thủ ô, lan dược liệu…

TS Hồ Thanh Tâm tại phòng lab của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
TS Hồ Thanh Tâm tại phòng lab của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). 

Sinh ra từ làng

TS Hồ Thanh Tâm là một trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020 do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học công nghệ chủ trì. Từ vùng quê nghèo cát trắng Bình Sa (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Hồ Thanh Tâm theo đuổi con đường nghiên cứu công nghệ sinh học tại ĐH Đà Lạt.

Những ngày tháng còn là SV, Tâm vừa đi làm gia sư, làm thêm tại các nhà vườn, trang trại để bớt đi gánh nặng cho người anh trai. Ước mơ chuyên sâu nghiên cứu để biến cây dược liệu của nông dân thành mỹ phẩm, thực phẩm có giá trị cao cứ thế lớn dần lên trong Tâm. Trong thời gian học cao học, Tâm được GS.TS Dương Tấn Nhựt hướng dẫn tham gia dự án về nhân giống vô tính và bảo tồn sâm Ngọc Linh.

Năm 2014, khi chưa hoàn thành xong chương trình cao học tại ĐH Đà Lạt, với sự giới thiệu của GS hướng dẫn, Hồ Thanh Tâm đã xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn, đạt học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Chungbuk.

Tâm kể, thời gian đầu ở Hàn Quốc, đã có những lúc anh gần như rơi vào khủng hoảng. “Mình đã có lúc muốn bỏ cuộc. Đã có lúc muốn quay về”. Tâm phải cấp tốc tự học thêm tiếng Anh để xóa bỏ rào cản trong giao tiếp và công việc.

Sau một năm loay hoay với đề tài nghiên cứu kiểm soát sắc màu và kích thước lan hồ điệp nhưng không thành công, Tâm xin được đổi đề tài. GS hướng dẫn gợi ý cho Tâm nên chọn ngành nghiên cứu nào mà khi về nước có thể phát huy được. Và Hồ Thanh Tâm chọn hướng nghiên cứu nhân giống và sinh khối cây dược liệu.

Với hướng nghiên cứu này, con đường nghiên cứu khoa học của Tâm rộng mở với nhiều công trình khoa học mang tầm cỡ quốc tế. Từ năm 2012 đến nay, Hồ Thanh Tâm có 34 công bố khoa học quốc tế và trong nước, đồng tác giả của 1 chương sách chuyên khảo của Nhà xuất bản SPi Technologies India Private Ltd 2020… TS Hồ Thanh Tâm đang là thành viên phản biện 5 tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín.

Trong thời gian học tập và làm việc tại Hàn Quốc, anh đã tham gia 9 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trong đó, nổi bật nhất là dự án được tài trợ bởi Viện Quy hoạch và Đánh giá công nghệ trong Thực phẩm, Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hàn Quốc (IPET). Dự án đã tạo ra một số sản phẩm thương mại như xà phòng, sữa tắm, mặt nạ, cao sâm va đang hoàn thiện để sản xuất ra thực phẩm chức năng và thực phẩm.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên tình yêu đối với cây trồng luôn có sẵn trong người. Tuổi thơ của tôi đã từng ăn độn sắn, độn ngô. Tôi tâm niệm phải học tập để ít nhất là giúp bản thân và gia đình thoát nghèo. Đến với khoa học, tôi mong muốn mang lại những sản phẩm tốt nhất để góp phần tạo ra một nền nông nghiệp công nghệ cao phục vụ quê hương, đất nước” – Hồ Thanh Tâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.