'Mộng Viễn Đông' của các họa sĩ du hành đến Đông Dương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau triển lãm đầu tiên vào năm 2022, hãng đấu giá danh tiếng Sotheby’s sắp trở lại với 50 tác phẩm chưa từng ra mắt công chúng Việt Nam.

'Mộng Viễn Đông' là triển lãm thứ hai của Sotheby’s tại Việt Nam sau 'Hồn xưa bến lạ' diễn ra vào tháng 7/2022.
'Mộng Viễn Đông' là triển lãm thứ hai của Sotheby’s tại Việt Nam sau 'Hồn xưa bến lạ' diễn ra vào tháng 7/2022.

Tiến tới mốc thời gian kỉ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, triển lãm “Mộng Viễn Đông” là dịp nhìn lại những đóng góp của các giáo sư và lứa họa sĩ Pháp du hành tới Đông Dương. Dự kiến triển lãm được tổ chức tại Park Hyatt Saigon (TPHCM) từ 14 - 17/8.

Cuộc du hành nghệ thuật

Ngày 9/8, hãng đấu giá nghệ thuật Sotheby’s thông báo quay trở lại Việt Nam với triển lãm mang tên “Mộng Viễn Đông/The Faraway East: of Dreams and Pursuits” – một trưng bày khám phá tuyến nội dung của các họa sĩ Pháp từng sống, làm việc và có những ảnh hưởng lớn về nghệ thuật tại Đông Dương, như: Victor Tardieu, Jean-Louis Paguenaud, André Maire, Evariste Jonchere, Joseph Inguimberty, Joseph Gilardoni...

Họ đều là những tên tuổi gắn liền với sự ra đời của ngôi trường mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương.

Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s, Giám tuyển Ace Lê cho biết: “Đã gần tới mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, và đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một kinh viện mà kéo theo đó còn là cả một trường phái nghệ thuật với di sản đồ sộ.

Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam”.

Ông Nathan Drahi - Giám đốc Điều hành Sotheby’s châu Á - cho hay: “Trong năm bản lề này của Sotheby’s tại châu Á, chúng tôi rất vui mừng được quay trở lại Việt Nam để tổ chức triển lãm thứ hai và tiếp tục vinh danh di sản nghệ thuật rực rỡ của đất nước các bạn”.

Ông Jasmine Prasetio - Giám đốc Điều hành Sotheby’s Đông Nam Á - cho rằng: “Tiếp tục chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ở châu Á với thành công của triển lãm và phiên đấu giá gần đây tại Singapore, chúng tôi háo hức chào đón thêm một dấu mốc nữa bằng việc trở lại Việt Nam thông qua dự án thứ hai trong chuỗi triển lãm tại đây.

Bằng việc giới thiệu những kiệt tác tới công chúng, chúng tôi hi vọng triển lãm sẽ tương tác, cung cấp thông tin và truyền cảm hứng tới cộng đồng nghệ thuật Việt Nam”.

Trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, nghệ thuật Việt Nam đang đặc biệt thu hút sự quan tâm từ giới mộ nghệ toàn cầu. Sotheby’s đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường, và hiện đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt Nam.

'Một góc phố Hà Nội' của Victor Tardieu.

'Một góc phố Hà Nội' của Victor Tardieu.

Những người thầy vẽ Đông Dương

Đúng như tên gọi của triển lãm, “Mộng Viễn Đông” sẽ giới thiệu những bức tranh do chính những người thầy Trường Mỹ thuật Đông Dương thực hiện, những bức tranh phản ánh cuộc sống con người và vẻ đẹp vùng đất Việt Nam ngày đó.

Đầu tiên và nổi bật nhất chính là Victor Tardieu - nhà sư phạm tài năng đã có công sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, đào tạo nên đội ngũ các họa sĩ, kiến trúc sư để mở đầu cho nền mỹ thuật và kiến trúc hiện đại Việt Nam.

Trong Thế chiến thứ nhất, Tardieu tham gia quân ngũ. Sau chiến tranh, ông trở lại với hội họa và đến năm 1920 đã giành giải thưởng Indochine. Phần thưởng cho ông là chuyến du lịch Đông Dương trong thời gian một năm. Đây là cơ duyên gắn bó ông với Đông Dương, với Việt Nam suốt cuộc đời.

Tranh của Joseph Gilardoni.

Tranh của Joseph Gilardoni.

Từ Pháp, ông đến Sài Gòn vào ngày 2/2/1921 sau đó ông ra Hà Nội. Tại đây ông nhận lời vẽ trang trí cho giảng đường lớn của tòa nhà Đại học Đông Dương và đã dồn hết tài năng, công sức cho tác phẩm này trong 3 năm (1922 - 1924) để tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam trên bức sơn dầu rộng 77m2 với những người làm mẫu bản xứ.

Tháng 4/1924, ông đệ trình lên Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin về việc thành lập một Trường Mỹ thuật tại Đông Dương. Ngày 27/10/1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội. Victor Tardieu là hiệu trưởng, họa sĩ Nam Sơn là cộng sự.

Trường khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 11/1925 với sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng kỹ thuật, kiến thức cho các nghệ sĩ Đông Dương; hướng các nghệ sĩ bản địa tìm hiểu những kỹ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ mới của phương Tây, hỗ trợ họ phát huy những bản sắc và giá trị nghệ thuật truyền thống của đất nước mình.

Năm 1938, nhà điêu khắc Evariste Jonchere (cũng là người có tác phẩm trong triển lãm này – PV) được bổ nhiệm là hiệu trưởng thay Victor Tardieu. Ông thực hiện quan điểm đào tạo chuyển hướng trọng tâm sang mỹ thuật ứng dụng và đổi tên trường thành Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng.

Tác phẩm 'Vịnh Hạ Long' của Jean-Louis Paguenaud.

Tác phẩm 'Vịnh Hạ Long' của Jean-Louis Paguenaud.

Một vị giáo sư nổi tiếng nữa của Trường Mỹ thuật Đông Dương phải kể đến André Maire. Vào cuối Thế chiến thứ nhất, ông đã khám phá Sài Gòn và sau đó được bổ nhiệm làm phụ giảng tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Ngay từ ngày đầu tới Đông Dương, ông đã mang về một tập tài liệu tranh ảnh quan trọng dùng để thực hiện sách về tranh khắc gỗ “Sài Gòn” năm 1924.

Lần thứ hai tới Đông Dương vào năm 1948, ông được bổ nhiệm làm giáo sư đồ họa và mô hình cho Trường Cao đẳng Kiến trúc ở Hà Nội - một nhánh của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Do chiến tranh, trường chuyển lên Đà Lạt, nơi ông tiếp tục làm việc với chất liệu chì son và đá than đen để miêu tả đời sống của người dân Gia Rai.

Có thể nói rằng, không chỉ các họa sĩ – các nhà sư phạm có nhiều năm gắn bó với Trường Mỹ thuật Đông Dương mới vẽ tranh về đề tài Việt Nam. Nhiều họa sĩ Pháp từng du hành đến Đông Dương và để lại cho đời các tác phẩm có giá trị về lịch sử và thẩm mỹ.

Trong đó, nhiều bức tranh hiện thuộc sở hữu các bảo tàng tại Pháp và nhiều nước khác, một số tác phẩm được đưa lên các sàn đấu giá lớn như Sotheby’s, Christie’s… Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất là các bảo tàng ở nước ta không hề có tác phẩm nào của họ - dù đó là những tác phẩm liên quan nhất đến Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ