Một nét hồn Việt qua đường chỉ khung thêu

Một nét hồn Việt qua đường chỉ khung thêu

(GD&TĐ) - Những bức tranh được “vẽ” hoàn toàn bằng chỉ đã chinh phục những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Nghề thêu có ở nhiều nơi, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội). Đây chính là nơi khoảng 500 năm trước ông Lê Công Hành (ông tổ nghề thêu tay) đã dạy những đường kim mũi chỉ thêu đầu tiên và từ đó nghề đã phát triển rộng ra cả làng.

Bức tranh thêu tay mềm mại, sống động như thật.
Bức tranh thêu tay mềm mại, sống động như thật.

Ngôi làng của những “tay thêu”

Hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi về tới những thôn nhỏ ở xã Quất Động là những người dân cặm cụi ngồi thêu. Từ bà đến cháu, từ mẹ đến con, từ phụ nữ đến đàn ông… nhà nào cũng có vài người đang cặm cụi bên những khung thêu bằng gỗ. Dưới bàn tay lành nghề của họ, những vật liệu đơn giản như được “phù phép” để trở thành những bức tranh thêu tuyệt vời.

Bước chân vào một ngôi nhà nhỏ thuộc thôn Bình Lăng, tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy một em nhỏ đang tỉ mẩn thêu từng đường kim, mũi chỉ. Lân la trò chuyện, tôi được biết em tên là Nguyễn Thị Na, năm nay mới học lớp 5, nghỉ hè nên ở nhà thêu phụ giúp gia đình. Bàn tay bé xíu của em thoăn thoắt bên khung thêu. Mẹ của Na cho biết: “Cháu mới học thêu từ hè năm ngoái nên tôi chỉ cho thêu những thứ đơn giản. Nghỉ hè, cho cháu ở nhà thêu, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa đỡ đi “bêu” nắng”.

Không chỉ bé Na mà rất nhiều những em nhỏ khác trong làng, nghỉ hè cũng ở nhà nhận sản phẩm về thêu hoặc tập trung thêu ở những xưởng thêu lớn. Nhiều gia đình có tới mấy thế hệ đang miệt mài ngồi thêu.

Sản phẩm thêu của làng Quất Động được đánh giá cao không chỉ về chất lượng mà còn về mẫu mã. Trên nền vải lụa, thiên nhiên và con người hiện lên chân thực, sinh động. Mỗi đường kim, mũi chỉ đều hết sức tỉ mẩn, bề mặt tranh mịn màng, chân chỉ lẩn sâu, đường nét sắc sảo. Tranh Quất Động rất phong phú, người thợ có thể tự thiết kế những mẫu tranh chân thực về cuộc sống hàng ngày hoặc có thể thêu theo những mẫu tranh đặt sẵn. Thiếu nữ bên hoa huệ, Hoa mẫu đơn, Làng chài, Chân dung Bác Hồ… là những bức tranh chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Bé Nguyễn Thị Na ( Quất Lâm- Quất Động) dù mới học lớp 5 nhưng đã biết thêu thành thạo.
Bé Nguyễn Thị Na ( Quất Lâm- Quất Động) dù mới học lớp 5 nhưng đã biết thêu thành thạo.

Để có được những bức tranh thêu tay hoàn thiện, người thợ phải mất từ 2 tuần đến 1 tháng. Anh Nguyễn Đức Vinh - một thợ thêu tay lành nghề ở thôn Quất Lâm cho biết: “ Thêu tay không đơn giản chỉ là việc đưa mũi kim lên xuống. Đó là cả một quá trình sáng tạo của người thợ. Họ phải sang mẫu, căng nền, chọn chỉ và khó nhất là công đoạn thêu, tỉa. Quá trình đó đòi hỏi người thợ phải kiên trì, khéo léo và tỉ mẩn”.

Lận đận chuyện giữ nghề

Hiện nay, mặc dù công nghệ thêu bằng máy đã bắt đầu phát triển nhưng những sản phẩm thêu bằng tay bao giờ cũng được ưa chuộng hơn bởi độ mềm mại, tinh tế. Thế nhưng, việc truyền nghề và giữ nghề vẫn đang còn là trăn trở của biết bao thế hệ.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục (thôn Bình Lăng) - người đã gắn bó với nghề thêu tay trong suốt 50 năm nay chia sẻ: “Những năm 90, kinh tế khủng hoảng, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề. Để giữ được nghề, tôi đã phải đạp xe hàng chục cây số, gõ cửa từng nhà trên phố để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thêu của mình”. Từ đó đến nay, làng nghề này trải qua không ít thăng trầm. Có thời kì thịnh vượng, người làng tìm được nơi tiêu thụ, nắm bắt được nhu cầu thị trường, những sản phẩm thêu đã mang lại cuộc sống đủ đầy cho các gia đình. Nhưng những năm gần đây, chính sức ép của thị trường lại khiến nhiều người trong làng bỏ nghề để đến với những ngành nghề khác.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục- người hơn nửa thế kỉ gắn bó với nghề thêu.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục- người hơn nửa thế kỉ gắn bó với nghề thêu.

Về nguyên nhân nhiều người trong làng đã từ bỏ nghề thêu truyền thống để tìm đến những ngành nghề khác, ông Dục trăn trở : “ Ngày trước, cơ sở thêu của tôi có tới hàng trăm thợ thêu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn hơn chục thợ. Họ theo đuổi những nghề khác có thu nhập cao hơn. Chúng tôi cũng không biết làm cách nàođể giữ họ”. Để có được một bức tranh thêu hoàn thiện, người thợ phải tốn không ít, thời gian, tâm sức. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ những bức tranh này lại chẳng là bao. Dân trong làng, hầu như ai cũng biết thêu, nhưng họ chỉ coi đây là nghề phụ, làm trong những khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Trước kia, tranh thêu tay của làng nổi tiếng bởi sự tinh xảo. Mỗi bức tranh chứa đựng không ít tâm huyết của người thợ. Vậy mà, hiện nay vì miếng cơm manh áo mà không ít người trong làng phải thêu ẩu, thêu lấy số lượng. Những sản phẩm kém chất lượng bày bán la liệt ngoài chợ... Nghệ nhân Xuân Dục thở dài: “ Tôi chỉ mong muốn làm sao thêu tay thực sự trở thành một nghệ thuật, được coi trọng và bảo tồn”.

Năm Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ