Đây không chỉ là một sáng kiến thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc tích cực hưởng ứng các hoạt động của Liên Hiệp Quốc mà còn để đáp ứng yêu cầu thực tế của Việt Nam là làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng… đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt là kế hoạch này sẽ không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo ra khung thể chế giúp thiết kế và thực thi các chính sách đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, nhờ đó sẽ tác động bền vững đến an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.…
Chính vì vậy càng làm cho nhân dân phấn khởi, coi đó thực sự là sự tiếp nối, khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác xóa đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tế trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Chỉ tính từ Đại hội VII (năm 1991), công tác xóa đói, giảm nghèo đã trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VII) đã đặt ra nhiệm vụ ưu tiên xóa đói, giảm nghèo cho các hộ gia đình “vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng trước đây là căn cứ cách mạng”.
Từ đó đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh, thành đã đạt được những kết quả to lớn. Đó là:
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng giảm xuống; các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về xóa đói, giảm nghèo đã được đổi mới, vận dụng sáng tạo cho phù hợp hơn với tình hình thực tế từng địa phương, được đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình ủng hộ; nhiều địa phương đã có cách làm hay, xây dựng được các mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn, giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu;
Chính sách của Nhà nước đã giúp đồng bào ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, mang các dịch vụ văn hóa, giáo dục, giao thông đến với người nghèo; thành tựu xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, điều không thể phủ nhận là công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như: Ở nhiều tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc còn khá cao; nguồn kinh phí đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc còn phân tán trong nhiều chương trình, dự án, nên hiệu quả giảm nghèo chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các chính sách xóa đói, giảm nghèo chưa thực sự hỗ trợ cho nhau; một số phương thức hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo còn chưa được thiết kế hợp lý nên hiệu quả đem lại chưa cao…
Vì vậy, khi thông điệp Chương trình “Không còn nạn đói” được chính thức khởi động, nhân dân cả nước đang mong muốn và kỳ vọng: Chương trình “Không còn nạn đói” sẽ tiếp tục nhân lên ý nghĩa nhân văn bằng việc đẩy mạnh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo vào thực tiễn.