Mưa lũ ập về, trường học miền núi Quảng Trị khẩn trương cảnh báo, ứng phó

GD&TĐ - Nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, các trường học vùng núi yêu cầu thầy, cô không nên qua lại các cầu tràn, ngầm tràn nguy hiểm.

Đường giao thông dẫn vào các điểm trường bị chia cắt.
Đường giao thông dẫn vào các điểm trường bị chia cắt.

Ngày 25/9, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nhiều khu vực tỉnh Quảng Trị đã có mưa vừa đến mưa to; vùng núi có lượng mưa phổ biến 10-30 mm, vùng đồng bằng và trung du lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm.

Mưa lớn gây chia cắt một số ngầm, tràn khu vực miền núi, khiến giao thông bị chia cắt cục bộ. Lo ngại mất an toàn, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, các trường học ở miền núi tỉnh Quảng Trị đã chủ động phương án ứng phó.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa) cho biết, trong trường hợp mưa lớn, gây chia cắt giao thông, nhà trường vận động giáo viên ở lại các điểm trường, chuẩn bị thực phẩm và các vật dụng liên quan để sinh hoạt cùng học trò và người dân.

Nước chảy qua cầu tràn tại thôn Húc Ván, xã Húc.

Nước chảy qua cầu tràn tại thôn Húc Ván, xã Húc.

Trường Tiểu học Húc có nhiều điểm xa trung tâm: Ho Le, Tà Cu, Cu Dong, Tà Rùng… Một số điểm trường do thiếu nước, điện chiếu sáng nên thầy cô gặp nhiều khó khăn.

“Mới đây, nhà trường phối hợp Công đoàn mua sắm cho các thầy cô giáo ở điểm trường xa trung tâm một số vật dụng sinh hoạt để đảm bảo đời sống, giúp giáo viên yên tâm bám lớp, bám trường”, thầy Anh cho hay.

Cũng theo thầy Đoàn Văn Anh, đối với điểm trường Cu Dông, nơi đây có 2 phòng học nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Nhà trường yêu cầu các giáo viên nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi để chủ động các phương án.

Hiện chính quyền đã xây dựng khu vực tái định cư, dự kiến sẽ di chuyển trong tình huống nguy hiểm.

Chính quyền đặt cảnh báo nguy hiểm, ngăn người qua lại.

Chính quyền đặt cảnh báo nguy hiểm, ngăn người qua lại.

Theo ghi nhận, trưa 25/9, nước từ thượng nguồn tràn qua các ngầm tràn tại thôn Húc Ván, xã Húc, gây chia cắt giao thông. Lực lượng chức năng phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn người và phương tiện qua lại.

Địa bàn xã Hướng Sơn có nhiều suối chảy qua các cầu tràn, thường xảy ra chia cắt vào mùa mưa.

Thầy giáo Nguyễn Đình Sâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Sơn (xã Hướng Sơn) cho biết, trước mỗi mùa mưa bão, nhà trường đã tuyên truyền và quán triệt đến toàn thể giáo viên của trường.

Đồng thời, thành lập Ban phòng chống thiên tai, giữ liên lạc với các điểm trường để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Cầu tràn bị ngập, gây chia cắt ở xã Hướng Sơn.

Cầu tràn bị ngập, gây chia cắt ở xã Hướng Sơn.

“Nhà trường đã tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể giáo viên, nếu xảy ra mưa to, nước suối chảy xiết thì tuyệt đối không nên qua lại các cầu tràn, ngầm tràn nguy hiểm. Do địa bàn xã Hướng Sơn trải rộng qua nhiều suối, đường giao thông đi lại khó khăn nên tuyệt đối không mạo hiểm qua lại các khu vực có nguy cơ cao. Chỉ khi an toàn mới đi lại và có thể linh hoạt dạy bù vào các buổi sau”, thầy Sâm cho hay.

Theo thầy Sâm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Sơn có 4 điểm trường. Trong đó, 3 điểm trường rất khó khăn, gồm: điểm trường thôn Mới, điểm trường Cát và điểm trường thôn Trỉa.

Điểm trường thôn Mới cách trung tâm 7km, nhưng qua 3 con suối, đập tràn. Điểm trường thôn Trỉa, Cát cách điểm trường chính khoảng 15km. Để đến các điểm trường, các thầy cô giáo phải vượt qua nhiều suối, ngầm nguy hiểm do giao thông bị chia cắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.