Một vết thương mãi mãi không lành

GD&TĐ - Phạt học sinh suy cho cùng là để học sinh nhận thức sai lầm và chấp nhận kỷ luật để sửa đổi. Phạt học sinh chưa và không bao giờ là để thỏa mãn lòng tự ái, sự tự tôn của thầy cô và cả một ít khoái trá nữa khi thấy học sinh sợ hãi, lo lắng. Hình phạt bao giờ cũng cần có sự yêu thương, khoan dung, mở đường cho học sinh tiến bộ.

Hình ảnh thân thiện của cô trò Trường THCS Phan Đình Phùng - Ninh Thuận
Hình ảnh thân thiện của cô trò Trường THCS Phan Đình Phùng - Ninh Thuận

1.

Hơn 40 năm trước, tôi học lớp 7. Giảng văn - bây giờ gọi là Ngữ văn, là môn tôi yêu thích nhất. Thầy dạy tôi tên NTL, quê Sài Gòn, xuống nhận nhiệm sở là trường trung học ở tỉnh tôi. Thầy có kiến thức phong phú, phương pháp dạy dễ hiểu. Nhưng tính thầy rất nóng. Giờ giảng bài của thầy, bạn nào lơ là là bị phạt ngay.

Giờ học hôm đó, tôi trong một thoáng mất tập trung, quay sang nói chuyện với một người bạn. Thầy L nhăn mặt không hài lòng. Thầy gọi tôi và người bạn đứng lên. Trước lớp, thầy nhắc lại điều cấm của thầy là không được nói chuyện riêng trong giờ học cũng như phải soạn bài trước. Sau đó thầy gọi hai chúng tôi lên bục giảng. Thầy L nghiêm giọng ra lệnh cho cả hai quỳ xuống.

Tôi vừa sợ vừa thấy xấu hổ với cả lớp. Tôi sợ vì nếu ba tôi - một thầy giáo ở địa phương, nếu được giám thị thông báo về điều này thì có mà chết đòn với ông. Xấu hổ vì trước nay tôi là một học sinh học rất khá môn Giảng văn, được thầy khen nhiều, nay lại bị phạt nặng nề như thế. Vừa quỳ xuống, thầy L yêu cầu chúng tôi phải khoanh tay trước ngực.

Tôi thực hiện đúng yêu cầu của thầy. Bạn tôi, không hiểu thế nào vẫn chưa quỳ xuống, lại quay mặt nhìn thầy như bất mãn vì hình phạt quỳ trước lớp. Bất ngờ thầy L tung một cú đá vào giữa lưng tôi. Thầy, ngày thường luôn sử dụng một đôi giày da mũi vuông gồ lên rất ngầu, nên hứng trọn cú đá tôi thấy như mất thở. Chưa hết cơn giận, thầy cảnh cáo lớp đừng nên vi phạm những điều thầy cấm, nếu không thầy sẽ phạt nặng hơn. Không hiểu sao bạn tôi không chịu quỳ lại lùi vào tường nhìn thẳng vào thầy, nhưng thầy không có hành động gì với bạn. Quỳ cho đến hết giờ, chúng tôi mới được về chỗ.

Tôi không giận gì thầy L.

Rất nhiều bậc cha mẹ do ảnh hưởng sự giáo dục từ xưa cho rằng, để đào tạo trò giỏi, người thầy chỉ cần đạt tiêu chuẩn “thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”. Việc phạt quỳ là không có gì nặng nề. Thầy L lại đủ chuẩn nên tôi cam lòng chịu đựng. Nhưng trong lòng tôi mãi băn khoăn về hành động của thầy. Tôi thấy tổn thương rất nhiều. Một học sinh lớp 7 cũng biết, bị phạt quỳ trước lớp là mất danh dự, bị thầy đá vào lưng như kẻ thù thì buồn trong lòng và đau đớn thể xác biết chừng nào. Tôi tự đặt câu hỏi rằng, tuy học sinh có sai nhưng lẽ nào thầy lại đối xử tàn bạo đến vậy. Lẽ nào chỉ có người lớn mới biết đến danh dự, nhân phẩm con người. Và tại sao chỉ có tôi mới bị thầy phạt quỳ, bị đá vào lưng như thế, còn bạn tôi không chấp nhận hình phạt của thầy thì thầy lại buông xuôi. Vậy học sinh nào cam chịu hình phạt, thầy tiến tới; học sinh nào phản ứng, thầy dừng lại?

Trong một lần tâm tình, tôi hỏi bạn vì sao không thực hiện yêu cầu của thầy, bạn nói: quỳ là nhục lắm. Phạt gì cũng có thể chấp nhận nhưng phạt quỳ thì không được. Bạn cũng nói thêm, nếu hôm đó thầy mà đá bạn, bạn sẽ chống cự lại ngay. Tôi nghe mà hết cả hồn. Về nhà nghĩ lại thấy bạn có lý ở phần đầu; phần chống cự thì thật lòng tôi không dám.

2.

Lớn lên, tôi lại nối nghiệp thầy, cũng dạy đúng bộ môn mà thầy từng dạy tôi. Có điều việc bị thầy phạt quỳ, bị đá vào lưng, như một vết thương mãi không lành trong cuộc đời.

Soi rọi lại quãng đời làm thầy, tôi chưa hề lặp lại hành động của thầy. Cho dù học sinh có sai đến đâu chăng nữa, tôi không bao giờ phạt học sinh quỳ. Chưa nói đến luật pháp, chỉ riêng hành động bắt một học sinh phải quỳ xuống cho dù trước thầy, trước lớp, là sự chà đạp lên lòng tự trọng của một con người. Không thể ngụy biện cho rằng học sinh làm sai thì phải bị phạt. Và quỳ như thế thì đã chết ai!

Tôi đã từng buồn khổ khi nhớ lại hình phạt của thầy. Tôi mong sao học sinh của tôi đừng bao giờ rơi vào trường hợp bị phạt quỳ như tôi. Thầy cô nào học qua tâm lý học, giáo dục học… cũng đều biết không có tài liệu nào khuyến khích áp dụng hình thức phạt học sinh quỳ trong lớp, hay công nhận đó là hình thức phạt hữu hiệu trong dạy dỗ học sinh. Nhưng vì sao khi đối mặt trước những sai phạm của các em, thầy cô lại áp dụng biện pháp này. Có lẽ thầy cô ngộ nhận rằng phạt quỳ không làm tổn thương thân thể các em như đòn roi chăng?

Đây đó đồng nghiệp của tôi vẫn còn vướng vào sai phạm trong nghề dạy học, đó là dạy các em tự trọng nhưng chính thầy cô đã chà đạp lên nhân phẩm các em. Thầy cô dạy các em phải biết dũng cảm nhận lỗi rồi lại khiến các em yếu hèn trước bạo lực của thầy cô.

Phạt học sinh suy cho cùng là để học sinh nhận thức sai lầm và chấp nhận kỷ luật để sửa đổi. Phạt học sinh chưa và không bao giờ là để thỏa mãn lòng tự ái, sự tự tôn của thầy cô và cả một ít khoái trá nữa khi thấy học sinh sợ hãi, lo lắng. Hình phạt bao giờ cũng cần có sự yêu thương, khoan dung, mở đường cho học sinh tiến bộ.

Thầy cô cần phải bình tĩnh trước sự gởi gắm của phụ huynh, ví như “thầy cô cứ phạt quỳ, cứ đánh cháu đi” (lời phụ huynh) để rồi khi xảy ra cớ sự thì “trăm dâu đổ đầu tằm”, hậu quả thầy cô phải gánh chịu. Nếu nhận được đề nghị như thế từ phụ huynh, thầy cô lựa lời mà từ chối để phụ huynh không còn giao hết trách nhiệm dạy dỗ con em họ cho nhà trường mà cần hợp tác thiết thực hơn.

Một đồng nghiệp của tôi mỗi khi được phụ huynh nhờ đánh, phạt con đã trả lời rất vui là: phụ huynh hãy gởi một ống hút bằng nhựa và một tấm nệm thật êm, đồng nghiệp sẽ đánh bằng… ống hút và phạt học sinh quỳ… trên nệm. Đồng nghiệp nói thêm: Có thế mới an toàn cho bản thân.

Phụ huynh, khi có được thông tin về cách ứng xử của thầy cô trong giáo dục các em, nếu chưa hài lòng, nên chăng trao đổi trực tiếp với nhà trường để thống nhất về phương pháp, mục đích, thời gian… cho từng trường hợp. Có lẽ kết quả sẽ tốt hơn là đưa thông tin lên mạng xã hội ngay khi phát hiện sai sót. Vì như thế, thầy cô có sai cũng có điều kiện để tiếp thu, sửa chữa. Mong sao có sự thông cảm, hợp tác giữa phụ huynh và thầy cô như vậy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.