(GD&TĐ)- "Nhà giáo ngoài việc phải thực hiện thật tốt công tác chuyên môn, còn phải có kiến thức về tâm lý học, phải có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tận tâm với nghề, có tình yêu thương và vì học sinh thực sự. Bởi trách nhiệm của nhà giáo không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà còn góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của các em".
Đó là chia sẻ của giáo viên dạy sử Nguyễn Thị Nhung-Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Yên Bái. "Dù chúng ta là ai, làm gì chăng nữa cũng phải thực sự yêu công việc của mình, tận tâm và có tâm với nghề, có ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người nông dân thể hiện lòng yêu nước của mình trên luống cày một nắng hai sương. Người công nhân thể hiện lòng yêu nước trong ánh chớp lửa hàn, trong mỗi guồng than, mẻ sắt. Người chiến sĩ thể hiện lòng yêu nước của mình trên mỗi bước được hành quân và trên chiến hào đánh giặc...
Năm học 2009-2010 Cô được học sinh nhà trường bầu chọn là "Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất" và là đại biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục Yên Bái tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vừa qua.
|
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhung. |
Cô Nhung chia sẻ, yêu nước đâu chỉ dừng ở những khẩu hiệu, sự hô hào, những điều to lớn, những công việc chung chung, mà phải nỗ lực, cố gắng để trở thành những con người thực sự có ích cho dân, cho nước. Điều đó được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, những suy nghĩ, hành động trong từng ngày, từng giờ, trong mỗi bài giảng, từng tiết học, trong những đêm khuya thao thức bên trang giáo án, trong từng biện pháp cụ thể giáo dục học sinh, trong hiệu suất công việc được giao, trong sự bình dị của cuộc sống đời thường.
Vượt lên hoàn cảnh
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhung quê ở Đại Minh-Yên Bình-Yên Bái. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hoàn cảnh khó khăn, là chị cả của 4 em nhỏ nên cô đã rất cố gắng lao động và học tập, cùng giúp các em trong gia đình trong việc học, đã chuyển trường cho các em, đón các em ra ở cùng mình để học tập. Cô kể: "tôi đã phụ giúp bố mẹ phần lớn nuôi các em ăn học, đến nay cả 4 em tôi đều đã có bằng Đại học, trong đó có 2 em đang đi học Thạc sĩ".
Cô Nhung cho biết: mình là người mẹ không được may mắn vì có một con gái tàn tật. "Tôi đã cùng chồng biết chấp nhận và vượt qua hoàn cảnh. Vợ chồng tôi đã chữa chạy cho con ở khắp các bệnh viện với hy vọng con tôi khỏi bệnh được đến trường cùng bè bạn".
16 năm qua tôi đã trực tiếp giảng dạy cho hơn 8000 học sinh, góp phần cùng nhà trường hoàn thành tốt kế hoạch dạy và học. Nhưng điều mà tôi buồn nhất là con gái tôi vẫn chưa một ngày được tới trường. Cô ngậm ngùi chia sẻ: "cùng với chồng lo lắng, chăm sóc cho con, nhưng chưa bao giờ mình để hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, luôn thu xếp việc nhà - việc nước một cách khoa học để đạt được kết quả lao động cao nhất".
Yêu nghề giáo và coi học sinh như con
|
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhung (thứ 2 từ trái sang) và các HS của mình trong dịp trường THPT Nguyễn Huệ-TP.Yên Bái kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-2010). Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Do hoàn cảnh như vậy, Cô Nhung đã coi các học sinh như con của mình. Cô chia sẻ: đằng sau cái vẻ vô tư, hồn nhiên của tuổi học trò là những mảnh đời riêng của các em; mỗi đứa một hoàn cảnh. Tôi đã tìm hiểu để nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của từng lớp, hoàn cảnh sống, cá tính, tâm lý của từng em; có em có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng đã có nghị lực vượt qua khó khăn đó để tới trường. Là một giáo viên mình phải hun đúc nghị lực, làm cho các em tự tin vươn lên trong học tập. Mỗi một em phải có cách tiếp cận, trò chuyện, áp dụng biện pháp giáo dục riêng. Biết cách khơi dậy sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết, tinh thần say mê học tập cho các em.
Bên cạnh đó, Cô Nguyễn Thị Nhung luôn quan niệm: trong công tác của nhà giáo ngoài việc phải thực hiện thật tốt công tác chuyên môn, còn phải có kiến thức về tâm lý học, phải có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tận tâm với nghề, có tình yêu thương và vì học sinh thực sự. Bởi trách nhiệm của nhà giáo không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà còn góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của các em.
Là giáo viên tận tâm với nghề Cô luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra cách soạn, cách giảng phù hợp nhất đối với từng bài, từng đối tượng học sinh. Cô Nhung cho biết: "tôi quan niệm không có điều gì không ổn với trẻ, chỉ có cái gì đó không ổn trong hành vi của chúng mà thôi, nên tôi luôn luôn lắng nghe những suy nghĩ của trẻ, có biện pháp tốt trong giáo dục học sinh cá biệt, có khả năng thuyết phục, biết chia sẻ, gần gũi, động viên, định hướng cho các em".
Do vậy, các em rất tin tưởng cô giáo, sẵn sàng tâm sự, chia sẻ tất cả tâm tư của mình. Nhờ vậy mà cô trò không có sự xa cách - cô vừa là cô giáo - vừa là người mẹ thứ hai của các em, giúp các em khắc phục được sự thụ động, chưa tích cực với mọi hoạt động của tập thể, lười học hoặc có sự lệch lạc về nhận thức, nhất là các em có hoàn cảnh gia đình éo le, thiếu thốn về tình cảm. Góp phần giúp các em sống với nhau đoàn kết hơn, thân thiện hơn, chăm học hơn, kết quả học tập đạt cao hơn. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh, cùng phối kết hợp với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh.
Cô Nhung cho biết, đã giúp hàng chục em từ bỏ các tệ nạn xã hội như đánh lô đề, cắm quán, điện tử… nhiều học sinh nghèo trong cuộc sống và trong quá trình học tập được cô tận tình giúp đỡ dưới các hình thức như tặng quà cho các em học sinh nghèo có nhiều cố gắng trong học tập, tổ chức dạy học cho các em học sinh nghèo không thu tiền, giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi, những công dân có ích cho xã hội.
"Vì hoàn cảnh của mình nên tôi rất thương các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em sức khoẻ yếu nhất là những em ở vùng sâu vùng xa, con em các dân tộc thiểu số. Tôi đã cho nhiều học sinh ở tại nhà mình khi các em ở huyện đi học trọ, ôn thi đại học, tôi lo cho các em như một người mẹ lo cho con mà không lấy tiền ăn, ở", Cô Nhung nói.
Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, hứng thú học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên, cô Nguyễn Thị Nhung đã soạn xong toàn bộ chương trình ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử theo giới hạn của Bộ, góp phần nâng cao chất lượng học của bộ môn. Bên cạnh công việc ở trường Cô Nhung còn tham gia báo cáo viên cấp tỉnh - giáo viên cốt cán, là một thành viên Hội đồng khoa học ngành giáo dục, và là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia; trong nhiều năm liền được nhận các danh hiệu cao quý của cấp Ủy Đảng TP.Yên Bái, ngành GD-ĐT...
Việt Hà