Cứ lấy bản thân mẹ làm ví dụ.
Mẹ bắt đầu nấu ăn với tư cách một “bếp trưởng” độc lập từ năm hai mươi ba tuổi, mẹ nghĩ mình sẽ nấu ăn đến chừng bảy mươi ba tuổi, nghĩa là trong vòng năm mươi năm. Hai bữa ăn trong ba trăm sáu mươi lăm ngày của một năm, tức là bảy trăm ba mươi bữa một năm và trong vòng năm mươi năm, quỹ thời gian cuộc đời mỗi người phụ nữ được tính bằng ba vạn sáu nghìn năm trăm bữa ăn. Mỗi bữa ăn trôi đi, hơi thở của chúng ta cũng tiêu hao dần, sinh mệnh là một thứ càng nuôi dưỡng càng chết dần, càng hao mòn.
Mỗi lần nghĩ như vậy, mẹ bị ngợp trong một cảm giác cô độc sâu thẳm.
Căn bếp của những người phụ nữ, đó là căn bếp của những nỗi cô đơn lớn dần, choán dần và nuốt trọn quỹ sinh mệnh ngày càng cạn kiệt. Trước kia, mỗi lần nhìn bóng lưng của mẹ trong bếp, mẹ thường cảm thấy đó là một gánh nặng không cách nào trốn thoát mà người phụ nữ phải chịu đựng.
Mẹ cảm thấy mình có quá nhiều nỗi niềm với căn bếp và muốn viết về nó, bởi chính mẹ cũng muốn giải phóng mình khỏi “căn bếp” đó, cũng như những người phụ nữ thuộc thế giới của mẹ.
Giải phóng khỏi nó, không có nghĩa là hoàn toàn từ bỏ việc vào bếp, từ bỏ việc hiện diện trong căn bếp của mình. Thực ra là đang đi tìm một phương thức hiện diện mới, nơi đó, mẹ hiện diện và người đàn ông của mẹ, gia đình của mẹ có thể cùng hiện diện trong đó.
Mẹ sẽ nấu món ăn một cách “nhẹ nhõm” để mọi người có thể cảm nhận được nó trong hương vị của mọi món ăn. Dầu khi từ “nhẹ nhõm” nảy ra trong lòng, mẹ cũng chưa hình dung rõ ý tưởng mà nó mang lại cho mình hoặc cấu trúc mà mẹ muốn xây dựng quanh nó, nhưng mẹ cảm nhận được rằng, đó là hương vị mà mình và những người quanh mình phải cảm nhận được khi ăn món ăn.
Giống như mẹ của mẹ thường nói, “Mẹ hạnh phúc và vui vẻ khi nấu những món ăn cho gia đình, mẹ không ngại khi phải vào bếp” (thực ra rất nhiều phụ nữ ngại việc đó, không phải cứ là phụ nữ thì sẽ yêu việc bếp núc).
Nhưng rất nhiều khi mẹ không tránh khỏi việc thấy rằng bản thân mình mệt mỏi và lười biếng với guồng quay lặp đi lặp lại ấy. Có hôm, mẹ chỉ muốn nấu qua loa cho xong bữa ăn.
Nhiều hôm, trên đường trở về nhà từ chỗ làm, mẹ nguyền rủa việc mình có một căn bếp, một gia đình đang đợi mẹ trở về để nấu một bữa ăn, mẹ căm ghét khi mường tượng ra mình phải tỉ mẩn chuẩn bị từng công đoạn: cắm cơm, rửa rau, thái rau củ, nêm nếm gia vị, bày biện lên đĩa...
Mẹ ước gì, có thể giải thoát mình khỏi những cảm xúc đó. Có những lúc thậm chí đã muốn xóa bỏ hẳn sự tồn tại của một căn bếp.
Gần đây, nhiều biến cố xảy đến với mẹ.
Việc chung sống với tha nhân mang đến cho mẹ không ít tổn thương, mẹ cũng không ngừng khiến người khác tổn thương. Trong những cơn chán chường, những bữa ăn chung vắng mặt. Rồi mẹ nhận ra, mẹ không hề cảm thấy nhẹ nhõm khi được thoát khỏi việc mà mình vẫn làm mỗi ngày, việc mà đôi khi mình vẫn nguyền rủa nó.
Mẹ cảm nhận nỗi trống rỗng không cách nào lấp đầy được. Không phải bởi sự thiếu vắng của một thói quen hay một nhịp điệu u mê mà người phụ nữ tự ru ngủ mình trong đó. Dần dà mẹ nhận ra, vào những lúc như thế, sợi dây gắn kết những tha nhân thành một gia đình đã trở nên lỏng lẻo và sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào. Một nỗi buồn len vào sâu trong hơi thở.
Mẹ chợt nhận ra rằng, cái phương thức nhẹ nhõm mà mẹ kiếm tìm cho công việc bếp núc của mình chính là điều đó. Không phải chỉ là một bữa ăn để duy trì sự sống. Cũng không phải một công việc lặp đi lặp lại nhàm chán và mỏi mệt. Nó giống như một điểm tựa để duy trì sự cân bằng mong manh trong đời sống nhiều hỗn độn này.
Dần dà, mẹ cảm thấy việc nấu nướng hai bữa một ngày giống như một thứ nghi thức để tồn tại, cũng giống như việc thở - đưa bụng nở ra và thóp vào – nó mang lại một thứ cảm giác tự chủ, dầu rằng cô độc – một nỗi cô độc cứ lơ lửng như bụi trong không khí. Có thể ngửi thấy mùi của bụi nhưng không cách nào bắt được chúng tụ lại thành một hình hài.
Đôi khi những người lớn bọn mẹ ngồi xuống bên bàn ăn mang theo mối tâm tự nặng trĩu trong lòng của riêng mình. Đôi lúc trò chuyện, đôi lúc chỉ cắm cúi ăn trong lặng thinh. Nhưng rồi, cùng với đó, mỗi ngày mỗi ngày vẫn biết rằng có thể nhìn thấy nhau, ở bên nhau, va chạm hơi thở vào nhau. Là một kết nối lặng thầm bền chặt.
Giờ đây, mẹ thầm cảm ơn căn bếp mà mẹ có thể hiện diện mỗi ngày. thầm cảm thấy một niềm hạnh phúc, gần như mặt sau của nỗi đớn đau, bóp chặt lồng ngực khi tự nhủ: mình đang đứng đây, trong căn bếp của mình, giữa mùi thức ăn quyện chặt.