Dạy học tiếp cận giáo dục STEAM trong trường phổ thông

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Vinh Hiển – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - giới thiệu 3 hình thức dạy học tiếp cận STEAM thường được áp dụng nhất trong trường phổ thông.

Dạy học tiếp cận giáo dục STEAM trong trường phổ thông

Bài học chủ đề STEAM

TS Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bài học chủ đề STEAM diễn ra theo qui trình thiết kế kĩ thuật, là một tiến trình linh hoạt đưa học sinh từ việc xác định một vấn đề hoặc một yêu cầu thiết kế đến sáng tạo và phát triển giải pháp; cho phép áp dụng linh hoạt các nội dung và phương pháp dạy học khác nhau, có thể tiến hành bài học theo lớp hoặc theo nhóm hay các câu lạc bộ học sinh.

Cân nhắc các vấn đề cần giải quyết trong thực tế cuộc sống (của địa phương, đất nước hay toàn cầu), giáo viên (hay nhóm giáo viên) lựa chọn nội dung/chủ đề bài học phù hợp với tiến độ chương trình các môn học và trình độ nhận thức của học sinh, đòi hỏi phải vận dụng những kiến thức liên môn/liên ngành để giải quyết vấn đề. Lưu ý là bài học chủ đề STEAM thường cần có thời lượng dài (trong vài tiết học hoặc một số ngày, một số tuần) nên phải được ghi vào chương trình/kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Trong quy trình bài học, các nhóm học sinh thử nghiệm các ý tưởng dựa trên nghiên cứu của mình, sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, có thể mắc sai lầm, chấp nhận và học từ sai lầm, và thử lại. Sự tập trung của học sinh là phát triển các giải pháp.

Dựa theo bài viết của Billy Nguyễn, TS Nguyễn Vinh Hiển giới thiệu Quy trình bài học STEAM gồm 7 bước: Xác định vấn đề; nghiên cứu kiến thức nền; đề xuất giải pháp; lựa chọn giải pháp tối ưu; phát triển và chế tạo một mô hình; thử nghiệm và đánh giá; hoàn thiện thiết kế và đặt tên sản phẩm. Qui trình này có thể được vận dụng linh hoạt cho các hình thức dạy học STEAM khác.

Bài học theo chủ đề của môn khoa học

Bài học theo chủ đề của môn khoa học (mô hình 5E) dựa trên lí thuyết kiến tạo về học tập. Theo đó, người học xây dựng kiến thức từ quá trình trải nghiệm.

Thông qua cách hiểu và phản ánh về các hoạt động đã trải qua, vừa mang tính cá nhân và tính xã hội, người học có thể hòa hợp kiến thức mới với những khái niệm đã biết trước đó. Mô hình này được đề xuất lần đầu vào khoảng năm 1987 bởi tiến sĩ Rodger W. Bybee cùng với các cộng sự làm việc trong tổ chức Nghiên cứu khung Chương trình dạy sinh học, có trụ sở tại Colorado, Mỹ.

Mô hình này áp dụng thuận lợi cho những bài học được thiết theo chủ đề khoa học, với thời lượng khoảng 3 tiết trở lên nhưng không cần kéo dài liên tục.

TS Nguyễn Vinh Hiển làm rõ: 5E là viết tắt của Engage (gắn kết), Explore (khảo sát), Explain (giải thích), Elaborate (áp dụng cụ thể) và Evaluate (đánh giá).

Engage: trong bước đầu tiên này thày cô giáo thu hút học sinh vào nội dung bài học hay hoạt động bằng cách khơi gợi sự quan tâm, hứng thú của học sinh. Đây cũng là bước để thày cô đánh giá, xem xét, nhận định qua những kiến thức sẵn có của học sinh về đề tài. Nếu thấy học sinh biết quá rõ rồi thì phải điều chỉnh những bước tiếp theo của mô hình 5E. Trong bước này học sinh thường đặt câu hỏi về hiện tượng, đề tài (sẽ được tìm hiểu và có câu trả lời ở các bước hoạt động sau).

Explore: Học sinh tự đưa ra giả định, phỏng đoán, tự kiểm chứng và tự rút ra kết luận thông qua bắt tay vào làm thí nghiệm, tìm tòi, khám phá, từ đó tự có thêm những hiểu biết về chủ đề được học.  Giáo viên chỉ đóng vài trò điều phối, giám sát, cung cấp nguyên vật liệu; giúp học sinh khám phá và dùng suy nghĩ phản biện (critical thinking) bằng cách đặt rất nhiều câu hỏi, thu thập và phân tích dữ liệu (data analysis). Giáo viên chia nhóm học sinh, phân công việc cụ thể cho từng thành viên của nhóm. Quan trọng là dù làm nhiệm vụ gì thì ai cũng cảm thấy mình quan trọng và là những nhà khoa học thực sự.

Explain: Giáo viên và học sinh cùng giải thích hiện tượng, tìm câu trả lời cho phỏng đoán của mình. Trong bước này học sinh giải thích, trao đổi với nhau và với giáo viên những gì mình học được, những gì mình đã nhìn thấy và làm được. Đây cũng là bước để giáo viên giải thích các thuật ngữ liên quan đến bài học và những hiểu lầm (nếu có).

Elaborate hay còn gọi là Extend: mở rộng đề tài, liên hệ với những chủ đề khác tương tự trong các môn học hoặc làm những hoạt động khác liên quan đến chủ đề thông qua các môn học khác. Elaborate cũng còn có nghĩa là mở rộng kiến thức học được từ bài học áp dụng vào đời sống, liên hệ với những chủ đề khác liên quan. Bước này cũng giúp các em nhìn thế giới xung quanh với lăng kính và góc nhìn mới.

Evaluate: trong bước cuối cùng này, các em cùng giáo viên nhìn lại, đánh giá xem mình đã học được điều gì, so sánh đối chiếu kiến thức mình vừa thu thập được với kiến thức sẵn có. Công cụ đánh giá rất đa dạng. Có thể là những ghi chép, hình minh họa của học sinh trong suốt quá trình của những E trên, có thể là những bài trình bày hay sản phẩm chứ không nhất thiết đánh giá phải là bài kiểm tra. Thực ra việc đánh giá đã được phần nào thực hiện ở những bước trước, trong suốt quá trình trên, qua quan sát của giáo viên, qua việc học sinh giao tiếp với nhau và với giáo viên,...

Bài học thông thường

Với mỗi bài học thông thường, nếu có ý thức thì giáo viên cần có những cố gắng nhất định để gia công về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học để tiếp cận STEAM, mức độ đạt được tuỳ thuộc vào đặc điểm về nội dung kiến thức và khả năng của học sinh cũng như điều kiện dạy học. Sau đây chúng tôi đưa ra một số gợi ý chung cho việc này.

Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 qui định về sách giáo khoa đã hướng dẫn qui trình mỗi bài học gồm 4 bước: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Để tiếp cận dạy học STEAM, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, mỗi bước cần có lưu ý riêng và có thể chia bước vận dụng thành 2 mức.

Các bước của bài học

Mục đích hoạt động dạy học

Mức độ nhận thức cần đạt

Tiếp cận dạy học STEAM

Mở đầu

Thu hút học sinh vào nội dung bài học; Nhận định qua những kiến thức sẵn có của học sinh về đề tài; Học sinh đặt câu hỏi về hiện tượng, đề tài.

Đưa ra được câu hỏi nhận thức, phỏng đoán, giả thuyết, kế hoạch (sơ lược) giải quyết vấn đề,…

GV lựa chọn các tình huống trong thực tế cuộc sống để xây dựng tình huống dạy học/tình huống có vấn đề

Kiến thức mới

Hình thành kiến thức, phát triển kĩ năng

Nhớ, nhận biết, nhắc lại/mô tả lại được kiến thức, kĩ năng đã học.

Tăng cường hoạt động thí nghiệm, thực hành để tìm tòi kiến thức; liên hệ kiến thức với thực tế

Luyện tập

Chính xác hoá kiến thức, rèn luyện kĩ năng

Hiểu kiến thức, kĩ năng đã học (trình bày, giải thích, phân tích, so sánh được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân); áp dụng trực tiếp (làm theo mẫu) kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các vấn đề trong học tập

Ra câu hỏi, bài tập định hướng giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống thông qua hoạt động thí nghiệm, thực hành, thu thập số liệu.

Vận dụng

Củng cố kiến thức, kĩ năng; tăng cường ý thức và năng lực vận dụng kiến thức

Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, trong cuộc sống.

GV ra các bài tập yêu cầu HS vận dụng linh hoạt các kiến thức đã có (chủ yếu là kiến thức vừa học) để giải quyết vấn đề trong cuộc sống

Vận dụng cao, tìm tòi mở rộng

Tăng cường ý thức tìm hiểu, ứng dụng kiến thức, năng lực sáng tạo; hiểu giá trị của việc học, học tập suốt đời

Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lí trong học tập, trong cuộc sống một cách linh hoạt

GV ra các bài tập yêu cầu HS vận dụng tổng hợp các kiến thức đã có để giải quyết vấn đề thực tế; tìm hiểu mở rộng vấn đề; đưa sản phẩm học ra áp dụng trong cuộc sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ