Một số chiến hạm Mỹ, Anh đã trúng đòn đáp trả?

GD&TĐ - Theo Jpost, liên quân Mỹ và Anh đã sử dụng nhiều phương tiện và vũ khí thực hiện cuộc tấn công vào loạt mục tiêu của Houthi tại Yemen hôm 11/1.

Chiến hạm Mỹ phóng Tomahawk tấn công lực lượng Houthi.
Chiến hạm Mỹ phóng Tomahawk tấn công lực lượng Houthi.

Đòn phối hợp

Cuộc không kích được thực hiện để trả đũa các cuộc tấn công đang diễn ra của Houthi nhằm vào các tàu chở hàng liên kết với Israel đi qua Biển Đỏ để ủng hộ lực lượng Hamas trong cuộc chiến với Israel tại Gaza.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/1 rằng các cuộc tấn công được thực hiện "từ các nền tảng trên không, trên mặt nước và dưới mặt đất, đồng thời sử dụng đạn dược dẫn đường chính xác để giảm thiểu thiệt hại ngoài mong muốn".

Nền tảng chính của lực lượng ngầm trong cuộc tấn công chính là tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân USS Florida mang theo tên lửa dẫn đường Tomahawk của Mỹ. Cùng với đó là một loạt khu trục hạm cũng đồng loạt phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Mặc dù chưa rõ chính xác loại tàu mặt nước nào được sử dụng, nhưng theo Jpost, chúng là những chiến hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã hoạt động ở Biển Đỏ trong suốt thời gian qua.

Cùng với đó, Fox News cũng dẫn nguồn tin giấu tên ở Lầu Năm Góc cho biết một số máy bay chiến đấu đa năng F/A-18 Super Hornet của Mỹ hoạt động từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đã tham gia cuộc tấn công.

Lực lượng Anh rõ ràng đã sử dụng một số tiêm kích đa chức năng Typhoon để thả bom dẫn đường bằng laser Paveway IV vào mục tiêu của Houthi.

Sau cuộc tấn công, lực lượng Houthi cho biết Mỹ, Anh đã tung hơn 70 đòn tập kích vào Yemen, khiến 5 thành viên nhóm vũ trang này thiệt mạng.

"73 đợt tập kích khiến 5 thành viên của chúng tôi thiệt mạng, 6 người bị thương", Yahya Saree, phát ngôn viên lực lượng Houthi, cho biết trên mạng xã hội X hôm 12/1.

Vị phát ngôn viên này đồng thời cũng tuyên bố rằng, Houthi đã đáp trả vụ tấn công ngay sau đó và tiếp tục nhắm vào các tàu của Israel và liên quan đến nhà nước Do Thái.

Theo Yahya Saree, liên quân Mỹ, Anh đã tấn công vào căn cứ không quân Al-Dailami ở phía bắc thủ đô Sanaa, khu vực xung quanh sân bay quốc tế Hodeidah ở miền tây Yemen, căn cứ của lực lượng ở tỉnh miền bắc Saada, sân bay quốc tế cùng một số địa điểm ở tỉnh Taiz và sân bay ở thị trấn miền bắc Abs.

Mohammed Ali al-Houthi, thành viên Hội đồng Chính trị Tối cao Houthi, mô tả đợt tập kích của Mỹ, Anh là "tàn bạo, khủng bố", cho thấy Mỹ đang "thao túng hoạt động gây hấn" ở Gaza và Yemen.

Tàu Mỹ, Anh trúng đòn đáp trả?

Thiếu tướng Abdul Salam Jahaf, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Yemen do Houthi thành lập, ngày 12/1 thông báo, lực lượng này đang tấn công lực lượng trên biển của Mỹ và Anh trong khu vực để đáp trả vụ tập kích.

"Hành động tàn bạo của Mỹ, Anh và Israel đã bị đáp trả. Một trận chiến lớn giờ bùng phát ở Biển Đỏ và chắc chắn một số chiến hạm Mỹ, Anh đã trúng đòn", ông Abdul Salam Jahaf cho biết.

Tướng Jahaf tuyên bố lực lượng Houthi "sẽ không dừng tấn công tới khi các người rời khỏi khu vực, không ngừng ra đòn cho tới khi nào các người thấy tủi nhục".

"Họ đang cầu xin xuống thang căng thẳng. Họ nổ phát súng đầu tiên và chúng tôi sẽ là những người định đoạt cục diện trận chiến", tướng Jahaf nói, đề cập tới Mỹ và Anh. "Chúng tôi không nằm trong số những người lo lắng hay sợ hãi nước Mỹ".

"Đừng hỏi về tình trạng của chúng tôi. Hãy hỏi về tình cảnh của người dân tại Gaza. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Gaza cho tới chiến thắng, sẽ ở bên họ với mọi thứ có thể. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng hoặc tử vì đạo", tướng Jahaf nói. "Chúng tôi sẽ không bỏ Gaza dù bất cứ giá nào".

Vụ tập kích ngày 11/1 được nhận định là lần đầu tiên Mỹ tấn công lực lượng Houthi tại Yemen từ năm 2016. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không do dự triển khai thêm biện pháp để bảo vệ nhân mạng và dòng chảy thương mại qua Biển Đỏ.

Clip một số mục tiêu của Houthi bị Mỹ, Anh không kích tối 11/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.

Trực tiếp xsmb hôm nay