Một kỳ thi có nhiều ưu điểm vượt trội

GD&TĐ - TS Phan Thị Thanh Thảo - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô - cho rằng: Kì thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có thể nói đã thành công mỹ mãn, ngoài sự mong đợi của toàn xã hội.

Tân sinh viên làm hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Thành Đô trong kỳ tuyển sinh 2017
Tân sinh viên làm hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Thành Đô trong kỳ tuyển sinh 2017

Thí sinh được đảm bảo quyền lợi tối đa

Chia sẻ về việc tổ chức thi, TS Phan Thị Thanh Thảo nhận định: Khâu tổ chức thi đã giảm được áp lực, thời gian thi, chi phí và đi lại cho gia đình và thí sinh; giảm được tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi (vì đề thi phần lớn là các bài trắc nhiệm khách quan); từ đó tăng tính công bằng và sự chính xác trong kết quả thi.

Về công tác đăng ký xét tuyển và xét tuyển vào đại học, TS Phan Thị Thanh Thảo cũng khẳng định có nhiều ưu điểm vượt trội so với các năm trước .

Đầu tiên phải kể đến khâu nộp hồ sơ: trước đây, thí sinh phải đến các trường ĐH, CĐ nộp hồ sơ trực tiếp, thì năm nay được nộp ngay tại trường THPT nơi mình học tập.

Khâu đăng ký xét tuyển: thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào các trường, các ngành với số lượng không hạn chế và xét bình đẳng giữa các nguyện vọng, do đó đảm bảo được tối đa quyền lợi của thí sinh, giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển, lựa chọn được ngành mình yêu thích, trường yêu thích.

Ngược lại, các trường cũng tuyển được thí sinh phù hợp, những thí sinh gắn bó với ngành nghề đã lựa chọn.

Theo quy chế, thí sinh nếu đỗ thì chỉ đỗ một trường duy nhất và nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký, như vậy khắc phục được tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo vào các trường.

Một ưu điểm khác, theo TS Phan Thị Thanh Thảo, thí sinh được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký, việc đăng ký có thể thực hiện trực tuyến hoặc đến các cơ sở đào tạo, điều nay tạo điều kiện cho thí sinh chọn nganh nghề phù hợp vừa sức khi đã có kết quả THPT quốc gia, giảm thời gian đi lại so với các năm trước.

Tuyển sinh gọn nhẹ nhưng hiệu quả

TS Phan Thị Thanh Thảo cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu đăng kí dự tuyển, xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển năm nay đảm bảo khoa học khách quan, công khai, minh bạch và được đánh giá có hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Điều này đã giúp cho các trường tuyển sinh được gọn nhẹ, giảm bớt nhân lực.

Các trường không phải quản lý dữ liệu nên công tác bảo mật rất đảm bảo, không có sự sai sót và sự can thiệp của các trường.

Đặc biệt, trong đợt 1, việc lọc ảo được đánh giá là tốt nhất so với các kì tuyển sinh trước đây.

Các trường phối hợp sử dụng chung nguồn tuyển duy nhất và cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&DT. Bộ dữ liệu chung đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh, chính xác về việc đăng ký nguyện vọng của tất cả thí sinh vào tất cả các trường.

Từ đó, các trường có cơ sở để đưa ra điểm chuẩn trúng tuyển hợp lý cho từng ngành, đảm bảo vừa đủ chỉ tiêu đã công bố.

Bên cạnh đó, có hai nhóm xét tuyển chung đã thu hút được nhiều thành viên gồm 56 trường phía Bắc và 86 trường phía Nam.

Các trường này đã phối hợp rất tốt, đảm bảo tính thống nhất của mỗi nhóm và quyền tự chủ của mỗi trường thành viên trong việc xét tuyển và lọc ảo.

"Chính vì các ưu điểm nói trên nên sau đợt xét tuyển lần 1, đến ngày 31//2017 đã có 170/322 trường tuyển đủ chỉ tiêu, đó là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Điều đó cho thấy công tác tuyển sinh năm 2017 đã đạt được các tiêu chí nhanh gọn, nhẹ nhàng, hiệu quả, thuận lợi, giảm được áp lực cho các đợt xét tuyển bổ sung.

Theo chúng tôi, phương thức tuyển sinh năm 2017 nên tiếp tục duy trì, hoàn thiện quy chế, quy trình để áp dụng cho những năm tiếp theo". TS Phan Thị Thanh Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ