Ký ức mùa hè cũ…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bạn nhỏ đã không thể vui chơi, nghỉ mát, học và thực hành các môn năng khiếu... như những mùa hè trước. Riêng Thụy Phương đã chọn viết lại những điều mình thấy, viết theo trí tưởng tượng để tự tạo cho mình những ngày hè bổ ích và ý nghĩa.
Trong tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, Đoàn Lữ Thụy Phương (bé Kẹo) đã xuất hiện trên sóng của chương trình Văn nghệ Thiếu nhi, kênh VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam hai lần với các tác phẩm truyện dành cho thiếu nhi: “Bức thư từ đôi dép cũ”, “Tôi nghe hạt mầm nói” và “Bàn tay bạn xòe ra tia nắng”.
Khi Biên tập viên chương trình phỏng vấn Thụy Phương về ý tưởng khi viết các tác phẩm, Thụy Phương cho biết: “Vào mùa hè này, khi không được cùng gia đình đi chơi, đi nghỉ mát... em đã nhớ lại ký ức đẹp đẽ của những ngày tháng được đến lớp, những cuộc dã ngoại với gia đình, bạn bè và ngôn ngữ, âm thanh cuộc sống nên quyết định ghi chép lại các câu chuyện ấy bằng sự quan sát, trí tưởng tượng và cảm xúc của mình”.
Ví dụ, ở tác phẩm “Tôi nghe hạt mầm nói”, cô học sinh lớp 3 đã bắt đầu bằng câu chuyện giả tưởng rằng những hạt mầm biết trò chuyện với con người, chia sẻ cùng người bạn nhỏ về lý do mình chưa thể nảy mầm: “Lý do tớ chưa nảy mầm được vì đã có ai đó đào tớ lên, tưới nước đẫm lên bộ chăn gối đất nâu xốp mềm của tớ. Quanh tớ ẩm ướt quá, tớ không thể mở mắt, rất khó cất lời, nên đương nhiên cũng không nảy mầm được. Tớ cũng rất mong muốn được nảy mầm chứ. Bạn có thể mang tớ cùng bộ chăn gối đất nâu đặt vào chiếc chậu nhỏ rồi để ở phòng bạn cũng được. Gần bạn, tớ cảm thấy vui hơn nhiều”.
Qua các tác phẩm, Thụy Phương đã thể hiện được tình cảm gắn bó, yêu thương của mình với cuộc sống. Em nhớ từng bài tập của cô giáo giao về nhà như bài tập gieo hạt, trồng cây của môn Tự nhiên và Xã hội để đưa vào tác phẩm “Tôi nghe hạt mầm nói”. Từng loài cây tình cờ gặp trong những chuyến đi xa, những đôi dép cũ mà bố mẹ bỏ đi... cũng tạo cho cô bé tình cảm nhớ thương, lưu luyến. Các nhân vật đặc biệt này xuất hiện đầy sinh động, ngộ nghĩnh trong tác phẩm “Bàn tay bạn xòe ra tia nắng” và “Bức thư từ đôi dép cũ”.
Học để thiện lương và có ích
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ngày thơ Việt Nam diễn ra dịp Rằm tháng Giêng năm 2021 không được tổ chức, thay vào đó, chỉ có các hoạt động giao lưu trực tuyến của các nhà thơ với bạn yêu thơ. Trong chương trình Livestream nhân Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Báo Nhân Dân, Thụy Phương là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia chương trình. Ở lần giao lưu này, em đã đọc những bài thơ do mình sáng tác là bài “Nắng” và “Về quê ngoại”.
Vốn đam mê sáng tác văn học, đến nay, Thụy Phương có một bản thảo văn xuôi gồm nhiều chương với dung lượng khoảng hơn 12.000 chữ được viết trong chính giai đoạn toàn xã hội đang tập trung phòng, chống dịch bệnh; trẻ em bị gián đoạn việc học tập ở trường lớp và vui chơi bên ngoài. Không chỉ đam mê sáng tác, Thụy Phương còn thích đọc sách, đặc biệt là sách văn học thiếu nhi. Em tự tin gửi video dự thi Giới thiệu sách trong chương trình Ngày Hội đọc sách của trường tổ chức và đoạt giải Ba.
Ngoài sáng tác văn học, mùa hè này cô bạn nhỏ còn tự học đàn qua Youtube, học vẽ. Năm trước, dịp chào mừng Kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Thụy Phương đã tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Em yêu Hà Nội” được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Ba Đình tổ chức và đoạt giải Nhì.
Chia sẻ về lịch sinh hoạt, cá tính của cô bé lớp 3, nhà văn, nhà báo Lữ Mai – mẹ của Thụy Phương cho biết: “Từ nhỏ, con đã thường dậy sớm, trước cả bố mẹ, một thói quen và nếp sinh hoạt được uốn nắn khá nghiêm khắc. Con cũng thường tự xây dựng thời gian biểu cho mình, viết ra bảng và thực hiện theo. Thời gian biểu này không cố định mà sẽ thay đổi theo tuần để linh hoạt với tình hình thực tế. Trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi buổi sáng thức dậy, con sẽ tập thể dục, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa và tự học bài”.
"Gia đình không cho Thụy Phương học chữ trước khi vào lớp 1. Từ khi cô bé vào Tiểu học tới nay, gia đình cũng không có ai ngồi dạy kèm hoặc học bài cùng mà tự con sẽ học, có vấn đề gì không hiểu trẻ sẽ chủ động hỏi bố mẹ để được hướng dẫn. Gia đình cô bé thống nhất quan điểm, sau này con cái làm nghề gì cũng được miễn là thiện lương, hạnh phúc và có ích cho xã hội. Nghề nghiệp con cái lựa chọn có thể không liên quan tới nghệ thuật nhưng nếu có năng khiếu, biết cảm thụ vẻ đẹp cuộc sống thì đời sống nội tâm của con người sẽ trở nên phong phú hơn" - chị Lữ Mai chia sẻ.