Sân khấu hóa văn học
Đặc thù của văn bản nghệ thuật là hình tượng được xây dựng từ chất liệu ngôn ngữ, do đó, người học có thể hình dung, tưởng tượng thậm chí sáng tạo hình tượng trên một chất liệu khác. GS Phan Trọng Luận cho rằng: “Nhà văn chỉ miêu tả bức tranh, còn người đọc phải nhìn thấy bức tranh từ trong hình dung, tưởng tượng”. Vì thế, người đọc có thể diễn tả bức tranh đời sống, hình tượng nghệ thuật qua trí tưởng tượng, liên tưởng của mình bằng các chất liệu nghệ thuật khác như: hội họa, âm nhạc, sân khấu.
Hình thức sân khấu hóa được GV lựa chọn nhiều nhất là dựng nên các đoạn kịch từ một số văn bản nghệ thuật giàu chất kịch, gần gũi với đời sống. Hình thức này vừa tạo được hứng thú cho HS vừa phù hợp với năng lực lứa tuổi người học.
Bước 1 - Chuẩn bị: GV trao đổi với HS để thống nhất đoạn/ tác phẩm (đối với văn bản tự sự) hoặc màn/ cảnh/ chương/ hồi (văn bản kịch) sẽ được thực hiện sân khấu hóa, sau đó GV sẽ chia lớp thành các nhóm và phân công nhiệm vụ cho từng nhóm. GV kiểm tra sự chuẩn bị và hướng dẫn luyện tập cho các nhóm.
Bước 2 - Tiến hành thực hiện: Các nhóm thực hiện trình diễn vở kịch đã được giao. Qua hoạt động diễn, HS có cơ hội tương tác lẫn nhau, tăng cường năng lực hợp tác, làm việc nhóm, sự sáng tạo và chủ động.
Bước 3 - Đánh giá, nhận xét: Sau khi các nhóm đã hoàn thành bài diễn, GV tiến hành tổ chức nhận xét, HS các nhóm có thể đưa ra câu hỏi, cùng nhau thảo luận để tìm thấy tiếng nói chung về giá trị của tác phẩm được sân khấu hóa.
Bước 4 - Áp dụng: Sau những hoạt động nhóm cùng nhau thực hiện nhiệm vụ học tập, HS sẽ thu nhận được những giá trị của văn bản nghệ thuật, hiểu hơn về đời sống, từ đó có thể hình thành những giá trị sống tốt đẹp như: nhân ái, bao dung...
Ảnh minh họa/ Internet |
Tham quan tìm hiểu
Hoạt động tham quan tìm hiểu thực tiễn là một hình thức được coi trọng và áp dụng rộng rãi trong dạy học tích cực ở nhiều trường THPT trong thời gian qua. Ưu điểm nổi bật của hoạt động trải nghiệm này chính là tính trực quan sinh động, có khả năng tạo ra sự hứng thú cho người học, vì được hòa mình vào môi trường văn hóa đậm đà sắc thái dân tộc khi được tận mắt khám phá nét đẹp văn hóa từ thế giới sách vở đến với bức tranh đời sống chân thật, hữu hình, nhất là khi người học được tiếp xúc với các vật thể, địa danh, di tích, danh nhân….
Thông qua việc tham gia vào các hoạt động tham quan trải nghiệm, học sinh được phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Chủ động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động, từ thiết kế hoạt động đến chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và khả năng của bản thân. Học sinh sau khi trải nghiệm được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mình và của bạn bè…
Bước 1 - Chuẩn bị: GV hướng dẫn HS nội dung tìm hiểu, địa điểm và dụng cụ cần thiết phải mang theo, lên kế hoạch chi tiết về khung thời gian và các hình thức tiến hành tham quan. Công việc chuẩn bị càng chu đáo thì kết quả hoạt động càng cao.
Bước 2 - Tiến hành tham quan tìm hiểu: HS được trực tiếp tham quan địa điểm văn hóa mà GV và HS đã thống nhất, đây là bước quan trọng nhất. HS sẽ được cảm nhận trực tiếp giá trị văn học, văn hóa từ cảnh vật trực quan mà mình tiếp xúc. Các em có thể tiến hành ghi chép, ghi âm, trao đổi, thảo luận trong quá trình tìm hiểu và tiếp xúc với thực tiễn. GV sẽ định hướng, khơi gợi nguồn cảm hứng để HS có thể thẩm thấu cái hay, cái đẹp từ những nét đẹp văn hóa dân tộc trong thực tiễn.
Bước 3 - Chia sẻ: HS trình bày lại những kết quả mà bản thân thu nhận được từ quan sát, cảm nhận thực tiễn. Hoạt động này có thể tiến hành bằng nhiều hình thức như: vẽ tranh, viết bài, thuyết trình…, qua đó, HS có cơ hội giãi bày quan điểm cá nhân, phát triển ngôn ngữ, năng lực giao tiếp…
Bước 4 - Tổng quát: GV đánh giá và ghi nhận những kiến thức HS có được từ hình thức hoạt động trải nghiệm này, xây dựng ý thức về niềm tự hào trước những giá trị văn hóa dân tộc, ý thức bảo vệ và phát huy những truyền thống yêu nước, nhân đạo của người Việt Nam.
Bước 5 - Áp dụng: GV hướng dẫn HS vận dụng những tri thức có được qua các hoạt động thực tiễn vào cuộc sống. Có thể khuyến khích HS hình thành các nhóm hoạt động dự án thiết thực như quảng bá nét đẹp văn hóa Việt, bảo vệ môi trường, phản đối các hoạt động phản thuần phong mĩ tục…
Có thể nói, thông qua các hoạt động trải nghiệm từ tham quan tìm hiểu thực tế, HS có cơ hội hình thành và phát triển những giá trị sống và các năng lực cần thiết. Hoạt động trải nghiệm thực tế về cơ bản mang tính chất của hoạt động tập thể trên tinh thần tự chủ nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể. Hoạt động trải nghiệm tham quan tìm hiểu có nội dung rất đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: đạo đức, trí tuệ, kĩ năng sống, giá trị sống, nghệ thuật, thẩm mĩ, thể chất, lao động, giáo dục an toàn giao thông, môi trường.