Moscow biết gì về tên lửa đạn đạo mới của Kiev?

GD&TĐ - Hôm 27 tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Ukraine đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên của mình.

Mô hình tên lửa đạn đạo Grom-2 của Ukraine.
Mô hình tên lửa đạn đạo Grom-2 của Ukraine.

Ông Zelensky không nói rõ về bản chất hoặc đặc điểm của vũ khí mới, làm dấy lên suy đoán rằng tên lửa mới này có thể là Hrim-2 (tiếng Nga là Grom-2, tạm dịch là Thunder-2), một hệ thống tên lửa chiến thuật tiềm năng được công bố vào năm 2014.

Tên lửa này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ một bên mua ở Trung Đông, nhưng được cho là đã bị hủy bỏ sau khi Mỹ chấp thuận bán tên lửa của riêng mình cho khách hàng ở Trung Đông này.

"Tổng thống Zelensky nói rất nhiều điều", Vasily Dandykin, nhà phân tích quân sự kỳ cựu của Nga, chuyên gia tên lửa và là cựu Đại úy Hải quân cấp 1, nói với hãng RIA, không loại trừ khả năng những tuyên bố mới về tên lửa của ông Zelensky chỉ là tuyên truyền.

Học giả Dandykin chỉ ra rằng quay trở lại thời Liên Xô, việc phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật được giao cho các cục thiết kế ở Nga, trong khi tại Ukraine khi còn thuộc Liên Xô chỉ tập trung vào tên lửa ICBM, tên lửa vũ trụ, tên lửa phòng không, v.v. Ukraine thậm chí còn mất đi nhiều năng lực này trong những thập kỷ gần đây.

Nhà phân tích không loại trừ khả năng tên lửa mới được ông Zelensky nói đến thực chất có thể là Tochka-U được nâng cấp – một thiết kế tên lửa chiến thuật thời Liên Xô với tầm bắn 120 km và đầu đạn có sức hủy diệt cao 420 kg.

Mặt khác, ông Dandykin gợi ý, đó có thể là tên lửa Oka nâng cấp – một tên lửa đạn đạo chiến trường của Liên Xô có tầm bắn 400 km đã bị Tổng thống Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev thanh lý khỏi kho vũ khí của Liên Xô vào cuối những năm 1980.

Tên lửa Oka thuộc quyền sở hữu của ba đồng minh của Liên Xô ở Đông Âu, bao gồm Bulgaria, và Dandykin không loại trừ khả năng Sofia có thể đã chuyển giao công nghệ tên lửa cho Kiev như một khoản viện trợ quân sự.

Cũng có khả năng các kỹ sư quốc phòng của Ukraine sẽ cố gắng tái tạo tên lửa Iskander của Nga dựa trên những gì còn sót lại sau khi sử dụng.

Trong mọi trường hợp, những yêu cầu liên tục của Zelensky về vũ khí tầm xa của NATO như Taurus từ Đức, ATACMS từ Mỹ... đã chỉ ra những hạn chế trong chính lĩnh vực quốc phòng của Kiev, đặc biệt là trong bối cảnh Nga thường xuyên tấn công vào các doanh nghiệp quốc phòng của Ukraine, Dandykin nhấn mạnh.

"Tôi nghĩ rằng sản xuất quốc phòng quy mô lớn ở Ukraine là không thể vào lúc này, vì nó rất tốn kém, cơ sở vật chất không đủ, thiếu về công nghệ, và tôi không tin rằng họ có những cơ hội như vậy, họ không có khả năng sản xuất.

Không phải ai cũng có thể đủ khả năng - ngay cả những quốc gia phát triển hơn và giàu có hơn. Ví dụ, người Mỹ là những người có thế lực, nhưng ngay cả đối với họ, không phải mọi thứ luôn diễn ra suôn sẻ", người quan sát lưu ý.

Học giả Nga cho biết thêm rằng, kinh nghiệm của Ukraine với tên lửa hành trình chống hạm cận âm Neptune, cũng dựa trên thiết kế Kh-35 của Liên Xô, cho thấy rõ những hạn chế của ngành quốc phòng nước này, với ước tính chỉ sản xuất khoảng 10-15 tên lửa Neptune mỗi năm trong trường hợp tốt nhất và hiếm khi được sử dụng.

Cuối cùng, học giả Nga nhấn mạnh, bất kỳ tên lửa nào mà Ukraine có thể sản xuất được, hệ thống phòng không của Nga sẽ sẵn sàng đánh chặn chúng

"Chúng tôi đánh chặn Tochka-U, HIMARS, Storm Shadow… Hệ thống phòng không của chúng tôi đã khiến ngay cả phương Tây cũng thừa nhận là tốt nhất thế giới trong mọi tầm bắn, từ các tổ hợp tầm ngắn đến tầm xa", ông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.