Tuyển sinh và những con số rất ấn tượng

GD&TĐ - PGS. Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - nhận định như vậy trước con số 170 trường tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1.

Tuyển sinh và những con số rất ấn tượng

Thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 1 thời gian ngắn thực hiện quy trình xét tuyển, về cơ bản, công tác tuyển sinh đã được giải quyết ở đợt 1. Theo đó, 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; 234 đơn vị đạt 70% chỉ tiêu trở lên (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).

"Riêng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu trong đợt 1. Công tác tuyển sinh của trường năm nay có thể nói thành công mĩ mãn trên mọi phương diện, không gặp một khó khăn gì trong xét tuyển" - ông Bùi Đức Triệu chia sẻ.

So sánh với năm 2016, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, dù nhà trường nói là tuyển đủ 100% ngay trong đợt đầu, nhưng thực ra số tuyển được chỉ khoảng 95%; khi thí sinh đến nhập học, số lượng giảm đi một chút, chỉ còn hơn 90%. Tuy nhiên, nhà trường không tuyển thêm đợt 2.

"Chúng ta cũng biết, ngay các trường khối y dược năm trước cũng còn tuyển thiếu. Nhưng năm nay, trên 50% trường tuyển đủ ngay với chất lượng tốt, tôi cho rằng đó là một con số rất ấn tượng" - ông Bùi Đức Triệu nhận định.

Quy chế mới - lợi ích kép

Khẳng định quy chế tuyển sinh năm nay có nhiều thuận lợi, điều được ông Bùi Quốc Triệu nhấn mạnh đầu tiên chính là công tác nộp hồ sơ của thí sinh.

Theo đó, nếu trước đây, thí sinh phải đến các trường ĐH, CĐ nộp hồ sơ trực tiếp và các trường này phải tiếp nhận - đó là công việc rất mất thời gian, công sức - thì năm nay thí sinh nộp hồ sơ ngay tại trường phổ thông, khiến mọi việc nhẹ nhàng hơn nhiều. Bởi từ việc chỉ tập trung cho mấy trăm trường ĐH trong nhận hồ sơ, thì nay việc này phân ra cho trên khoảng vài nghìn trường phổ thông.

Bản thân các trường ĐH, CĐ chỉ việc lấy dữ liệu. Sau khi lấy dữ liệu về, việc xử lý dữ liệu cũng đều làm online nên rất nhẹ nhàng và hiệu quả. Vì các trường không quản lý dữ liệu nên công tác bảo mật rất đảm bảo, gần như an toàn tuyệt đối, không có sai sót gì, hay có sự can thiệp nào của các trường.

Các trường phổ thông đang gánh công việc các trường ĐH trước đây; nhưng tôi nghĩ các thầy cô sẵn sàng làm việc đó. Với học trò của mình, các thầy cô quen thuộc, thân mật hơn, dẫn đến chất lượng công tác này cũng tốt hơn.

Đánh giá chung, công tác xét tuyển năm nay rất nhẹ nhàng và hiệu quả trên nhiều phương diện.

Bên cạnh thuận lợi cho thí sinh và nhà trường, một điểm đáng ghi nhận trong kỳ tuyển sinh năm nay, theo ông Bùi Quốc Triệu chính là việc lọc ảo hiệu quả.

Đặc biệt với các trường tham gia nhóm xét tuyển chung, phần mềm lọc ảo của nhóm đã loại ảo được khoảng 95% rồi. Phần trăm rất ít còn lại được tiếp tục lọc qua phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Do đó, tỷ lệ thí sinh ảo về cơ bản được loại trừ.

Có chăng còn lại chỉ là lượng ảo tự nhiên, ở một số trường tuyển sinh riêng, không tham gia vào quy trình lọc ảo của Bộ; hoặc một số thí sinh đỗ nhưng không đi học vì các lý do khác nhau...

Một số thí sinh không đạt nguyện vọng là khó tránh khỏi

Trước ý kiến năm nay những trường top đầu tuyển sinh thuận lợi, nhưng trường top giữa, top dưới lại khó khăn hơn, ông Bùi Quốc Triệu cho rằng, các trường này, những năm trước đã khó khăn chứ không phải năm nay mới khó. Nhưng có một điều phải khẳng định, đó là phần thuận lợi nhất vẫn thuộc về thí sinh.

Theo đó, Quy chế tuyển sinh 2017 không giới hạn nguyện vọng của thí sinh nên các em có điểm cao vừa vẫn mạnh dạn đăng ký vào các trường top trên, bởi nếu trượt, các em sẽ "rơi" xuống nguyện vọng sau.

Cũng vì điều này mà điểm một số trường top trên, đặc biệt một số trường có chỉ tiêu quá ít như công an, quân đội, điểm chuẩn "dâng" cao. Tuy nhiên, Trường ĐH Kinh tế quốc dân không gặp phải trường hợp này.

Với một số trường hợp cá biệt thí sinh bị điểm cao vẫn trượt, ông Bùi Quốc Triệu cho rằng, nếu thí sinh đăng ký thêm các nguyện vọng khác thì sẽ xảy ra trường hợp như trên.

"Có một vài em có thể do lý do khác nhau mà không đạt được nguyện vọng. Tôi nghĩ, bất luận công việc nào cũng vậy, không thể tuyệt đối một cách hoàn toàn được.

Thực tế, có thí sinh chỉ đặt 1 nguyện vọng, như thế sẽ có rủi ro. Nhiều lần tư vấn tuyển sinh, chúng tôi đều khuyên các em nên đặt khoảng 5 - 10 nguyện vọng, chia làm 3 nhóm: nhóm nganh bằng với sức của mình, nhóm thấp hơn 1 chút và nhóm thấp hơn nữa, thì không thể trượt được. Nhưng nhiều thí sinh rất cá tính và kiên quyết, không đặt nguyện vọng dự phòng.

Chẳng hạn, nếu thí sinh không đăng ký chỉ 1 nguyện vọng vào Trường ĐH Y Hà Nội mà đăng ký thêm các nguyện vọng vào trường ĐH Y dược khác nữa thì chắc chắn khả năng đỗ sẽ cao. Còn nếu kiên quyết chỉ theo một nguyện vọng vào Trường ĐH Y Hà Nội, bắt buộc em phải phấn đấu" - ông Bùi Quốc Triệu chia sẻ.

Tạo điều kiện phân tầng ĐH

Theo ông Bùi Quốc Triệu, kết quả tuyển sinh năm nay tạo điều kiện phân tầng ĐH một cách rất tự nhiên, mà nói theo ngôn ngữ của thị trường là do thị trường quyết định.

Nếu trường có chất lượng đào tạo tốt sẽ thu hút được nhiều thí sinh với chất lượng đầu vào tốt.

Nhưng ông Bùi Quốc Triệu cũng cho rằng, quan trọng hơn, chúng ta phải thay đổi quan điểm, đó là đánh giá không chỉ để ý đến điểm đầu vào mà đánh giá quá trình, chuẩn đầu ra các trường ra sao...

"Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có bước đi đầy đủ, mạnh mẽ hơn với việc này, như đổi tên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thành Cục Quản lý chất lượng; tiến hành các đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng... Những công tác ấy rất quan trọng" - ông Bùi Quốc Triệu cho hay.

Góp ý cho kỳ tuyển sinh sang năm, theo quan điểm của ông Bùi Quốc Triệu, vẫn nên tiếp tục như năm nay vì cách tuyển sinh hiện hành rất nhẹ nhàng, hiệu quả, thuận lợi cho thí sinh và các trường. Việc ứng dụng CNTT cũng giúp giảm tải và tăng thêm hiệu quả của công tác tuyển sinh.

"Chúng tôi đi coi thi ở Bắc Giang, quan sát kỳ thi THPT quốc gia quả thật rất nhẹ nhàng và nghiêm túc. Hơn 500 cán bộ của Trường ĐH kinh tế quốc dân coi thi về, không có ai phản ánh không tốt về tính nghiêm túc của kỳ thi."

Ông Bùi Quốc Triệu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tiếng Việt mùa nước lũ

GD&TĐ - 'Sao kê', 'phông bạt' là những tiếng lóng đang được thịnh hành trên mạng xã hội ở thời điểm này.