Vào lúc 5 giờ 30 phút sáng cùng ngày, xe ô tải mang biển số Hà Nội tiến vào cổng thu phí của trạm này. Tài xế xe tải rà thắng để “mắt thần” camera kiểm tra biển số xe, sau đó barie sẽ mở lên cho xe qua, sau khi đã trừ tiền phí tự động theo quy định.
Trong lúc xe chưa kịp qua khỏi barie thì tài xế xe tải bất ngờ nghe một tiếng động rất mạnh thúc từ phía sau xe. Xuống xe quan sát thì thấy, một chiếc xe con đã rúc đầu vào phần đuôi xe tải và bẹp dúm. May mắn là cả tài xế lẫn người ngồi ghế phụ của chiếc xe con vẫn an toàn.
Anh tài xế xe tải cứ nghĩ, sở dĩ có sự va chạm mạnh như vậy là vì, người lái chiếc xe con đã không tập trung quan sát chiếc xe tải chạy phía trước nên khi đến gần barie thì “giật mình” thắng gấp, dẫn đến sự cố. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì phát hiện anh tài xế ô tô con này “núp bóng” xe tải để qua mặt trạm thu phí chứ chẳng có cú “giật mình” nào cả.
Trích xuất camera an ninh tại Trạm thu phí này thì phát hiện, đây là lần thứ… 19, anh tài xế xe con cố tình trốn phí và lần này thì gặp nạn, còn 18 lần trước đó, anh ta trốn trót lọt, cũng bằng hình thức “núp bóng” xe tải như thế này!
Các dữ liệu lưu lại tại Trạm BOT Quảng Trị cho thấy, chủ chiếc xe con này đã dán thẻ thu phí tự động như quy định bắt buộc của ngành giao thông, trong khi tài khoản trong thẻ của anh ta đã hết sạch từ hôm mùng 6/8.
Tức là tính đến thời điểm gặp nạn nói trên (6/10), chiếc xe con này đã qua trạm mà không mất đồng phí nào suốt 2 tháng. Trong 2 tháng, có đến 19 lần qua - lại trạm, có thể đây là loại xe dịch vụ. Nhưng đã là xe chạy “dịch vụ” thì phần chi phí qua trạm BOT phải được tính vào chi phí vận chuyển chứ!
Mọi người đều biết, sau nhiều lần trì hoãn, đến ngày 1/8/2022, tất cả các trạm BOT trên toàn quốc đều phải thu phí tự động (trừ một số ít trạm thì thu tiền mặt). Các loại ô tô tham gia giao thông qua các trạm, tất phải được dán thẻ thu phí tự động.
Mỗi trạm thu phí tự động đều được gắn “mắt thần” để đọc biển số xe và số tiền trong thẻ. Mỗi lần xe qua đều được trừ tiền tự động trong thẻ. Lợi dụng “mắt thần” không thể “đọc” được biển số xe khi bị che khuất nên không ít tài xế đã “trốn” phí bằng cách núp bóng sau các xe tải như anh tài xế xe con ở Quảng Trị nói trên.
Thử làm một phép tính: Với 19 lần “trốn” phí, mỗi lần 35.000 đồng, anh tài xế nọ “tiết kiệm” được 665.000 đồng. Nhưng cú “bẹp đầu cá trê” nói trên, anh ta không biết phải tốn gấp bao nhiêu lần để chiếc xe có thể hoạt động bình thường trở lại? Chắc chắn là sẽ tốn nhiều hơn số tiền đã “trốn”.
Nhưng nào có dễ dàng “trốn” được khi camera an ninh đã phát hiện ra chiếc xe này đã chạy “lụi” suốt 2 tháng qua? Hoặc là nghỉ chạy và bán xe hoặc là phải nộp đủ cả 19 lần “trốn” kia! Lợi bất cập hại chính là ở chỗ này.
Mà đâu phải mình anh tài xế nói trên “trốn” phí, báo cáo của Trạm BOT Quảng Trị cho biết, mỗi ngày có đến 70 - 80 ô tô con “núp bóng” xe tải để trốn phí qua trạm như thế.
Chắc chắn, trò “ma” này không chỉ có ở Trạm BOT Quảng Trị!