Một lần xuống phố

GD&TĐ - Đã hai năm nay, cứ mỗi dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, thầy Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, H. Tây Giang, Quảng Nam) lại đưa các em HS của mình từ vùng biên giới xa xôi trên đỉnh Trường Sơn về với đồng bằng, tìm đến các thành phố để các em được giao lưu, học tập. 

Thầy và trò Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi giao lưu với Câu lạc bộ Tiếp sức vùng cao, tại công viên 29-3 Đà Nẵng
Thầy và trò Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi giao lưu với Câu lạc bộ Tiếp sức vùng cao, tại công viên 29-3 Đà Nẵng

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay, hành trình “xuống núi” của các em HS Cơ Tu ở Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi có đích đến là thành phố du lịch biển Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, kéo dài trong 3 ngày, từ 1 đến 3/6.

Những trải nghiệm khó quên

Một điều đặc biệt là khi xuống đến đồng bằng, theo yêu cầu của thầy Tuấn, tất cả các em HS đều mặc đồ truyền thống của dân tộc mình (HS Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu). Mục đích là bên cạnh việc giao lưu học tập, đây còn là dịp để các em được giới thiệu văn hóa dân tộc mình qua trang phục, qua các điệu múa tâng tung da dá, hát lý… mà thầy Tuấn đã chuẩn bị cho các em.

Tại Đà Nẵng, các em được vui chơi tại núi Thần Tài. Tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5, lần đầu, các em thấy mô hình nhà sàn Bác Hồ, thấy bộ áo quần cũ, khẩu súng của chú bộ đội. Các em được thăm chùa Linh Ứng, rồi tham quan công viên 29 tháng 3… Về Quảng Nam, các em tham quan phố cổ Hội An, thăm làng gốm Thanh Hà, giao lưu với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây, các thầy cô bố trí cho các em ngồi… dự giờ, trải nghiệm lớp học dưới xuôi. Thầy Tuấn nhớ lại, lần đầu xuống biển Hội An, các em vỡ òa, đứa nào đứa nấy chạy ra biển húp lấy húp để từng ngụm nước, để xem biển mặn thế nào. Thương nhất là cảnh các em vào siêu thị bước lên thang cuốn, cứ đùn đẩy sợ sệt không dám bước lên…

Em Pơ Loong Thị Yên, học sinh lớp 8, nói: “Chuyến đi 3 ngày mà em cứ tưởng như chỉ một buổi. Vèo cái là hết rồi. Trên xe trở về, chúng em ai cũng buồn và nhớ các cô chú ở đồng bằng. Cảm ơn thầy và các cô chú đã đồng hành cùng chúng em. Chắc chắn đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất từ ngày đi học của em”. Còn thầy Tuấn chia sẻ: “Chuyến đi là kết quả của sự chung tay từ những tâm hồn yêu trẻ vùng cao. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những tấm lòng đã ủng hộ giúp đỡ về vật chất và tinh thần để các em được một lần về phố”.

Ý tưởng nhân văn từ câu chuyện cảm động

Lâu nay, người ta quen nghe chuyện người đồng bằng lên non thăm HS vùng cao. Đâu nghĩ chuyện đưa HS vùng cao xuống đồng bằng. Đầu năm 2015, thầy Nguyễn Quang Tuấn, lúc ấy đang dạy ở Trường PTDT Bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang), chở hai em HS bị đau thận xuống TP Tam Kỳ (Quảng Nam) chữa bệnh. Vào bệnh viện, hai em ngó đầu này, ngó đầu kia, chỉ trỏ xuýt xoa, này cái màn hình tivi to, này cái vòi sen có phun nước, này cái bệ ngồi toilet trắng tinh... “Lần đầu tiên đó thầy, em được thấy xe chạy phăng phăng, thấy cái đèn sáng trưng, những tòa nhà lừng lững thế này...” – một em tâm sự với thầy.

Nghe câu chuyện của em HS, thầy Tuấn chợt nhận ra: Đồng bằng, thành phố, thiết bị cơ giới hiện đại… với các em HS vùng cao này, chỉ là những hình ảnh trên tivi, qua những trang sách. Nghĩ rồi lại nảy ý tưởng: Sao không tổ chức cho em - vốn chỉ quanh quẩn cùng núi rừng - xuống phố một lần. Ý tưởng được biến ngay thành hiện thực, thầy bàn với Ban giám hiệu, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, lập kế hoạch, vận động kinh phí, liên hệ địa điểm… để từ ngày 11 – 13/5 năm đó, 20 em HS của trường được thầy đưa xuống đồng bằng tham quan. Từ thành công của chuyến đi đầu, thầy quyết định chọn dịp Quốc tế Thiếu nhi hàng năm để tổ chức cho HS xuống đồng bằng giao lưu, học tập.

Rút kinh nghiệm chuyến đi đầu, hành trình xuống phố lần 2 của thầy và trò ở Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi được tổ chức bài bản hơn. Năm nay, thầy Tuấn đã mời phụ huynh đến họp để thông qua chương trình và phát giấy cam kết đồng ý cho con đi giao lưu, học tập. Khác với những năm trước, cả HS nghèo chứ không chỉ HS giỏi được tham gia. Mà không chỉ HS trường thầy đang dạy, 2 trường học vùng biên khác cũng có HS trong danh sách tham gia chuyến đi, với tiêu chí lựa chọn là HS tiêu biểu, có thành tích học tập và rèn luyện tốt…

Cũng như với chuyến đi trước, để có kinh phí thực hiện, thầy Tuấn chủ động đăng thông tin lên Facebook vận động bạn bè, tổ chức thiện nguyện. Qua nhiều năm, có nhiều nhà hảo tâm đóng góp thường xuyên cho chương trình. Các địa điểm tham quan như Bảo tàng Hồ Chí Minh còn cho các em tham quan miễn phí.

Điểm mới trong công tác chuẩn bị cho chuyến đi năm nay là mỗi phụ huynh HS người Kinh ở trường tự nguyện góp thêm 500.000 đồng cho quỹ của đoàn. Nhờ có thêm nguồn kinh phí ấy, thầy Tuấn đã thực hiện được điều mà trong chuyến đi trước thầy đã rất muốn nhưng lực bất tòng tâm: Bố trí thêm vào danh sách một số em có hoàn cảnh khó khăn, đã phải nghỉ học nửa chừng. Danh sách “thêm” của năm nay có em Pơ Loong Thị Võng, đang học lớp 8 tại Trường PTDT Bán trú THCS A Xan thì phải bỏ học do điều kiện gia đình: Mẹ mất sớm, em bị viêm tai giữa rất nặng, phải ở nhà lên rẫy cùng ba, để lo cho 5 đứa em ăn học. Thầy Tuấn cho biết: “Mình vận động em tham gia chương trình, vì mong rằng khi em đi cùng, sẽ cảm nhận được niềm vui từ bạn bè, từ đó em sẽ có quyết tâm trở lại với trường lớp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ