Được đánh giá là “tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia”, tiểu thuyết “Chiến binh cầu vồng” thực sự là bức tranh lớn về sự đấu tranh cho nền giáo dục của người nghèo trên toàn thế giới.
Âu lo, xúc động
48 chương cũng là 48 câu chuyện cần để kể, nhiêu đó cũng đủ để tạo nên một “Chiến binh cầu vồng” dày dặn và đặc biệt nổi tiếng khi phản ánh sâu sắc thực tế đời sống xã hội mà vẫn tràn ngập tình yêu thương.
Câu chuyện trong tác phẩm lấy bối cảnh chính ở hòn đảo Belitong, nơi được miêu tả là “hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia, thậm chí là có thể nhất thế giới nữa kia” nhưng “sự giàu có khiến nó trở nên biệt lập”.
Tại chính hòn đảo này, tưởng chừng người dân nơi đây ai cũng sẽ có của ăn của để. Nhưng không, chính sự giàu có về tài nguyên của Belitong đã khiến cho sự chênh lệch giàu nghèo lớn đến mức không thể tin nổi.
Một bên là những nhân viên của PN - công ty khai thác thiếc ở Belitong được “Chính quyền Indonesia tiếp quản từ thực dân Hà Lan, không chỉ về của cải mà cả tâm thức phong kiến”. Một bên là những người dân bản xứ đi làm thuê cho PN ngày ngày vẫn chả đủ ăn.
Tiểu thuyết 'Chiến binh cầu vồng' phản ánh thực tế đời sống xã hội mà vẫn tràn ngập yêu thương. Ảnh: Anh Sơn |
Trong khi nhân viên PN được sống trong khu điền trang lộng lẫy như một toà lâu đài, nội bất xuất ngoại bất nhập, con cái được ăn học đầy đủ ở những cơ sở vật chất tốt nhất thì người dân bản xứ phải sống trong các khu nhà xập xệ, nai lưng làm thuê và con cái họ thậm chí còn chả được đến trường.
Chính cái vòng lẩn quẩn ấy đã tạo nên một xã hội phân biệt giàu nghèo ở Belitong khi người giàu thì vẫn giàu còn người nghèo không được học hành để vươn lên nên suốt bao thế hệ vẫn cam chịu cảnh ngộ làm thuê.
Có lẽ đối với những người bản địa, cuộc sống giờ đây chỉ còn gam màu đen đậm đặc bởi lẽ họ không có bất kì cơ hội nào để thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã.
Điểm trường Tiểu học Muhammadiyah là “ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong” với vẻ bề ngoài là một nhà kho cũ kĩ chỉ chực chờ đổ sập xuống đầu học sinh lại chính là điểm sáng hiếm hoi giữa cuộc đời tăm tối của những người làm thuê.
Con của họ sẽ được học tập miễn phí tại đây với sự dìu dắt nhiệt huyết của thầy Hiệu trưởng K.A.Harfan Effendy Noor và cô Muslimah Hafsari. Tuy nhiên, việc đến trường cũng không phải đơn giản như bao người nghĩ khi suýt nữa buổi khai giảng - buổi học đầu tiên của nhân vật chính lại chính là ngày buồn nhất khi trường phải đóng cửa vì không đủ 10 học sinh tựu trường.
Hay như câu chuyện của cậu bé Lintang thần đồng hằng ngày đạp xe 4, 5 chục cây số qua đầm lầy đầy cá sấu để tới trường đã gây nên nỗi âu lo, xúc động cho độc giả.
Đối đầu với nghịch cảnh
Tuy vậy, ở ngôi trường Muhammadiyah không phải lúc nào người ta cũng thấy sự khổ cực, khó khăn. Những đứa trẻ ở đây - xuất thân nghèo khó, thân nhau từ bé, luôn tạo ra cho chính mình niềm vui nho nhỏ qua trò chơi dưới mưa hay trò chuyện dưới tán cây.
Ngoài ra, cũng chính sự nhiệt huyết với nghề cùng năng lương tích cực mà thầy Harfan và cô Mus truyền đến, bọn trẻ đã dần dần hứng thú với việc học hành, tìm được niềm hạnh phúc khi lên lớp.
Chính tại ngôi trường cũ kĩ này, ước mơ và tài năng của những đứa trẻ được bộc lộ. Nếu như nhân vật chính, cậu bé Ikal sớm thể hiện năng khiếu chơi cầu lông, muốn thành một vận động viên chuyện nghiệp hoặc một người viết sách về môn thể thao này thì Lintang nghèo khó nhưng chăm chỉ và sáng dạ lại có ước mơ trở thành nhà toán học.
Lớp trưởng Kucai là người duy nhất thực hiện được mơ ước của mình - thành một chính trị gia cho dù thuở bé cậu là một trong những người học kém nhất. Trong khi đó cậu bé thiểu năng Harun - người hùng cứu ngôi trường Muhammadiyah không những một mà còn tận 2 lần thoát khỏi cảnh đóng cửa lại đơn giản muốn trở thành một người đẹp cả người lẫn nết như Trapani.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến hai giải thưởng đã làm rạng danh những con người nghèo khổ ở Belitong do thần đồng Lintang và Mahar mang lại. Nếu như Lintang như đã nói ở trên là “trùm” môn Toán và môn Tự nhiên với lượng kiến thức đồ sộ thì Mahar lại mê hoặc người đọc với tài năng thiên bẩm về nghệ thuật của mình.
Cái tên “chiến binh Cầu vồng - Laska Pelangi” của cả nhóm trẻ là của cô giáo trẻ Mus đặt cho dựa theo sở thích leo lên cây filicium sau cơn mưa để ngắm cầu vồng.
Với từng đứa nhóc trong nhóm, cầu vồng lại có ý nghĩa cho riêng mình và chúng thường kể “một câu chuyện khác nhau để bảo vệ cho ý kiến của mình”. Cũng chính vì để xứng đáng với cái tên thiêng liêng này, từng thành viên, tuy cũng có những lúc mắc sai lầm bồng bột vẫn luôn cố gắng đứng dậy cùng nhau, vượt qua bão giông.
Đó chính là lúc công ty PN phát hiện trữ lượng lớn thiếc dưới nền trường Muhammadiyah và bắt đầu điều máy xúc đến để khai thác. Khó khăn càng chồng chất khó khăn khi hàng loạt học sinh bỏ học để làm thêm kiếm chút tiền giúp cha mẹ mưu sinh, kể cả lớp trưởng Kucai.
Giữa hình ảnh “Lớp học chúng tôi thế là trống mất một phía. Những cây cột từng chống đỡ mảng tường ván ấy giờ bị dân sống gần đó lấy làm chỗ cột trâu bò” hay “các tấm lợp mái đã rơi xuống và giờ ngôi trường trông như chẳng có mái” mà cậu bé thần đồng Lintang vẫn thay cô giáo lên lớp cho các bạn học sinh còn lại, thực sự gieo vào lòng độc giả nỗi xót xa.
Hay như lúc cô giáo trẻ Mus chạy ngược xuôi khắp những con phố, đồn điền, nơi làm thuê để mang từng học trò về. Cứ thế, những cô, cậu bé trở thành chiến binh thực sự, đối đầu với số phận, với nghịch cảnh.
Có lẽ, cao trào của cảm xúc hụt hẫng chính là lúc người thầy, người cha vĩ đại Harfan của ngôi trường tiểu học Muhammadiyah suốt năm mươi mốt năm ròng, ra đi một cách lặng lẽ, bình dị trong văn phòng. Thầy đã cố gắng luyện thi cho đám học trò nhỏ bất chấp căn bệnh suyễn hành hạ.
Thầy Harfan ra đi không lâu sau chức vô địch Học sinh giỏi đầu tiên của trường và đọc đến đây có lẽ tất cả đều tin rằng thầy đã ra đi một cách thanh thản, trong niềm vui được góp sức vào sự nghiệp trồng người. Sự ra đi của thầy Harfan chính là mất mát to lớn không chỉ với nhóm học trò nhỏ mà còn với cả ngôi trường Muhammadiyah.
Tác giả Andrea Hirata đã mang đến một chi tiết đáng chú ý khi “Chính thầy đã đốn cây trong rừng mang về xây nên ngôi trường Muhammadiyah này. Thầy đã mang súc gỗ đầu tiên - và nặng nhất - trên chính đôi vai của mình, và đó là cây cột chính hiện vẫn còn trong lớp học chúng tôi”.
Có lẽ, trong suốt cuộc đời làm giáo dục, thầy Harfan đã dành hết tình cảm, linh hồn mình để chèo chống, dựng lên ngôi trường Muhammadiyah vững bền qua bão tố cuộc đời ở nơi mà giáo dục không được nhà cầm quyền coi trọng bằng việc kiếm tiền.
Có lẽ, ở đâu đấy trên bầu trời xanh, thầy Harfan cũng có thể cười mãn nguyện khi chứng kiến cô trò tiếp tục dạy học, lên lớp và có một chiến thắng oanh liệt hơn cả hai chiếc cúp vô địch trong tủ kính - chiến thắng gã khổng lồ, công ty thiếc PN.
Tiểu thuyết 'Chiến binh cầu vồng' được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên được yêu thích. Ảnh: ITN |
Hãy không ngừng quyết tâm
Hành trình đấu tranh cho quyền được học của cô Mus và đội chiến binh Cầu vồng thật chông gai nhưng cũng truyền cảm hứng khi chỉ ra rằng bạn có thể vượt qua mọi đối thủ, cho dù có quyền lực đến mức nào nếu như bạn không ngừng quyết tâm.
Chính từ những trang sách này, độc giả có thể thấy được những vùng tối của nền giáo dục và cả đạo đức: “Chẳng có luật nào phạt PN nếu giật đổ trường và cướp đi quyền học hành của bọn trẻ chúng tôi, và chẳng có luật pháp nào bảo vệ chúng tôi”; hay “sau khi nghe tin trường tôi sẽ không bị mấy cái máy xúc giật đổ nữa, đám chính trị gia, dân biểu - những người đã từng đến thăm trường chúng tôi - đột nhiên biến mất tăm. Họ bị mù trở lại. Người ta quay về với sự vô tâm”.
Tuy vậy, có một thứ mà đội chiến binh Cầu vồng cùng cô Mus không thể vượt qua. Nghiệt ngã thay đó chính là sức mạnh của đồng tiền. Càng nghiệt ngã hơn nữa khi một thần đồng như Lintang lại là người đầu tiên thực sự phải nghỉ học khi bố mất.
Cậu phải kiếm tiền nuôi gia đình và trở thành tài xế lái xe tải chở vật liêu xây dựng. Thật tiếc nuối khi một cậu bé thông tuệ và hiếu học lại phải từ bỏ giấc mơ đến trường để kiếm tiền sinh sống.
Qua tác phẩm này, tác giả đã rung lên hồi chuông báo động về hiện tượng chảy máu chất xám khi trẻ em không được chú trọng về giáo dục, “Câu chuyện của Lintang là một câu chuyện không hiếm gặp ở đất nước này, câu chuyện về những đứa trẻ thông minh xuất thân từ những gia đình nghèo khó không ai thèm để mắt đến”.
Có lẽ lời nói mà Lintang dùng để an ủi nhân vật chính: “Buồn làm gì Ikal. Ít nhất thì mình cũng đã giữ lời hứa với cha, là mình sẽ không làm nghề đánh cá” cũng là để an ủi chính mình khi không đủ may mắn để vượt qua số phận và đành bỏ phí một tài năng lớn lao.
Ngoài ra, trong “Chiến binh cầu vồng” còn có những câu chuyện ngoài lề khác không thể thiếu của lứa tuổi học trò với những mối tình trong sáng, cả những tình huống dở khóc dở cười. Đó là, khi sự ngưỡng mộ cậu bé Ikal với bộ móng tay của cô con gái chủ quán tạp hóa - A Ling trở thành tình yêu bồng bột thời niên thiếu khi một lần cậu vô tình được chạm mặt cô gái bí ẩn.
Hay như lần nhóm của Mahar và cô bạn mới Flo vượt ngàn trùng sóng dữ đến đảo của pháp sư Tuk Bayan Tula để cuối cùng chỉ nhận được thông điệp đơn giản nhưng thiết thực và ý nghĩa: “Nếu các người muốn thi đậu, hãy mở sách ra mà học đi”…
Những cảm xúc nguyện vẹn nhất, chân thực nhất đã được tác giả Andrea Hirata đem từ tuổi thơ của mình vào trong tiểu thuyết “Chiến binh cầu vồng”. Đây chính là một cuốn sách phản ánh được một cách trọn vẹn và toàn diện những mặt tối trong giáo dục không chỉ ở Indonesia mà còn trên toàn thế giới, qua đó nhấn mạnh quyền được đi học của trẻ em.