Mùa thu Hà Nội trong thơ

GD&TĐ - Hà Nội vào thu bỗng hiện lên rất gần gũi, cảm tưởng như có thể “sờ mó” được, trực quan nhất là những hàng liễu ven hồ Tây.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Từ những bước đi của mùa thu

Tập thơ đầu tay “Thơ thơ” (1938) có một vị trí đặc biệt quan trọng, xác nhận một tên tuổi mới trong làng thơ mới lãng mạn - Xuân Diệu (1916 - 1985), người chiếm ngôi vị “Mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1942). Tiểu sử thi sĩ ghi rõ: Từ năm 1935 - 1936, Xuân Diệu học tú tài ở Hà Nội và Huế; trong hai năm 1938 - 1939, dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội.

Cứ thử hình dung: Một buổi mai (hoặc buổi chiều) nào đó, thi sĩ dạo quanh hồ Hoàn Kiếm (hoặc hồ Tây), thư giãn tinh thần và ngắm nhìn phố xá (có thể là liệu pháp chống lại căn bệnh cô đơn cố hữu mà nghệ sĩ thường mắc phải). Hà Nội vào thu bỗng hiện lên rất gần gũi, cảm tưởng như có thể “sờ mó” được, trực quan nhất là những hàng liễu ven hồ Tây (hoặc hồ Hoàn Kiếm). Làn gió thoảng gợi cảm giác của hơi may chuyển mùa chưa đủ làm se lạnh tấm thân phong trần của người trai trẻ ở độ tuổi hai mươi nhưng vừa đủ gợi cảm hứng thơ ca.

Đa số người xa Thủ đô thì nhớ mùa thu Hà Nội. Tôi đã có dịp sang Liên Xô (trước đây) học tập và công tác dài hạn. Đúng vào độ mùa thu vàng nước Nga (nhằm vào cữ tháng 8, tháng 9 dương lịch) rực rỡ và mê dụ hơn nhiều vẻ đẹp của nó được tái hiện tài tình trong kiệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Nga thế kỷ XIX – Levintan, nhưng trong lòng vẫn cứ thổn thức nhớ mùa thu Hà Nội - với dáng vẻ êm đềm, trầm mặc, phiêu bồng. Rồi bỗng dưng đọc thầm “Đây mùa thu tới”. Những câu thơ hay cứ ngân nga, ngây ngất mãi trong tâm cảm: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/ Đây mùa thu tới - mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng…”.

Những người bình thơ có kinh nghiệm thường hay săn sóc câu thơ: “Đây mùa thu tới - mùa thu tới” để ca ngợi thi sĩ tài năng đã nhìn thấu những “bước đi” của tự nhiên, của thời gian, của mùa thu đặc trưng, của cả lòng người. Những thi phẩm tuyệt vời như “Đây mùa thu tới” và “Thơ duyên” đã tạo cho lớp tuổi hoa niên tình yêu cuộc sống và tự nhiên quanh mình. Trong tâm thức của thế hệ chúng tôi cứ mỗi lần trước liễu (ở Hà Nội, hay bấy kỳ đâu) là nhớ tới “Đây mùa thu tới”. Không hề có hai chữ HÀ NỘI nhưng “Đây mùa thu tới” chắc chắn là thi phẩm nhà thơ viết tặng, tri ân nơi mình đã từng sống, dạy học, làm thơ, từng tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tháng Tám 1945.

Đến mùa thu mới Hà Nội

Trước khi trở thành nhà thơ, Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) là một nhạc sĩ tài năng với các nhạc phẩm nổi tiếng: “Diệt phát xít” (1945), “Người Hà Nội” (1947). Bài thơ “Đất nước” (1948 - 1955) của ông được viết trên nền cảm hứng tráng ca về đất nước thời đại cách mạng. Nó không hẳn là một bài thơ về thu Hà Nội, cái cốt lõi là cảm xúc về vùng đất linh thiêng, tụ hợp hào khí Đông A - Đại Việt. Mùa thu Hà Nội trong “Đất nước” có cái sắc vẻ bảng lảng, gần xa, vừa vô hình vừa hiện hữu: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may…”.

Bài thơ có tên “Đất nước” nhưng khởi phát từ tình cảm dạt dào, sâu lắng của nhà thơ với Hà Nội ngàn năm văn vật, địa linh nhân kiệt, tụ hội anh tài, phát tỏa giá trị văn hóa Việt. Có thể nói: Những người chỉ ngắm Hà Nội không thể viết hay về Hà Nội được. Phải sống, phải cảm xúc thiết tha, mãnh liệt (đến độ run bật cảm xúc như cách diễn đạt của nhà thơ Hữu Thỉnh), cơ hồ mới viết được một cái gì đó ra tấm ra món, thấm thía về Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Khổ thơ mở đầu “Đất nước” được viết xuất thần. Nó biểu đạt một năng lực trực giác mạnh mẽ của thi sĩ. Những “sáng chớm lạnh”, “hương cốm mới”, “xao xác hơi may”, “thềm nắng lá rơi đầy” gợi không khí xao xác, bảng lảng đầu thu. Nhưng là thu Hà Nội. Nó tựa nhụy hoa. Nó tựa mật ong. Nó tựa hơi thở nhẹ. Nó tựa làn gió thu run rẩy rung rinh lá...

Đọc thơ Nguyễn Đình Thi chúng ta như được sống thêm những cảm giác, cảm xúc ngoài mình nhờ chính thơ ca đem lại. Thơ Nguyễn Đình Thi vừa mạnh mẽ, khỏe khoắn trong cảm xúc vừa tinh tế, gợi nghĩ về cái đẹp, cái trác tuyệt. Những chàng trai Thủ đô ra đi vào mùa thu ngày nào bây giờ tắm mình trong “vòng tay” một mùa thu mới - mùa thu kháng chiến ở núi rừng Việt Bắc: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha”. Sự vô tư nói cười thiết tha ấy không bỗng dưng nở bừng trên đôi môi người trai trẻ dấn thân vào trường kỳ kháng chiến. Nó có cội rễ từ tình yêu đằm thắm nơi mình ra đi với tư thế/ tâm thế vừa dứt khoát vừa bịn rịn: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Có nhà văn đã ví Nguyễn Đình Thi như con chim phượng. Riêng tôi lại muốn thêm - nhà thơ giống như con chim phượng chao mình xuống hoa hướng dương luôn hướng về phía Mặt trời. Vinh dự thay, tên nhà thơ đã được dùng đặt cho một đường phố ven hồ Tây (Hà Nội), bốn mùa xanh ngát gương nước, quanh năm rì rào gió tươi, nơi luôn vang ngân ca từ “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây...” trong nhạc phẩm để đời “Người Hà Nội”.

Và, Hà Nội sang thu

Bài thơ “Sang thu” (in trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”, 1977) của Hữu Thỉnh được đưa vào SGK Ngữ văn 9 (tập 2). Trong một cuộc trò chuyện nghề nghiệp, tác giả “Sang thu” đã chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài thơ: “Khi giảng văn cho học sinh, tôi nghĩ, thầy/cô giáo cần chú ý đề cập đến hoàn cảnh (không gian - thời gian) ra đời bài thơ. Tôi còn nhớ, đó là một buổi chiều cuối hè đầu thu, năm 1977, ở một làng quê ven đô Khương Hạ (bây giờ thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Lúc đó, tôi đang dự lớp viết văn do quân đội tổ chức. Tôi trọ trong một nhà dân có khu vườn rất rộng, trồng toàn ổi. Tôi trèo lên một cây ổi to (gọi vui là cây ổi “đứng tuổi”).

Những câu thơ như thể được làm sẵn trong đầu cứ thế tự nhiên trào lên, vọt ra cả khi tôi chưa kịp tiếp đất. Ngồi trên thân một cây ổi to giữa một vườn ổi xum xuê, ngạt ngào hương thơm quyến rũ, tôi chợt nghĩ: Thiên nhiên thì đã vượt thoát lên trên chúng ta rất hào phóng, còn con người vì sao loay hoay lo toan sống? Ngẫm lại, chiến tranh đã kết thúc, hòa bình đang hiện diện. Lẽ nào đời sống lại không cần thiết sang trang. Nhưng đời sống luôn là một dòng chảy liên tục, có trước có sau. Bài thơ “Sang thu” tôi viết trong tâm cảm ấy”.

“Sang thu” là bài thơ hay của Hữu Thỉnh, cái hay của sự ngắn gọn, cô đúc, ý tại ngôn ngoại: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/(…) Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”. Nói “Sang thu” là một thi phẩm chinh phục được độc giả gần nửa thế kỷ qua là căn cứ trên những nền tảng chính cấu tạo nên một tác phẩm thơ thành công: Cấu tứ, hình ảnh, nhịp điệu, ngôn từ, dư ba. Cả năm tiêu chí căn bản ấy Sang thu đã đạt tới tầm mức hoàn chỉnh.

Nếu trong âm nhạc giai điệu (melody) là quan trọng thì trong thơ ca nhịp điệu (rythme) là căn cốt. Nhịp điệu của “Sang thu” phản ánh cái nhịp điệu của đời sống, nhất là nhịp điệu tâm hồn con người trong một thời khắc (moment) điển hình: Từ chiến tranh sang hòa bình, cái “chùng chình” của tâm cảm là tất nhiên nhưng lời thơ vẫn nhắc nhở “sấm cũng bớt bất ngờ” (dẫu sao vẫn còn “sấm”). Có thể nói, “Sang thu” đích thực là bài thơ hay viết tại Hà Nội, về mùa thu Hà Nội của Hữu Thỉnh.

“Nhớ mùa thu Hà Nội” - thơ trong nhạc

“Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ…”. Nếu tách lời (ca từ) bài hát thì “Nhớ mùa thu Hà Nội” (1985) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đủ tư cách đứng riêng thành một thi phẩm độc lập vào loại hay nhất về mùa thu Hà Nội. Nhạc phẩm nhờ ca từ - với tư cách là ngôn ngữ thơ ca, mà bay vút lên hòa vào vũ trụ, tạo tác một bức tranh Hà Nội đầy thần thái cổ tích, huyền thoại, linh thiêng, huyền ảo nhưng vẫn rất gần gũi, rất đời với con người trong một không gian văn hóa cổ truyền: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” (Ca dao). Mãi mãi ngân nga trong tâm trí mỗi chúng ta giai điệu ngọt ngào, mượt mà: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội...”, “Có phải em là mùa thu Hà Nội...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ