Moscow - Bắc Kinh: Bắt tay đối phó với “cuồng phong” từ Mỹ?

GD&TĐ - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến công du 3 ngày tới nước Nga. Đây là chuyến thăm Nga thứ 8 trong 6 năm ông Tập nắm quyền ở Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ phát động chiến tranh thương mại tổng lực chống lại Trung Quốc, chuyến công du nước Nga của ông Tập được cho là “cột mốc quan trọng” trong quan hệ giữa hai nước, là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới.  

Tổng thống Nga V.Putin tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.	Ảnh: Kremlin.ru
Tổng thống Nga V.Putin tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin. Ảnh: Kremlin.ru

Quan hệ Nga - Trung tốt chưa từng có

Cuộc gặp của lãnh đạo Liên bang Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự kiện này vẫn còn trong ký ức của hai dân tộc, nó làm tăng thêm sự bảo đảm của các nhà lãnh đạo hiện tại về tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Nga - Trung và quyết tâm phát triển nó. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “đồng nghiệp nước ngoài tốt nhất” và là “bạn thân nhất”.

Trong cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thảo luận về các vấn đề quốc tế, kinh tế và an ninh.

Tổng thống V.Putin cho biết, sau cuộc gặp, ông và ông Tập Cận Bình đã quyết định phát triển phương thức thanh toán giữa Nga và Trung Quốc bằng tiền tệ quốc gia - rúp và nhân dân tệ.

Putin cũng cho rằng, khả năng tạo ra một tổ chức nông nghiệp Nga - Trung ở Primorye (vùng Viễn Đông) đã được thảo luận. Theo tính toán sơ bộ vào thời điểm hiện tại, lượng đầu tư có thể lên tới khoảng 10 tỷ rúp.

Lãnh đạo hai siêu cường cũng nói về việc giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tình hình ở Venezuela và Syria. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp ngoại giao chính trị về vấn đề hạt nhân. Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản đối đe dọa của Mỹ sử dụng vũ lực chống lại Iran. Theo ông Putin, về những vấn đề này, quan điểm của Moscow và Bắc Kinh nói chung trùng khớp.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cho rằng, khi doanh số thương mại giữa hai nước vượt 100 tỷ USD, Moscow và Bắc Kinh đã phá vỡ một kỷ lục lịch sử mới. Ngay trong chuyến thăm Nga của ông Tập lần này, 20 hợp đồng kinh tế lớn giữa Nga và Trung Quốc đã được ký kết.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, chủ nghĩa bảo hộ và bá quyền đang “ngẩng cao đầu” trên thế giới. Nga và Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của HĐBA Liên Hợp Quốc nên nỗ lực bảo vệ hệ thống an ninh quốc tế.

Ngoài ra, Moscow và Bắc Kinh phản đối bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm các hạn chế thương mại đơn phương. Họ tuyên bố ý định “thúc đẩy cải cách WTO” nhằm thiết lập hoạt động hiệu quả của 3 chức năng trụ cột: Chức năng giám sát, đàm phán và giải quyết tranh chấp. Nga và Trung Quốc cũng lên án hành động của một số quốc gia tự cho mình quyền được chi phối quan hệ giữa các quốc gia khác nhằm gây áp lực lên các quốc gia mà họ không ưa.

Moscow và Bắc Kinh ủng hộ chủ nghĩa đa cực, chống chiến tranh trên các vì sao… V.Putin và Tập Cận Bình cho rằng, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những nền tảng của hệ thống an ninh quốc tế hiện đại, một hiệp ước quốc tế duy nhất “kết hợp hài hòa các nhiệm vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải giáp và tương tác bình đẳng trong việc phát triển hạt nhân vì hòa bình”.

Rào cản nào trong quan hệ Nga - Trung?

Theo báo chí Nga, dữ liệu về thương mại Nga - Trung trong năm qua thoạt nhìn khá lạc quan. Năm 2018, thương mại tăng 24,5% và vượt 100 tỷ USD, chủ yếu do xuất khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga tăng.

Nhưng, nói như Willie Lam - Giáo sư phụ giảng tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông thì nền kinh tế Nga khá nhỏ trên toàn cầu, chỉ 1,9% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga. Thị phần chủ yếu của Trung Quốc rơi vào Hoa Kỳ, EU, các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Hơn nữa, theo tờ South China Morning Post, mặc dù sự tăng trưởng trong thương mại song phương, lượng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga vẫn còn hạn chế.

Nói theo Phó Giáo sư ĐH Kinh tế cao cấp Moscow Mikhail Karpov thì “người Trung Quốc đầu tư vào những gì họ cần - vào dầu, khí đốt, gỗ. Có sự hợp tác trong nông nghiệp. Dự án đầu tư lớn rất ít. Rốt cuộc, họ liên quan đến việc sử dụng công nghệ Trung Quốc và lao động Trung Quốc. Nó không phù hợp với Nga”.

Tờ Financial Times trích lời ông Fredrik Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) viết: Hiện tại, họ (Nga - Trung) thống nhất bởi một nguyên nhân chung chống lại lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Do đó, ông Putin lên tiếng ủng hộ chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc bất chấp nhiều lo ngại ở Moscow rằng sáng kiến của Trung Quốc nhằm mở rộng sự xâm lấn vào phạm vi ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, Financial Times viết.

Xin nhắc lại câu nói của Thủ tướng Anh Palmerston vào thế kỷ 19 rằng các quốc gia không có bạn bè vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Đối với Nga và Trung Quốc, những lợi ích này tạo ra một giới hạn cho mối quan hệ của chính họ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ