Tiêu cực, lợi ích nhóm trong thu phí tự động không dừng?

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, việc doanh nghiệp thu phí không dừng BOT trả dự án thể hiện lỗ hổng trong quản lý.

Cần minh bạch trong các công tác thu phí đường bộ. Ảnh: NT
Cần minh bạch trong các công tác thu phí đường bộ. Ảnh: NT

Tôi cho rằng có muốn làm hay không mà thôi!

- Ông nghĩ sao về việc VETC trả dự án?

- Tôi thấy rất khó hiểu. Việc doanh nghiệp trả lại như vậy thể hiện sự bất hợp lý trong quản lý, thiếu trách nhiệm trong giám sát thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Như vậy, việc thực hiện thu phí không dừng không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Doanh nghiệp độc quyền, quản lý độc quyền mà không quản được thì vô lý, khó chấp nhận nổi.

- Lỗi này do cơ quan quản lý chứ không phải do các đơn vị thực thi?

Theo lộ trình đã đặt ra, Bộ GTVT phải chỉ đạo, điều hành và có cơ chế phù hợp để thực hiện. Để xảy ra tình trạng này là do các cơ quan chức năng chưa làm tròn vai. Một chủ trương rất hay, là giải pháp tháo gỡ những bất cập của BOT, minh bạch, tránh tham nhũng, thất thoát tài sản... nhưng lại không thực hiện được. Tôi cho rằng điều hành không khó, có muốn làm hay không mà thôi.

- Vậy ông cho rằng phải làm thế nào?

- Cơ quan quản lý có rất nhiều quyền. Kiểm tra giám sát, trạm BOT nào không thực hiện thu phí không dừng thì đóng cửa. Xe chưa dán tem phí không dừng thì cấm lưu hành.

Thủ tướng chỉ đạo đến ngày 31/12 phải thực hiện xong, nhưng 4 - 5 năm nay vẫn chưa xong. Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo như thế nào? Vì sao lại để tồn tại lâu thế. Kiểu thực hiện “nửa nạc nửa mỡ” khiến người ta đặt câu hỏi về lợi ích nhóm. Vì sao không quyết tâm thực hiện 100% thu phí không dừng? Vì sao cho tồn tại song song cả thu phí không dừng lẫn xé vé?

- Mục đích câu hỏi của ông đặt ra hướng đến điều gì?

Phải chăng người ta muốn kéo dài thu phí xé vé, muốn dây dưa, muốn trì hoãn việc thực hiện thu phí không dừng. Phải chăng có tiêu cực, có lợi ích nhóm. Thu phí thủ công thì dễ giấu giếm doanh thu, dễ thất thoát, khó kiểm soát... Còn thu phí không dừng thì không thể can thiệp được.

Không muốn minh bạch là có lý do

PGS.TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải

- Theo các đơn vị liên quan, thu phí không dừng chưa phù hợp, còn nhiều bất cập? Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Việc nhiều nhà đầu tư BOT chậm lắp đặt hệ thống thu phí không dừng là có chủ đích. Anh lắp đặt máy thu tự động thì nó rất minh bạch. Anh lại không muốn minh bạch phải có lý do. Thu phí theo hình thức thủ công rất khó quản lý chính xác số lượng xe qua trạm. Nó đồng nghĩa với việc khó giám sát số tiền thu được. Chính vì vậy, các nhà đầu tư BOT không muốn minh bạch nó.

- Với các lái xe, việc dán thẻ từ có bất cập, mất thời gian so với dừng xe lấy vé?

- Có tình trạng Bộ “đổ lỗi” cho nhà đầu tư BOT. Nhà đầu tư thì “đổ lỗi” cho công nghệ thu phí không dừng và người dân. Dù thu phí tự động hay thủ công thì Bộ GTVT cũng nên lập một hội đồng giám sát thu phí BOT. Hội đồng này có đại diện của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện người dân. Đến nay có thể khẳng định, việc chậm triển khai thu phí không dừng là do các đơn vị này ngại minh bạch tài chính chứ không phải do bất cứ khó khăn nào.

- Theo ông những bức xúc về các trạm BOT thời gian qua là do đâu?

- Trước tiên bắt nguồn từ việc quy hoạch BOT của Bộ GTVT rất đại trà. Không có kế hoạch cụ thể, được hội đồng hoặc Chính phủ xét duyệt kỹ. Do đó, người dân cho rằng, việc thu tiền BOT ở nhiều trạm không minh bạch, lâu dần gây ra tâm lý bức xúc.

Về mặt nguyên tắc, BOT chỉ thực hiện ở những tuyến đường đôi thôi, có nghĩa là nếu có một tuyến rồi, làm thêm một tuyến nữa cho người dân lựa chọn. Nếu ai muốn đi nhanh hơn, đi đường tốt hơn thì anh phải bỏ tiền ra để đi tuyến BOT. Tuyến còn lại có sẵn nếu phải cải tạo và xã hội hoá thì thu ở mức rất thấp, chứ không thể ép người dân trả phí như hiện nay.

Cho mất chức là làm được ngay!

- Ở góc độ một chuyên gia, theo ông có giải pháp nào không?

- Giải pháp không thiếu, quan trọng là quyết tâm. Giờ quy định đến ngày này tháng này mà Bộ trưởng không làm được sẽ bị mất chức. Tôi tin kiểu gì cũng làm được. Giải quyết vấn đề là trong tầm tay của Bộ GTVT. Bộ phải xem lại cách quản lý. Không thể sử dụng BOT để “móc túi” dân. Người dân có quyền có đường để đi. Đừng áp đặt BOT. Không để tồn tại như hiện nay được.

- Như quan điểm của ông, việc các trạm BOT không hợp tác áp dụng thu phí không dừng là có “vấn đề”?

- Rõ ràng là vậy! Việc các nhà đầu tư BOT không hợp tác triển khai thu phí tự động đã ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Nhưng lỗi phải từ phía quản lý của Bộ GTVT. Công cụ trong tay mình mà không quản lý được thì rõ là phải có trách nhiệm.

- Vậy theo ông có nên duy trì hình thức BOT?

- Với tuyến đường quốc lộ không nên làm BOT. Hoặc có làm nhưng yêu cầu xây mới một con đường khác chạy song song để doanh nghiệp, người dân lựa chọn. Còn cách làm như hiện nay là bắt dân phải đi trên đường BOT. Người dân có quyền tự do đi lại. Nhà nước có trách nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân. Đây là bất cập. Ở các nước phát triển, người dân có quyền được chọn lựa. Bỏ tiền ra thì được đi đường đẹp, tốt, còn không thì phải đi đường xấu.

Nhà nước có trách nhiệm làm đường cho dân. Bởi dân đã đóng góp các khoản thuế để xây dựng. Trách nhiệm này của Nhà nước không chỉ có tính nguyên lý mà đã được quy định rõ tại Luật Giao thông đường bộ: Nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển các kết cấu hạ tầng đường bộ.

- Xin cảm ơn ông!

Chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) là đơn vị ký hợp đồng với Bộ GTVT để triển khai lắp đặt, vận hành thu phí tự động giai đoạn 1 tại 44 trạm thu phí. Thủ tướng giao 26 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải xong trong năm 2018, số còn lại phải xong trước ngày 31/12. Nhưng chỉ còn gần 2 tháng nữa là hết hạn, nhà đầu tư lại bất ngờ đòi trả dự án. VETC cho biết, giai đoạn 1 đã qua 5 năm triển khai (từ tháng 11/2014). Tuy vậy, tới nay mới lắp đặt hệ thống thu phí tự động tại 27/44 trạm thu phí, số đã lắp đặt mới có 23 trạm đang vận hành. Số vốn đã giải ngân cho dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Dù vậy, Công ty VETC mới ký được hợp đồng dịch vụ thu phí tự động với 11/44 trạm thu phí. Số trạm còn lại chưa ký được phụ lục hợp đồng và hợp đồng dịch vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.