Sau bao năm đắp đê bao khép kín, năm nay các địa phương cho lũ tràn đồng nhằm tái tạo nguồn phù sa và thủy sản.
“Mở cửa” đón lũ
Trở về sau chuyến khai thác cá trong cánh đồng tràn đầy nước lũ, anh Nguyễn Văn Mách, ngụ xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) vui mừng cho biết nhờ nước lũ mà gia đình anh có thu nhập khá.
“Gần 10 năm qua nước lũ thấp, cộng với việc đê bao khép kín làm lúa vụ 3 nên đất đai bắt đầu bạc màu; nguồn lợi thủy sản gần như cạn kiệt. Làm cả vụ lúa 3 tháng nhưng giá vật tư nông nghiệp, nhân công, chi phí tăng cao nên nông dân không có lợi nhuận. Năm nay lũ về, địa phương chủ trương cho xả nước tràn đồng bà con rất vui. Vì nước lũ vào đồng ruộng mang phù sa cải tạo đất cùng nguồn lợi thủy sản được sinh sôi. Tôi giăng lưới mỗi ngày bán được hơn 200 nghìn đồng, gia đình sống khỏe”, anh Mách chia sẻ.
Dọc theo tuyến đầu nguồn tiếp giáp biên giới Campuchia, con nước lũ tuy chưa cao nhưng cũng đã tràn đồng tại nhiều nơi. Chủ trương mở nắp cống, mở đê bao để nước lũ tràn đồng được người dân đón nhận.
Tại khu đê bao ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), 5 năm qua không được đón phù sa thì nay nước lũ đã bắt đầu tràn đồng. Lần đầu tiên sau 5 năm, địa phương không sản xuất lúa vụ 3 mà quyết định xả lũ toàn đồng với diện tích hơn 11 nghìn ha để đón phù sa vào đất, cải tạo đất cho vụ sau. Toàn tỉnh Đồng Tháp cũng mở cửa xả lũ hơn 88 nghìn ha.
Tại các tỉnh đầu nguồn An Giang, nhiều cánh đồng đã ngập trong nước, báo hiệu một mùa lũ trù phú cho người dân vùng đầu nguồn. Cuối tháng 8, tỉnh đã cho xả đập Tha La và Trà Sư nhằm đưa phù sa vào vùng Tứ Giác Long Xuyên và bảo vệ an toàn cho gần 500 nghìn ha lúa Hè Thu ở An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ. Việc xả lũ vào ruộng còn giúp cho người dân đánh bắt các loại thủy sản mùa nước, có thêm thu nhập trong những tháng nông nhàn.
Nhờ nước lũ, nhiều hộ ở vùng lũ có thu nhập khá nhờ khai thác thủy sản. |
Sau chuyến đặt lọp cua trở về, anh Ngô Hải Sơn, ngụ xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) khoe thành quả gần 10kg cua đồng với giá bán 25 - 30 nghìn đồng/kg. Anh Sơn cho biết nhờ con nước mà anh và người dân có thêm thu nhập, vui nhất là nguồn lợi thủy sản, tôm cá được sinh sôi.
“Năm nay, khu sản xuất lúa 3.200 ha ở 3 xã cù lao Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận mở nắp cống đón nước vào đồng. Lũ về cũng là lúc đất được nghỉ ngơi, lớp phù sa giúp đất thêm màu mỡ, hạn chế dịch bệnh cho mùa vụ tiếp theo. Việc xả lũ vào ruộng còn giúp cho người dân đánh bắt các loại thủy sản, có thêm thu nhập trong những tháng nông nhàn”.
Chia sẻ về việc xả lũ vào đồng ruộng, ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Phú Lộc (huyện Phú Tân, An Giang), cho biết: Hợp tác xã có hơn 300 hộ tham gia sản xuất liên kết với doanh nghiệp. Bà con trồng lúa và nếp chất lượng cao.
Để tận dụng lợi thế từ nguồn nước lũ, hợp tác xã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, mở đồng cho nước lũ tràn, nhằm vệ sinh đồng ruộng, bồi tụ phù sa. Năm 2020, xả lũ lần đầu tiên, năm 2021 bà con nông dân trong vùng làm lúa rất tốt, năng suất cao hơn 20% so với sản xuất liên tục. Từ hiệu quả mang lại, việc xả lũ nhận được sự đồng tình của nông dân.
Bà con đang phân loại, làm sạch chiến lợi phẩm. |
Tái tạo nguồn cá tôm
Theo nhiều người dân vùng lũ, việc sản xuất, khai thác theo hướng “thuận thiên” giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và có thể thấy lại hình ảnh một vùng đồng bằng châu thổ trù phú cá tôm như xưa.
Trong đó, quan trọng nhất là tận dụng lợi thế của nước lũ để cải tạo đất, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Nếu trước đây, nước lũ được xem là gây hại, phải lo đối phó thì nay được xem là nguồn tài nguyên mà hàng năm thiên nhiên đã ban tặng cho vùng châu thổ sông Cửu Long.
Mùa nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được dự báo là “mùa lũ đẹp”, mang theo phù sa, thau rửa đồng ruộng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Theo dự báo, nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10 và ở mức cao hơn năm 2021. Riêng tại Đồng Tháp, mực nước dự báo cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng từ 0,1 - 0,4m.
Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nếu đúng như nhận định thì năm nay lũ lớn hơn so với năm ngoái và người dân có thể tận dụng để phát huy giá trị vốn có của lũ.
Nhiều địa phương tận dụng lợi thế của nước lũ để cải tạo đất, phục hồi nguồn lợi thủy sản. |
Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng các mô hình sinh kế trong mùa lũ như làm lúa kết hợp nuôi cá… nên chính cơn lũ này là điều kiện để tăng lên hiệu quả của các mô hình này. Đặc biệt, các huyện ở đầu nguồn như huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự cũng đang ứng dụng các mô hình này rất hiệu quả.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Nước lũ về Đồng bằng sông Cửu Long thường chịu tác động bởi thượng nguồn sông Mekong; đồng thời ảnh hưởng tình hình mưa bão...
Nếu gặp mưa bão liên tục thì mực nước lên nhanh, do đó, các tỉnh cần theo dõi chặt diễn biến thời tiết để ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp. Về cơ bản, những vùng có đê bao chắc chắn, đất tốt… nên làm lúa trong điều kiện được giá.
Còn những nơi đê bao không an toàn, đất bạc màu… thì tính toán xả lũ lấy phù sa và áp dụng nuôi thủy sản hoặc trồng cây con khác sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề là không cứng nhắc, mà phải linh động ứng phó theo diễn biến của lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại và khai thác triệt để lợi thế mùa lũ…