Lạm thu trong trường học: Chấn chỉnh cách nào?

GD&TĐ - Số hóa các khoản thu tại cơ sở giáo dục được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học.

Ảnh minh họa. ITN
Ảnh minh họa. ITN

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này cần có lộ trình và hướng dẫn bài bản của cơ quan có thẩm quyền. Trước hết, cần kết hợp đồng bộ giải pháp nhằm “đặc trị” vấn nạn.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Tránh độc quyền

TS Nguyễn Tùng Lâm.

TS Nguyễn Tùng Lâm.

Tôi hoan nghênh ý kiến gợi mở của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khi đề cập tiến tới việc: Mọi khoản thu trong trường học không dùng tiền mặt. Thực tế cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt hiện hữu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế nếu áp dụng phương án này trong các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng bình thường, không có gì đột biến; thậm chí đây là giải pháp phù hợp trước bối cảnh ngành Giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số.

Nhiều tỉnh, thành phố đã và đang yêu cầu cơ sở giáo dục trên địa bàn không dùng tiền mặt đối với tất cả khoản thu. Giải pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng thu sai quy định của trường và đơn vị liên quan, đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh vào đầu năm học.

Tôi ủng hộ giải pháp này vì tăng tính minh bạch và trên hết, giải phóng sức lao động của phụ huynh, giáo viên, cán bộ thu ngân và đặc biệt giảm tình trạng lạm thu - vấn nạn dư luận xã hội quan tâm. Với phương án này, phụ huynh không phải đến trường xếp hàng nộp tiền. Nhà trường cũng giảm bớt các chi phí đi kèm và tiết kiệm nhân sự.

Tôi được biết, không chỉ thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM mà nhiều địa phương đang đẩy mạnh chủ trương không thu tiền mặt mọi khoản thu trong trường học. Chủ trương nhằm hiện thực hóa Đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ. Chẳng hạn như: Quảng Ngãi, từ năm học 2023 - 2024, các trường học sẽ áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu cơ sở giáo dục không thu tiền mặt và các khoản thu ngoài quy định từ năm học 2023 - 2024.

Từ thực tế và phân tích nêu trên, tôi thiết nghĩ, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có văn bản pháp lý quy định bắt buộc cơ sở giáo dục, đào tạo không thu tiền mặt mọi khoản thu của phụ huynh, người học. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi, không gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh trong quá trình thanh toán, cần tránh độc quyền chỉ dùng một app hay ngân hàng duy nhất. Các trường cần đưa ra nhiều lựa chọn để phụ huynh chọn phương án phù hợp nhất.

Trong giai đoạn đầu thực hiện, nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh cách nộp tiền bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời kết hợp thanh toán trực tiếp và trực tuyến giúp phụ huynh từng bước làm quen khi nộp học phí và các khoản thu khác cho con em.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV: Lạm thu biến tướng do “nhờn” luật

Bà Tăng Thị Ngọc Mai.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai.

Qua theo dõi, giám sát tôi nhận thấy, vấn đề lạm thu gây bức xúc lớn cho phụ huynh và dư luận xã hội. Không phủ nhận, nhiều trường lạm dụng hai từ “tự nguyện” hoặc “núp bóng” hội phụ huynh để thu các khoản không đúng quy định.

Việc này xảy ra liên tục, nhiều năm và trở thành điệp khúc “đến hẹn lại lên” dịp đầu năm học. Bất luận thế nào, việc để xảy ra lạm thu trong trường học, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Nếu việc thu chi không rõ ràng, công khai minh bạch, cần xử lý nghiêm hiệu trưởng. Có như vậy mới chấm dứt được nạn lạm thu.

Thực tế cho thấy, lạm thu trong trường học ngày càng tinh vi và “biến tướng”. Một số trường làm “hồ sơ đẹp” để đối phó với đoàn kiểm tra. Song, trên thực tế việc thu các khoản từ phụ huynh, người học lại hoàn toàn khác. Khi bị cấp trên kiểm tra, chất vấn, yêu cầu giải trình thì hiệu trưởng “đẩy lỗi” xuống giáo viên, còn giáo viên “đá bóng” về Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đáng nói, hình thức xử lý khi phát hiện cơ sở giáo dục lạm thu chưa đủ mạnh nên các trường “ngựa quen đường cũ” và “nhờn luật”. Hình thức xử lý cơ bản yêu cầu trường tự báo cáo, giải trình, dừng thu chi, trả lại tiền cho phụ huynh, nhắc nhở, phê bình quán triệt... Với biện pháp này, chúng ta chưa thể khắc phục tình trạng lạm thu và càng khó hiện thực hóa khẩu hiệu “Tuyệt đối không để xảy ra lạm thu” mà các địa phương yêu cầu, chỉ đạo và quyết tâm thực hiện từ đầu năm học.

Không thu các khoản bằng tiền mặt cũng là giải pháp nhằm “chặn” tình trạng lạm thu trong trường học. Tuy nhiên, nếu văn bản quy định về vấn đề này không đủ chặt chẽ, trường vẫn tìm cách đối phó. Do đó, tôi cho rằng, cần nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra lạm thu tại trường mình phụ trách.

Trường hợp cần thiết có thể đình chỉ công tác hoặc cách chức; thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn bao giờ hết, hiệu trưởng phải chấp hành đúng Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố cũng như văn bản của sở GD&ĐT về thu chi đầu năm học. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thu chi trong trường học để kịp thời chấn chỉnh nếu phát hiện sai phạm. Chú trọng “phòng hơn chống” và không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Mạnh tay” xử lý

Ông Phạm Văn Hòa.

Ông Phạm Văn Hòa.

Lạm thu trở thành vấn nạn “đến hẹn lại lên”. Dịp đầu năm học nhiều phụ huynh bất bình khi cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng gợi ý các khoản thu. Có trường thu trên 20 khoản, đáng nói các khoản “phụ phí” cao gấp nhiều lần học phí. Vấn nạn này muôn hình vạn trạng. Trường ở khu vực nông thôn thu kiểu nông thôn, đô thị thu kiểu thành thị; trường chuyên, lớp chọn hay bình thường cũng có cách thu tương ứng.

Lạm thu diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí ngày càng nhiều biểu hiện tinh vi, biến tướng. Nghề giáo vốn được xem là nghề cao quý nhất nhưng vướng phải tiền nong, lạm thu triền miên khiến dư luận không khỏi xót xa. Đáng nói, khi phát hiện lạm thu, nhiều hiệu trưởng chỉ bị nhắc nhở và trả lại số tiền thu không đúng quy định cho phụ huynh, học sinh. Việc xử lý “nhẹ tay” cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trường “nhờn luật”.

Tôi đồng ý với phương án không thu tiền mặt nhưng cũng đề nghị cần “mạnh tay” hơn trong xử lý vi phạm người đứng đầu nếu để xảy ra lạm thu. Tùy từng mức độ, hiệu trưởng sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến cách chức, thôi việc; thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Kinh nghiệm từ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Bộ GD&ĐT đã có quy định liên quan về những khoản nhà trường được thu. Tại các địa phương cũng có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục được và không thu khoản nào. Vì thế, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, trách nhiệm chính thuộc về nhà trường.

Mặc dù có quy định xử lý, từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hầu như các “biện pháp mạnh” chưa được áp dụng. Tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, xem xét đến trách nhiệm của cơ quan quản lý là các phòng, sở GD&ĐT và địa phương.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương cần xây dựng kênh phản hồi công khai, để phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp. Cơ quan quản lý đẩy mạnh tuyên truyền về các khoản được và không thu với từng cấp học để phụ huynh nắm rõ. Trên cơ sở đó, phụ huynh thẳng thắng từ chối khoản thu không có ở danh mục được phép thu và trái quy định.

Liên quan đến việc không thu bằng tiền mặt trong cơ sở giáo dục, đào tạo, tôi cho rằng, đây là giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên, để chủ trương thành hiện thực và hoạt động hiệu quả, cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện; trong đó quan tâm, nhấn mạnh đến yếu tố pháp quy và điều kiện thực tiễn của các địa phương. Bởi lẽ, “trường học không tiền mặt”, đồng nghĩa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ phải đồng bộ. Chẳng hạn, độ phủ sóng của ngân hàng, việc dùng mạng Internet (nếu sử dụng dịch vụ Internet Banking phải được đầu tư, thiết kế ra sao cho hợp tình và lý…).

Trên thực tế, việc “xóa mù công nghệ” ở vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, rào cản. Vì thế, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến. Do đó, trước mắt, tôi cho rằng, nên áp dụng song song hai hình thức: Nộp tiền trực tiếp và trực tuyến. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; từng bước hoàn thiện, tiến tới phổ cập hình thức không sử dụng tiền mặt để nộp các khoản thu về trường.

Không đâu xa, chúng ta có thể lấy luôn bài học kinh nghiệm của việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng và nộp lệ phí. Từ chỗ thí sinh phải đăng ký trên giấy, nộp tiền xét tuyển trực tiếp nay mọi quy trình được áp dụng theo hình thức trực tuyến.

Trường học không tiền mặt là xu hướng tích cực. Tuy nhiên, khi thực hiện cần có lộ trình và đề cao nguyên tắc: Phụ huynh, học sinh được quyền lựa chọn phương thức thanh toán. Nếu không, những mục đích, tiện ích của thanh toán không tiền mặt sẽ ít mang lại giá trị. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.